Người địa phương gọi Suối Hiền là hồ “tử thần”, bởi nhiều vụ đuối nước liên tục xảy ra trong quãng thời gian dài. Nhiều cái “chết trùng” khó lý giải khiến người dân hoang mang, sợ hãi cho rằng hồ thi thoảng lại nổi sóng “nuốt người”?
Theo nhẩm tính của người địa phương, từ khi đắp hồ đến nay có tới 15 người chết vì đuối nước. Đa số dân trong vùng cho là sự cố không may, nhưng một số người mê tín lại cho rằng: Những tai nạn khởi đầu từ vụ 2 thiếu nữ cùng lúc rớt từ cành cây xuống vào năm 1985 chính là sự “trừng phạt của thủy thần”, trả thù cho 2 con cá sấu bị người bắn chết một năm trước đó.
Điều trùng lặp nữa là rất nhiều người đuối nước đều sinh năm Dậu. Họ cho rằng do có người tuổi Dậu chết trước nên đã kéo những người sống hợp tuổi cùng xuống lòng hồ.
Cha con, anh em đều chết đuối cùng một nơi, cùng một kiểu?
Hồ Suối Hiền (thôn Sơn Nghiệp, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên) được đắp nên từ năm 1978, với mục đích dự trữ nước tưới tiêu mùa khô hạn cho cánh đồng trong vùng.
Trải qua thời gian, hồ lúc nào cũng ăm ắp đưa nước tưới phục vụ cây trồng. Nhưng mỗi khi nhắc về lịch sử của hồ, không ít người dân trong vùng vẫn rùng mình sợ hãi, bởi nơi đây thường xuyên xảy ra những vụ đuối nước khó hiểu khiến nhiều người mất mạng oan uổng.
Các tai nạn tại hồ còn được nhớ khá chi tiết. Vụ đuối nước đầu tiên xảy ra vào năm 1985, cả thôn hoảng hốt khi chứng kiến cùng một lúc hai nạn nhân chết đuối là đôi bạn gái chừng 15 – 16 tuổi.
Trong lúc đang chơi vui trên bờ hồ, hai thiếu nữ trèo lên thân cây gần đó rồi bám vào cành cây đánh đu đùa nghịch. Cành cây bị gãy nên cả hai cùng rơi xuống lòng hồ, sau đó chết vì ngạt nước.
Hồ Suối Hiền.
Kể từ đây nhiều cái chết liên tiếp xảy ra đều có ít nhiều tình tiết tương tự, thậm chí trong một nhà có tới 2 người chết vì đuối nước. Một đêm năm 1987, ông Trần Văn Quyên (SN 1953) đi đến chòi trông coi hồ chơi, sau đó lấy ghe chèo ra hồ đến tận sáng vẫn không thấy về.
Người đàn ông vốn có sức khỏe tốt và bơi rất giỏi, nhưng sớm hôm sau dân làng chỉ thấy chiếc ghe bị lật ở giữa hồ còn người không thấy đâu. Mọi mọi người đổ xô đi tìm kiếm, đến 3 ngày sau mới thấy xác người đàn ông nổi lên lềnh bềnh trên mặt nước.
Hai mươi năm sau đó, người con trai của nạn nhân cũng lặp lại tai nạn giống như cha mình. Thanh niên này chèo ghe sang bên kia hồ gọi bạn, nhưng đến giữa dòng chiếc ghe bỗng dưng lật nhào. Người dân đổ xô cứu nạn, lúc ra đến nơi chàng trai đã ngừng thở.
Theo người dân trong vùng, chàng trai vừa xuất ngũ, rất khỏe mạnh, lại quen với sông nước từ thuở nhỏ không thể đuối nước dễ dàng như vậy. Một người dân nhấn mạnh: “Điều trùng lặp là chỗ tử vong của người con đúng chỗ người cha lật ghe 20 năm về trước”.
Sau ngày đứa con ông Quyên qua đời được 2 năm, một câu chuyện trùng lặp nữa bắt đầu nối tiếp trong một gia đình láng giềng. Gia đình này có 2 người con trai. Chiều một ngày năm 1989, người anh từ nhà đưa bò ra hồ tắm như thường lệ. Vị trí tắm là gần bờ, nước cạn nhưng chỉ chừng 15 phút sau thì không thấy bóng dáng đâu nữa.
Người láng giềng nhớ lại: “Hôm đó vào mùa gặt, gia đình tôi đang thu hoạch lúa cách đó khoảng 30m, thấy thằng bé đưa bò ra tắm như mọi ngày nên không để ý lắm. Chừng 15 phút sau thì không thấy cháu, vội vàng chạy đi tìm ở nơi nước sâu nhưng vô vọng. Sau đó quay trở lại đã thấy cháu đang nằm ngay sát bờ lúc nào không hay”.
Mười bảy năm sau ngày người anh gặp nạn, người em cũng lặp lại tình huống tương tự. Cậu bé ngồi trên bờ chơi, không hiểu sao sảy chân té chúi đầu xuống nước. Do được phát hiện muộn nên cậu em cũng “đi theo” anh. Dân thôn sợ hãi cho rằng cái dớp chết hồ đã đeo bám gia đình ông Quyên và nhà hàng xóm lân cận, nên mỗi nhà đều phải “cúng” hai người cho “thủy thần”.
Theo nhẩm tính của người địa phương, từ khi đắp hồ đến nay có tới 15 người chết vì đuối nước. Đa số dân trong vùng cho là sự cố không may, nhưng một số người mê tín lại một mực tin rằng: Vụ 2 thiếu nữ cùng lúc rớt từ cành cây xuống vào năm 1985 chính là sự “trừng phạt của thủy thần”, trả thù cho 2 con cá sấu bị người bắn chết một năm trước đó.
Điều trùng lặp nữa là rất nhiều người đuối nước đều sinh năm Dậu. Họ cho rằng do có người tuổi Dậu chết trước nên đã kéo những người sống hợp tuổi cùng xuống lòng hồ. Nhiều trường hợp không lý giải được nguyên nhân, người trong thôn bèn thì thào đổ lỗi tất cả là do “ma làm”.
Cuộc săn bắn hạ gục 2 con cá sấu
PV đã tìm đến địa bàn thôn Sơn Nghiệp để tìm hiểu thực hư phía sau những lời đồn về hồ Suối Tiên. Ông Phạm Ngọc Thảo (SN 1954), một người dân 20 năm sống ở khu vực này, xác nhận những cái chết là có thật.
Tuy nhiên, nguyên nhân không kỳ bí giống như đồn thổi. Như vụ tai nạn đầu tiên của hai thiếu nữ là do chơi đùa mệt mỏi, khi bị té xuống nước thì bị chuột rút.
Còn chuyện thủy thần “báo oán” cho cá sấu, ông Thảo giải thích: “Ngày trước thiên nhiên vốn khắc nghiệt, ở hồ cũng có cá sấu rình rập đe dọa sinh mạng con người.
Đến năm 1984, đội du kích sau nhiều năm săn lùng đã bắn hạ 2 con cá sấu nặng khoảng trên 50kg sống dưới hồ, tiêu diệt mầm mống nguy hiểm. Nhưng giữa chuyện bắn cá sấu và chuyện người chết đuối chắc chắn không liên quan. Đó là do người mê tín dị đoan liên tưởng khiến sự việc mang màu sắc “ma quái” mà thôi”.
Về chuyện 2 cha con ông Quyên bị lật thuyền, là một kiểu trùng hợp ngẫu nhiên. Một mình chèo ghe ra hồ, gặp lúc sóng to gió lớn, không giữ được thăng bằng thì ghe sẽ bị lật. Đây là chuyện thường tình, không phải là hiếm có.
“Còn lời kể 2 cha con chết cùng 1 vị trí là không chính xác. Bởi người cha lật ghe ở gần phía bờ đập bên này, còn đứa con lật ghe gần nghĩa trang nơi bờ đập bên kia, giáp danh với xã khác”, ông Thảo khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Lương Xuân Quy, Bí thư chi bộ thôn Sơn Nghiệp cho biết: “Hồ Suối Hiền có nhiều người chết đuối. Tuy nhiên về nguyên nhân lại thường bị thêu dệt, khiến nhiều người nghĩ sai sự thật”.
Còn về chuyện những người đuối nước thường sinh vào năm Dậu, vị Bí thư khẳng định đó chỉ là sự trùng hợp ở một số nạn nhân. “Không có chuyện “ma làm” hay mang dớp hợp tuổi, các vụ đuối nước trên hồ Suối Hiền cũng chỉ là những vụ tai nạn dưới nước giống như ở nơi khác mà thôi”, vị bí thư cho biết.