Vụ mổ thận lại bị cắt tứ chi: Lý giải việc "đền bù" 60 triệu đồng

Lâm Phương |

Trước thông tin về việc bệnh nhân đi mổ thận nhưng lại bị cắt tứ chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Củ Chi đã lý giải về việc này.

Cắt tứ chi sau mổ thận là do biến chứng

Vụ việc bà Trần Thị Hu (SN 1961, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) đi mổ sạn thận ở Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, nhưng lại bị cắt tứ chi gây tàn phế gây xôn xao dư luận.

Ngày 11/9, phóng viên đã liên hệ với Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi để tìm hiểu vụ việc.

Ông Huỳnh Văn Hy, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi xác nhận, năm 2009 Bệnh viện Củ Chi có tiến hành mổ sốc nhiễm trùng từ đường niệu do sỏi niệu quản bên trái cho bệnh nhân Hu.

Cụ thể, theo bác sĩ Hy, bệnh nhân Hu vào viện lúc 19h45 ngày 09/01/2009, với tình trạng sốt, đau hông lưng trái, mệt mỏi.

Sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ khoa cấp cứu khám, cho làm các xét nghiệm cần thiết và được chẩn đoán cơn đau quặn thận trái.


Sau khi bị cắt chân, tay về nhà bà Hu chán nản vì nghĩ mình tàn phế và đã từng tự tử nhưng bất thành

Sau khi bị cắt chân, tay về nhà bà Hu chán nản vì nghĩ mình tàn phế và đã từng tự tử nhưng bất thành

Đến 22h, bệnh nhân vật vã, tiếp xúc chậm, da nổi bông tím, huyết áp tụt. Lúc này, khoa cấp cứu điều trị chống sốc, dùng thuốc vận mạch, thuốc kháng sinh, bù dịch điện giải thì tình trạng bệnh nhân tạm ổn.

Qua hội chẩn, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán bệnh nhân Hu bị sốc nhiễm trùng từ đường niệu do sỏi niệu quản bên trái, thận ứ nước độ 2.

Bệnh nhân bị lơ mơ, vật vã, huyết áp tụt, tiên lượng nặng có thể tử vong nên kíp trực quyết định mổ để cứu mạng bệnh nhân.

10h ngày 10/01/2009, sau 1 giờ tiến hành phẫu thuật, ca mổ thành công, bệnh nhân được phẫu thuật lấy sỏi niệu quản, đặt ống thông niệu quản dẫn lưu ra nhiều mủ đục.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển ra phòng hồi sức.

Sáng 11/01/2009, bệnh nhân kêu đau nhiều ở các đầu chi, tay chân lạnh, nhiều ban tím rải rác ở cẳng tay và cẳng chân.

Trước tình hình đó, kíp trực tiến hành hội chẩn và hội chẩn toàn viện với chẩn đoán hậu phẫu ngày thứ 2, sốc nhiễm trùng đường niệu tạm ổn, biến chứng tắc mạch chi, tiên lượng rất nặng.

Cũng theo bác sĩ Hy, trước tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành thông báo và giải thích cho thân nhân bệnh nhân. Khi nghe các bác sĩ giải thích, thân nhân bệnh nhân yêu cầu được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau hơn 10 ngày điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 23/01/2009, Bệnh viện Củ Chi tiếp nhận bệnh nhân Hu từ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển về.

Bệnh nhân được Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán nhiễm trùng huyết, biến chứng tắc mạch chị, hậu phẫu mổ sỏi niệu quản trái với phương pháp điều trị kháng sinh, kháng viêm cắt cụt tứ chi.

Ngày 03/02/2009, quá trình thăm khám cho kết quả bệnh nhân Hu tạm ổn nên bệnh viện cho xuất viện.

Bác sĩ Hy giải thích thêm về nguyên nhân tại sao bệnh nhân Hu được mổ thận nhưng lại bị cắt tứ chi.

Theo bác sĩ Hy thì khi nhập viện, qua quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân Hu được xác định bị sốc nhiễm trùng từ đường niệu do sỏi niệu quản bên trái.

Lúc này, tình trạng bệnh nhân được tiên lượng nặng có thể tử vong, các bác sĩ đã đồng thời điều trị chống sốc, dùng thuốc vận mạch, thuốc kháng sinh, ổn định huyết áp, sau đó tiến hành phẫu thuật để cứu tính mạng.


Ông Huỳnh Văn Hy, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi

Ông Huỳnh Văn Hy, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi

Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhân bị biến chứng tắc mạch chi, biến chứng này do sốc nhiễm trùng gây ra. Cụ thể, khi bị sốc nhiễm trùng bệnh nhân sẽ tụt huyết áp.

Huyết áp giảm thì khả năng bơm máu để nuôi các cơ quan trong cơ thể cũng bị giảm. Do đó, cơ thể sẽ ưu tiên máu cho những bộ phận quan trọng như não, tim, phổi và cắt phần máu tới các cơ quan ở xa như tay, chân.

Huyết áp giảm sâu, khả năng bơm máu giảm sẽ gây tắc mạch tứ chi, từ đó chân tay thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến bị hoại tử.

Do đó, các bác sĩ đã cắt tứ chi của bệnh nhân.

 “Tôi từng tự tử nhưng bất thành”

Cũng trong ngày 11/9, phóng viên đã tìm đến nhà bà Trần Thị Hu, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Cử Chi (TP.HCM) để tìm hiểu cuộc sống của bà sau khi phẫu thuật cắt tứ chi.

Bà Hu cho biết, trước đây bà làm nông, sức khoẻ tốt không hay đau ốm. Đến trưa 09/01/2009, thấy đau bụng nhưng chủ quan nghĩ là đau bình thường nên bà chỉ mua thuốc về uống thuốc.

Đến chiều tối, thấy đau nhiều nên bà nói với con đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi khám thì được các bác sĩ mổ. Sau đó, Bệnh viện Củ Chi chuyển bà lên Bệnh viện Chợ Rẫy thì bà bị cắt chân, tay.

“Tôi không biết vì sao đi mổ thận mà họ lại cắt chân tay của tôi. Khi xuất viện về nhà không đi lại được, sinh hoạt rất bất tiện. Nhìn chân tay mình bị cụt tôi tủi thân khóc một mình.


Đơn yêu bà hu yêu cầu Bệnh viện Củ Chi hỗ trợ

Đơn yêu bà hu yêu cầu Bệnh viện Củ Chi hỗ trợ

Tôi nghĩ mình tàn tật thế này sống chỉ làm phiền con cháu nên đã từng tự tử nhưng không thành. Biết tôi nghĩ quẩn, các con khuyên nhiều nên tôi cũng cố gắng sống”, bà Hu tâm sự.

Cũng theo bà Hu, sau khi chân tay lành vết thương, bà đi bán vé số kiếm sống. Nhưng trong một lần đi bán, bà bị người xấu giật mất tệp vé số mất hơn 2 triệu, nghĩ tủi thân quá nên bà khóc trên đường về.

Trong những lần đi bán vé số sau đó, nhiều người hỏi tại sao chân tay bà bị cắt, khi về đến nhà nghĩ đến những câu hỏi đó thì nước mắt bà lại rơi.

Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, chân, tay bị cắt không lao động được.

Đặc biệt, khi nghĩ đến những thắc mắc mà người khác hỏi tại sao lại bị cắt, sao lại thế…, bà vừa buồn vừa tủi và quyết định đến Bệnh viện Củ Chi thắc mắc.

Bà Hu cho rằng, chắc các bác sĩ kíp mổ đã sai sót gì đó chứ sao bà mổ thận lại bị cắt chân, tay làm cho bà bị tàn phế.

Giữa năm 2015, bà làm đơn khiếu nại bệnh viện Củ Chi, đến tháng 7/2015 bà làm đơn yêu cầu bệnh viện hỗ trợ.


Bà Hu xác nhận đã nhận được tiền hỗ trợ của bệnh viện và bà không còn muốn khiếu nại

Bà Hu xác nhận đã nhận được tiền hỗ trợ của bệnh viện và bà không còn muốn khiếu nại

Về việc khiếu nại của bà Hu, bác sĩ Hy cho biết, khi nhận được đơn khiếu nại, bệnh viện đã có thư mời bà Hu đến làm việc. Đồng thời, Bệnh viện Củ Chi đã có báo cáo về trường hợp này gửi thanh tra Sở Y tế thành phố.

Khi nhận được đơn yêu cầu hỗ trợ của bà Hu, phía bệnh viện đã tiến hành đối thoại với gia đình bệnh nhân. Qua đối thoại, hai bên thống nhất phía bệnh viện hỗ trợ cho gia đình bà số tiền 60 triệu đồng.

Bác sĩ Hy khẳng định, ở đây phải xác định rõ là phía bệnh viện hỗ trợ phía gia đình bà Hu chứ không phải đền bù. Các bác sĩ Bệnh viện Củ Chi tiến hành mổ cứu người, tuy nhiên, lại xảy ra sự việc không mong muốn.

Xuất phát từ tình cảm và hoàn cảnh của bà Hu, bệnh viện kêu gọi cán bộ công nhân viên quyên góp tuỳ lòng hảo tâm để hỗ trợ.

Còn việc tại sao lại có cụm từ “không thắc mắc, khiếu nại về sau” trong tờ giấy giao nhận tiền thì vị bác sĩ này giải thích, đó là do có sự đồng thuận của hai bên. Phía gia đình bà Hu còn có con trai và con gái đi cùng đại diện của bệnh viện.

Chiều 11/9, bà Hu xác nhận đã nhận được số tiền hỗ trợ của bệnh viện và cho biết không muốn khiếu nại thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại