Bệnh nhân ung thư: Bao giờ mới hết kiếp “tầm gửi”, “kí sinh”

Hà Thu |

(Soha.vn) - Có thể, việc dùng cụm từ “tầm gửi,” “kí sinh” để hình dung và nói về cuộc sống nhọc nhằn, bi đát của những bệnh nhân ung thư nghèo đang duy trì cuộc sống tại Bệnh viện K Trung ương sẽ khiến người đọc chạnh lòng và ngạc nhiên.

Thế nhưng, có một lần chứng kiến cảnh người bệnh xô đẩy tranh giành nhau từng suất cơm từ thiện đạm bạc; có một lần chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm la liệt khắp các nhà chờ, gầm cầu thang, hành lanh bệnh viện, gầm giường bệnh; có một lần bắt gặp nơi công viên một vài người bệnh quấn chăn ngủ trên ghế đá vì không có tiền nằm viện, thuê nhà trọ; có một lần nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của những người bệnh khi nhận những suất cơm từ thiện miễn phí, vẻ mặt buồn thiu, bất lực vì bệnh tật của bệnh nhân và những người làm bố, làm mẹ,… chúng ta mới thấm thế nào là đau, thế nào là xót, thế nào là cuộc đời, thế nào là số phận và thế nào là kiếp “tầm gửi,” “kí sinh.”


	Bệnh nhân ung thư nghèo vạ vật, "ăn nhờ ở đậu" nơi hành lang bệnh viện K Trung ương

Bệnh nhân ung thư nghèo vạ vật, "ăn nhờ ở đậu" nơi hành lang bệnh viện K Trung ương

Ăn nhờ cơm, ngủ nhờ giường…

Chưa khi nào vấn đề quá tải bệnh viện lại nóng và khiến dư luận quan tâm như lúc này. Tại các chuyên khoa ung bướu, vấn đề quá tải lại càng trở nên trầm trọng.

Theo như ghi nhận của chúng tôi, dù là ban ngày nhưng trong khuôn viên các bệnh viện lớn ở Hà Nội đâu đâu cũng thấy kẻ nằm, người ngồi. Dưới cái nắng oi bức của mùa hè, sự mệt mỏi càng hằn rõ trên từng khuôn mặt bệnh nhân và người thân của họ.

2-3 bệnh nhân chung một giường bệnh. Không có giường, không có tiền thuê nhà trọ, nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang để truyền. Người thân thì trải chiếu, nilon dưới nền nhà, gầm giường, hành lang, gầm cầu thang, nhà chờ bệnh viện để ngả lưng chợp mắt.


	Cảnh vạ vật, mệt mỏi của người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện K Trung ương

Cảnh vạ vật, mệt mỏi của người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện K Trung ương

Bác Vũ Bá Quyết, 54 tuổi, ở Quỳnh Phụ - Thái Bình đang nằm điều trị chứng ung thư phổi tại Bệnh viện K Trung ương tâm sự: “Cái giường bé tin hỉn thế này nhưng nó là “biên chế” của 3 bệnh nhân đấy. Nóng bức, chật chội khiến người có bệnh trong người như tôi lúc nào cũng mệt mỏi, bực dọc…

Bà nhà tôi lên chăm chồng không có chỗ mà ngả lưng. Ban ngày còn đỡ chứ đêm xuống phòng bệnh này la liệt người nằm, kẻ ngồi ngủ gật.”

Bác Đinh Thị Thanh, 52 tuổi, ở Tĩnh Gia – Thanh Hóa cũng than thở: “Tôi đang truyền hóa chất nhưng bệnh viện hết giường phải ở ngoại trú. Nhà nghèo không có tiền thuê nhà trọ nên tôi vào đây xin các bác sĩ cho kê chiếc giường gấp ngoài hành lang để trốn nắng, trốn mưa. Khổ cực lắm cô ơi!”

Cuộc sống của họ vá víu, tạm bợ nặng nhọc trôi qua từng ngày, từng ngày như thế…


	Quá tải bệnh viện là nguyên nhân phát sinh những hệ lụy 

Quá tải bệnh viện là nguyên nhân phát sinh những hệ lụy 

Không chỉ “ở đậu” những bệnh nhân ung thư nghèo này còn phải chịu cảnh “ăn nhờ”- những bữa cơm từ thiện, bữa được bữa không.

Ngày hai lần đều như vắt chanh, chị Lê Thị Dung, 29 tuổi, ở Hải Dương đang trị xạ ung thư vú mệt nhọc lê từng bước chân xuống xếp hàng chờ xin cơm từ thiện của chùa Linh Sơn Thanh Nhàn.

“May còn có cơm từ thiện để mà xin chứ không em cũng không biết tính thế nào nữa. Mỗi lần trị xạ tốn kém lắm! Gia đình em cũng không có tiền để vào viện nằm nội trú đâu. Em nằm nhờ ngoài hành lanh này cả tháng nay rồi. Nhiều khi một suất cơm còn phải chia làm hai phòng khi tối không xin được cơm còn có cái mà ăn đấy…” chị Dung nghẹn lời.

“Bạc mặt” cùng những đêm trắng

Gần 1 tháng cùng vợ vào viện điều trị căn bệnh ung thư cổ tử cung, ông Lương Văn Minh, 60 tuổi, ở Kinh Môn – Hải Dương chưa từng được một đêm ngon giấc. Những giấc ngủ chập chờn, mộng mị dưới gầm giường bệnh của vợ khiến cho ông gầy, hốc hác đi trông thấy.

Từ ngày vợ bị bệnh, ông Minh gác mọi công việc, bỏ nhà cửa lên viện chăm vợ. Nhập viện gần 1 tháng nay nhưng chi phí bỏ ra cũng đã ngót nghét gần 100 triệu trong khi đó bệnh tình của vợ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.


	Những đêm dài thức trắng chăm nuôi người thân tại Bệnh viện K Trung ương trở thành nỗi ám ảnh với những người đang chăm nuôi người thân tại viện

Những đêm dài thức trắng chăm nuôi người thân tại Bệnh viện K Trung ương trở thành nỗi ám ảnh với những người đang chăm nuôi người thân tại viện

“Bệnh tình của bà nhà tôi vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Bác sĩ bảo phải điều trị lâu dài. Nhà có bao nhiêu tiền thì đổ ra hết rồi, chỗ nào vay mượn được cũng vay mượn hết rồi. Thời gian tới, bố con tôi không biết xoay đâu ra tiền để chữa bệnh cho bà ấy nữa, nhưng còn nước thì còn tát…” ông Minh thở dài nói.

Người vợ nằm trên giường bệnh nhìn chồng dơm dớm nước mắt nói: “Từ ngày tôi bị bệnh, ông ấy chẳng có được một giấc ngủ yên. Có cái gì ngon cũng để dành hết cho vợ ăn, chỉ ăn những thứ tôi ăn thừa. Càng ngày ông ấy càng phờ phạc, hốc hác đi…


	Bệnh nhân, người nhà bạc mặt cùng những đêm thức trắng trong bệnh viện

Bệnh nhân, người nhà bạc mặt cùng những đêm thức trắng trong bệnh viện

Cùng cảnh đi chăm người nhà bệnh, chị Nhàn (Phú Thọ) kể: “Thời gian đầu nhập viện, vợ chồng tôi cũng đi thuê nhà trọ để ở nhưng rồi không kham nổi. Cái phòng bé tí mà 9-10 người phải chen nhau ở, chật chội, nóng bức, giá lại đắt cắt cổ. Ở được một thời gian, chúng tôi chẳng ai chịu được "nhiệt" đành dắt díu nhau vào ở tạm bợ trong bệnh viện…”

Để giảm quá tại cho các bệnh viện tuyến Trung ương, đặc biệt ưu tiên 5 chuyên khoa: Ung bướu, nhi, sản, ngoại – chấn thương và tim mạch, Bộ Y tế đã thực hiện “Đề án giảm tải bệnh viện” với tổng vốn cấp bổ sung là 36.498 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm  2015, cả nước sẽ có thêm ít nhất 7.150 giường bệnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại