Bi hài chuyện chia ca ăn cơm, đếm chân đi ngủ trong gia đình đông con nhất miền Trung

Ái Vân-Hoàng Nguyên |

Ở địa phương, gia đình ấy được gọi vui là “quả bom dân số”. Gần 40 năm chung sống, chỉ vì thiếu hiểu biết, đôi vợ chồng liên tục “sản xuất” 14 đứa con.

Đi kèm với việc đẻ nhiều, dĩ nhiên là những hệ lụy từ kinh tế nghèo nàn và cuộc sống lắm chuyện bi hài, thậm chí cha mẹ nhiều lúc không nhớ hết được tên con.

Đẻ nhiều vì ước mơ “lập đội quân đi biển”

Ông Nguyễn Độ (57 tuổi) cùng vợ, con hiện vẫn sống ở làng Cồn Sẻ (thuộc xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).

Trong gian nhà 30m2 chật chội, chúng tôi thực sự choáng váng khi chứng kiến cảnh ông cùng hơn chục đứa con chen chúc.

Con trai lớn của ông Độ năm nay đã 36 tuổi, trong khi đứa nhỏ nhất mới tròn 10 tuổi. Hỏi về lý do đẻ nhiều, ngư dân này trả lời hồn nhiên: “Hồi trước nhà nghèo, tôi bàn với vợ đẻ nhiều con để… lập đội tàu đi biển.

Sau này có điều kiện mua tàu, khỏi phải thuê người”. Nào ngờ, đẻ càng nhiều thì ước mơ mua tàu, lập đội đi biển càng xa vời.

Bà Nguyễn Thị Hường (vợ ông) thở dài não nuột bảo: “Chừng ấy miệng ăn, lo đủ bữa ăn đã mướt mồ hôi, nói gì đến chuyện mua tàu bè cơ chứ”.

Nói về quá khứ, ông Độ cho biết mình cưới vợ năm 1977. Đúng một năm sau, cậu con trai đầu lòng ra đời.

Nay thì chàng trai này cũng đã lập gia đình, đưa ông Độ lên chức ông nội. Từ đó đến năm 2007, vợ chồng ông “sản xuất” sòn sòn theo tiến độ hai năm một đứa.

Đến giờ, ba người con đầu đã lập gia đình. Đáng trách thay, họ cũng gần như chẳng quan tâm đến việc tuân thủ Pháp lệnh Dân số. Ba người lần lượt đã sinh hơn chục đứa cháu cho ông Độ, tất cả đều sống trong ngôi nhà tàn tạ này.

Cũng bởi quá nhiều con, cháu, phần lớn thời gian bà Hường chỉ dành nấu nướng, giặt giũ đã bở hơi tai. Trong khi đó, ông Độ quần quật chạy lo ăn từng bữa.

Mấy người con đã lập gia đình của ông thì phải đi biển thuê, đứa vào Nam làm mướn, thu nhập chẳng đáng là bao.

Thấm thía nỗi khổ khi sinh đẻ quá nhiều, bà Hường trải lòng: “Thời chúng tôi lạc hậu nên mới vậy. Chứ giờ có cho tiền, tôi cũng không đẻ nhiều như thế.

Bốn năm, tôi sinh ba đứa con. Tôi bế đứa út thì chồng mắc võng ru đứa áp út. Đứa trước lớn lên lại lấy quần áo, tã lót để con sau mặc.

Hồi tôi vừa sinh con thứ ba được ba ngày đã phải tự làm việc nhà. Nhà nghèo, vợ chồng tôi vay mượn khắp nơi. Có khi trước mùa gặt một tuần vẫn phải mang nồi sang nhà hàng xóm vay gạo nấu”.

Khó khăn, nhọc nhằn nhưng điều bi hài là ông bà không ra trạm y tế mà lần nào cũng đẻ ở nhà.

Ông Nguyễn Cương (Trưởng thôn Cồn Sẻ) cho biết: “Lúc chính quyền địa phương phát hiện thì ông bà ấy đã âm thầm sinh gần chục đứa con. Chính quyền xã đã xuống tìm hiểu, khuyên can, vận động.

Cán bộ Dân số đến tận nơi, bảo đi triệt sản, rồi phát cả dụng cụ phòng tránh thai.

Song thấy bóng cán bộ từ xa, cả hai vợ chồng đã trốn biệt. Cũng vì xuống vận động nhiều quá, chúng tôi thậm chí còn nhớ mặt, thuộc tên đám trẻ hơn cả cha mẹ chúng.

Còn cuộc sống của nhà này thì không thể nói hết sự vất vả. Bình quân mỗi ngày, cả nhà dè sẻn ăn cũng hết 5kg gạo. Họa hoằn lắm, cả nhà mới có miếng thịt tươi cải thiện.

Ngày lễ, Tết, chính quyền địa phương lại phải giúp cân cá, cân thịt để bọn trẻ khỏi tủi thân”.


Ông Độ và đứa con thứ 5 ngày ngày dãi dầu với biển.

Ông Độ và đứa con thứ 5 ngày ngày dãi dầu với biển.

Cán bộ “toát mồ hôi” trước sổ hộ khẩu dày 50 trang

Chuyện khó tin về gia đình ông Độ sẽ chẳng mấy ai biết đến, nếu không có lần ông bị sốt phải chuyển lên Trung tâm Y tế huyện điều trị mấy hôm.

Nhà  nghèo không có tiền, bà Hường hôm đầu còn ở lại chăm chồng. Đến ngày thứ hai, đám trẻ đói ăn đã dắt nhau kéo xuống tận Trung tâm Y tế “nằm viện” cùng cha.

Hôm đó, cả Trung tâm y tế huyện được một phen “náo động”. Các bác sĩ biết gia đình ông Độ có hơn chục đứa con, đứa cháu thì cũng tròn mắt kinh ngạc.

Hỏi về chuyện ăn ngủ, chuyện sinh hoạt của cả đội quân trẻ con này, ông Độ cười ngặt nghẽo: “Đông quá lại “xít xìn xịt” nhau như nên tôi cứ đặt theo tên làng, tên xã cho dễ nhớ.

Ấy vậy mà có khi, gọi tên đàn con với đám cháu vẫn nhầm lẫn lung tung, không thể nào chính xác được”. Một lần, cán bộ xã đến nhà làm chính sách trợ cấp Tết và yêu cầu cả gia đình phải có mặt.

Ngoài ba đứa con đi làm xa, ông Độ phải toát mồ hôi chạy suốt nửa ngày trời mới tập hợp được “đội quân nhí” này. Đám trẻ về xếp hàng ngang trước sân.

Bà Hường gọi tên con lại nhầm sang cháu, cứ thế diễn đi diễn lại suốt một buổi chiều. Mãi đến tối mịt, đồng chí cán bộ mới làm xong cái danh sách “tàm tạm chuẩn” để phát gạo, quần áo, bánh trái cho gia đình này.

Chưa hết, việc làm giấy tờ cho lũ trẻ của gia đình ông Độ mới lắm nỗi bi hài. Đẻ nhiều, sợ bị nhắc nhở, dị nghị nên ông Độ cũng trốn luôn làm giấy khai sinh cho con.

Khi chuyện vỡ ra, cán bộ tư pháp xã phải vận động ông bà đưa con, cháu lên Ủy ban xã làm giấy khai sinh. Lần đầu, ông dẫn “chọn lọc” mười đứa, “vì dẫn đi đông quá quản không xuể”.

Làm được giấy khai sinh cho mười đứa đầu cũng mất cả ngày trời bởi ông không nhớ rõ chúng sinh ngày nào, tháng nào. Thế là ông “khai đại” đứa này sinh ngày ấy, tháng ấy, năm ấy.

Đồng chí cán bộ xã ghi theo lời khai, thế nhưng sau đó lại tá hỏa vì sai nhiều quá. Đứa trước ông khai sinh tháng 10 năm trước, đứa sau ông khai sinh tháng 7 năm sau, chỉ cách nhau chưa đầy 9 tháng.

Cán bộ tư pháp hỏi sao mà sinh được ngay như thế thì ông Độ gãi đầu gãi tai bảo “nhớ nhầm, xin khai lại”.

Đợt khai sinh lần sau còn lắm chuyện bi hài hơn. Vì chẳng nhớ đứa nào đã khai, đứa nào chưa khai, ông Độ dẫn đi cả loạt. Cán bộ xã lại phải làm lại từ đầu.

Hôm ấy, chính quyền địa phương phải cắt cử hẳn hai cô giáo mầm non sang trông coi. Sau khi làm xong giấy khai sinh cho đám trẻ, cả con lẫn cháu của mình, ông Độ cứ chần chừ không dám về.

Chính quyền địa phương sau một hồi giảng giải, vận động và bảo ông về thì ông mới đi.

Khai sinh rồi thì phải có sổ sách, mà cái cuốn sổ hộ khẩu chỉ có mấy trang, chẳng thể ghi đủ hết từng ấy tên người trong gia đình.

Cán bộ xã đầu nghĩ mãi không biết có cách nào để làm. Làm hai cuốn sổ thì không được, mà tách sổ cho mỗi đứa con của ông thì cũng không xong.

Thế là cán bộ tư pháp phải sáng tạo bằng cách gộp ba cuốn sổ hộ khẩu lại thành một, tức là phải bỏ cái bìa, đóng lại ghim vào cuốn sổ đặc biệt tới gần 50 trang ấy rồi viết tên từng thành viên trong gia đình ông Độ vào đó.

Bi hài cảnh ăn ngủ của đại gia đình

Nói về chuyện nuôi cả đội quân ở nhà, ông Độ cười: “Thì có chi ăn nấy, đến bữa lo chạy vào tìm nồi cơm chứ không thì hết phần. Mẹ chúng xúc cho chúng mỗi đứa một tô rồi cứ thế bưng chạy, ít khi cả nhà cùng ngồi ăn vì nhà chật không đủ chỗ ngồi.

Nhưng nhà cũng chỉ có chục chiếc tô ăn cơm, vỡ gần hết rồi nên phải chia ca ra mà ăn. Đám nhỏ ăn trước, đám lớn ăn sau.

Có bữa chúng đói, ăn sạch sẽ, vợ chồng tôi lại nhịn đến bữa sau nấu nhiều chút ăn luôn thể. Có năm đến mùa lúa, vợ tôi vẫn phải vác rổ rá sang hàng xóm mượn gạo.

Cũng may bà con hàng xóm cũng thương tình, mang tiếng là cho mượn chứ chẳng khi nào đòi cả”.

Cứ thế, mỗi lần gia đình ông Độ đến giờ ăn cơm là hầu như cả xóm đều biết, bởi tiếng gọi í ới của bà Hường, tiếng chân lũ trẻ chạy rầm rập.

Ông Nguyễn Cương (Trưởng thôn Cồn Sẻ) cám cảnh nói: “Gia đình họ kể cả ăn cơm hay đi ngủ cũng đều tăm tắp, ai nấy ngồi đúng chỗ quy định. Khi đi ngủ thì nằm chung cả một dãy dưới sàn nhà.

Mỗi buổi tối ngủ phải kiểm tra chân để xem đủ người không. Thế nhưng cũng có lắm khi thiếu mất hai cái chân, hoặc có khi thừa thêm hai cái chân mà chẳng biết của đứa nào. Vợ chồng ông Độ thì cứ tặc lưỡi kệ, vì trời sinh voi sinh cỏ”.

Con trước, con sau ra đời và tính ra bà Hường đã ngót 30 năm cho con bú. Bà Hường ngậm ngùi: “Nhà tôi đông con nên cứ mãi nghèo khó chẳng khá lên được.

Thôi thì cũng chỉ biết hy vọng vào đám trẻ này chứ biết sao hơn. Bây giờ tôi sợ đẻ lắm rồi, nên mấy đứa con tôi giao “chỉ tiêu” phải thực hiện đúng chính sách của Nhà nước”.

Bà Hường nói như thế, nhưng nhìn đám trẻ nheo nhóc như thế này, chuyện ăn còn không đủ thì nói gì đến chuyện học hành, đến tương lai tươi sáng sau này. Nghĩ đến đó, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Nói về gia đình đông con của vợ chồng ông Độ, anh Phạm Văn Chung (Cán bộ y tế kiêm dân số KHHGĐ thôn Cồn Sẻ - PV) ái ngại cho biết: “Vợ chồng ông Độ đông con nên cuộc sống rất khó khăn.

Mỗi lần cán bộ tìm đến vận động, tuyên truyền thì vợ chồng ông ấy lại trốn. Cán bộ chờ từ sáng tới tối không được cũng đành ngán ngẩm ra về.

Ngay cả việc sinh đẻ, ông Độ cũng để vợ ở nhà tự “vượt cạn”, nhiều lần chính quyền biết tìm đến kiểm tra, thăm hỏi thì việc đã xong rồi.

Lại tiến hành vận động, tuyên truyền, đưa cả các biện pháp tránh thai, vận động triệt sản nhưng cũng không hiệu quả vì vợ chồng ông Độ không hợp tác.

Việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở đây rất khó khăn vì họ quan niệm sinh nhiều con sẽ có người đi biển, sau này sẽ sướng.

Trình độ dân trí của người dân làng Cồn Sẻ còn rất thấp, nhiều người mù chữ, khi lên Ủy ban xã làm giấy tờ phải điểm chỉ chứ không biết ký tên”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại