Bí ẩn về xác ông đạo Dừa chôn đứng không phân hủy

Cuộc đời ông đạo Dừa - Nguyễn Thành Nam thực sự là những chuỗi việc làm kỳ dị.

Có một điều mà trong quá trình tìm hiểu cuộc đời ông đạo Dừa ở xã Tân Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), chúng tôi khá bất ngờ khi biết, nhục thân của ông hàng chục năm qua vẫn không hề phân hủy.

Trước khi mất, ông đạo Dừa cho đệ tử xây lăng mộ cho mình ngay trên phần đất cha mẹ để lại. Theo ý nguyện, hòm chôn cất ông cũng được tạo tác độc đáo, mô phỏng hình dáng một chiếc tháp ba cạnh dựng đứng.

Ngày đạo Dừa mất, các đệ tử bỏ nhục thân ông vào chiếc hòm, khóa lại như chiếc tủ đứng, dưới đáy gắn một ống nước dẫn thông ra. Nhưng kỳ lạ là suốt 24 năm qua, những người trông coi lăng mộ ông vẫn không hề thấy một giọt nước từ xác chết rỉ ra.

Những nỗ lực truyền đạo cuối cùng

Như chúng tôi đã kể ở các kỳ trước, sau hàng loạt những nỗ lực vận động, rồi tranh cử “Đại tổng thống” (năm 1971) để thực hiện ý nguyện hòa bình bất thành, ông đạo Dừa đành lui về ở ẩn.

Đạo Dừa như một thứ tôn giáo đầu độc tinh thần, đi ngược lại xu hướng thời đại, khiến con người u mê, lạc lõng trong dòng chảy lịch sử của đất nước. Chiến dịch lịch sử năm 1975 thắng lợi, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đất nước thống nhất, đạo Dừa càng như rào cản phát triển đời sống xã hội tiến bộ, lối sống mới.

Tuy nhiên, lúc này ông đạo Dừa vẫn ở cồn Phụng (tỉnh Bến Tre), vẫn còn một số đệ tử sống chết theo hầu. Cũng như trước đây, ông đạo Dừa vẫn xem mình mới là trung tâm của thời đại, ông xem cuộc cách mạng mùa xuân năm 1975 là “chưa triệt để” và cho rằng loài người đang đối diện với cuộc chiến tranh hạt nhân. Ông lại mơ tưởng viển vông hành đạo để tiếp tục thực hiện ý nguyện của mình. Vị “giáo chủ” của đạo Dừa không còn bằng lòng với thực tại nên đã bỏ cồn Phụng ra đi, xuôi phương Nam ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để tìm cách vượt biên nhưng bất thành. Ở đây, ông lại sáng lập ra thứ đạo mới mang tên “đạo bất tạo con”. Tức cho nam nữ ở chung với nhau mà không được có con. Cậu Hai tỏ ra rất tâm đắc, coi đó mới là thứ đạo vượt qua mọi biên giới của tôn giáo hiện thời.

“Đạo bất tạo con” không những hòa đồng được mọi thứ tôn giáo mà còn làm nên điều kỳ diệu mà không đạo nào làm được, là “ăn ở” vẫn không ra “sản phẩm”. Cậu Hai (tên khác của ông đạo Dừa) cũng ra quy định khá nghiêm khắc, nếu nam nữ ở với nhau, ai phạm tội giao cấu bị phạt tù từ 10 năm trở lên, hoặc tử hình, đó mới gọi là “độc chiêu”. Cậu tuyên bố: Đạo của mình là thứ đạo “táo bạo”, có một không hai trên thế gian này, nam nữ trần truồng sống chung nhưng không giao cấu mới thành Phật (?!)”. Cậu Hai vốn thế, xưa tới nay từ suy nghĩ đến việc làm luôn khác người, khiến người đời “vặn óc” vẫn không thể nào hiểu nổi.

Mộ ông đạo Dừa được chôn đứng trong hộp. Ảnh TG

Mộ ông đạo Dừa được chôn đứng trong hộp. Ảnh TG

Tất nhiên, tư tưởng hành đạo kỳ quái này không những phi khoa học mà vi phạm thuần phong mỹ tục, đời sống văn hóa của dân tộc nên chính quyền không cho phép. Chẳng được bao lâu, cậu Hai lại quay ngược về đất liền, dừng chân ở Hậu Giang và tiếp tục lập “cơ sở” dạy “đạo bất tạo con”. Thế nhưng ở đây, ông bị chính quyền địa phương phát hiện “mời” đi “bóc lịch” một thời gian. Trong những năm tù tội, nhiều người được chứng kiến cậu Hai ăn cơm, uống sữa, biết tắm giặt. Cuối tháng 8/1985, cậu Hai về lại cồn Phụng, được dân làng, bà con dang tay đón nhận như người con xa xứ lầm lỗi quay về. Từ chính quyền cho đến bà con lối xóm đều tạo mọi điều kiện cho cậu Hai xóa mặc cảm tội lỗi, hòa nhập cộng đồng.

Người dân địa phương bước đầu ghi nhận cậu Hai làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng như vận động bà con sửa lại đường sá trong xóm ấp, bắc lại cầu nông thôn… Những tưởng cậu Hai tiến bộ, nào ngờ ông vẫn âm thầm vận động đệ tử tiếp tục truyền bá “đạo bất tạo con”. Dạy đạo trên bờ sợ bị phát hiện, cậu Hai vận động đệ tử quyên góp tiền bạc mua ghe rồi cùng đưa nhau ra neo đậu ngoài sông Ba Lai dạy tiếp. Nhờ có sự cảnh giác, bà con phát hiện việc làm vô luân, vi phạm đạo đức nên báo cho chính quyền địa phương.

Bí ẩn nhục thân không phân hủy

Ông Lâm cho biết, 24 năm qua không hề thấy xác ông đạo Dừa phân hủy. Ảnh TG

Ông Lâm cho biết, 24 năm qua không hề thấy xác ông đạo Dừa phân hủy. Ảnh TG

Tại khu lăng mộ của ông đạo Dừa, chúng tôi gặp hai ông đạo là Nguyễn Thành Hải (76 tuổi) và Võ Đức Lâm (75 tuổi). Có lẽ, đây là những thế hệ cuối cùng từng “kề vai sát cánh” bên ông đạo Dừa những năm tháng cuối đời. Ông Hải là em ruột nhưng cùng cha khác mẹ với ông đạo Dừa. Ông Lâm là đệ tử thân tín, kiêm tài xế lái xe của ông đạo Dừa trong những năm tháng xuôi ngược Sài Gòn đi vận động hòa bình. Từ ngày ông đạo Dừa mất, hai ông đã bỏ gia đình về khu lăng mộ tá túc để ngày ngày hương khói.

Chúng tôi được ông Lâm dẫn đi thăm quan toàn khu lăng mộ, ông giới thiệu những “tổ hợp kiến trúc” vô cùng lạ mang đậm cá tính của ông đạo Dừa lúc sinh thời. Ông Lâm dẫn tôi đến một chiếc tháp nhỏ, ba cạnh dựng đứng, bên trong có họa tiết màu sắc sặc sỡ, bên ngoài ốp kính và có khóa xiết lại. Ông Lâm thắp nén hương khấn vái xong thì giới thiệu: “Đây là nơi cất giữ nhục thân của cậu Hai, ngài được táng đứng, tôi đảm bảo suốt 24 năm qua vẫn còn nguyên vẹn”. Chỉ cho tôi xem chiếc ống dẫn nước thông hơi nối từ chiếc hòm ông đạo Dừa ra ngoài, ông Lâm khẳng định: “Tôi đã canh giữ xác ông suốt chừng ấy năm, ngày nào cũng ra kiểm tra xem có nước rỉ từ xác ông ra hay không nhưng chưa từng thấy một giọt. Chúng tôi cho rằng, đây là điều kỳ lạ mà chỉ có người tu hành tạ thế mới có được”.

Ông Lâm bảo, trước khi chết ông đạo Dừa tiên tri được thời khắc định mệnh của bản thân. Đó là vào năm 1988, ông đã lệnh cho các đệ tử của mình xây khu lăng mộ, dành cho ông một tủ kính, 2 năm sau ông sẽ chết. Năm 1990, lời tiên tri ứng nghiệm, ông tạ thế thật, đệ tử khắp nơi về đưa tiễn và liệm ông vào hòm. Bên trong hòm không hề bỏ thứ chất ướp nào, những đệ tử nhiều ngày sau chầu để cầu nguyện nhưng vẫn không hề thấy xác ông phân hủy, không bốc mùi, từ đó đến nay vẫn tinh tươm như thế. Nhiều người tin rằng, điều lạ lùng này là do lối tu dị thường của ông đạo Dừa lúc sinh thời, nên khi sang thế giới bên kia cũng không tuân thủ theo quy luật sinh học tự nhiên. Tuy nhiên, đó chỉ là phỏng đoán, chưa cơ quan, đơn vị chức năng nào có một nghiên cứu để có kết luận chính xác. Và đến nay, điều này vẫn là điều kỳ lạ chưa có lời giải.

Khi viết loạt bài này, chúng tôi cũng chỉ quan niệm đạo Dừa- Nguyễn Thành Nam là một hiện tượng văn hóa nảy sinh trong đời sống tinh thần ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Chúng tôi không có ý định đưa chuyện ông đạo Dừa ra để suy xét đúng sai, bởi tất cả đã có sự phán xét của thực tiễn lịch sử. Đến nay, đạo Dừa chỉ còn lại là di tích, những câu chuyện thú vị trong dân gian, mà khi nhìn vào, những người có niềm tin tôn giáo nên biết sống thế nào để tốt đời đẹp đạo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại