Bệnh nhân nguy kịch, tuyến trên 'đẩy' cho tuyến dưới

Đó là trường hợp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đùn đẩy 2 bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu nguy kịch xuống tuyến dưới là Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ...

Ngày 19/2, ông Võ Hồng Sở - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ (BV TP Cần Thơ) cho biết, bệnh viện đang điều trị cấp cứu 2 bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BV ĐK Trung ương Cần Thơ) trong tình trạng suy hô hấp nặng, nhập viện ngày 11/2.

Theo đó, 2 bệnh nhân D.H.K. (SN 1979, trú ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) và bệnh nhân P.Đ.T. (SN 1968, quê ở Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) đã điều trị ở BV ĐK Trung ương Cần Thơ từ 4 đến 9 ngày thì bị chuyển xuống để bệnh viện tuyến dưới “chịu trận”.

Mới đây, ngày 17/2, tại cuộc họp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế Cần Thơ, ông Lê Quang Võ – GĐ Bệnh viện TP Cần Thơ cho biết, có nhiều bệnh nhân được chuyển từ BV ĐK Trung ương Cần Thơ xuống bệnh viện của mình điều trị. Gần đây nhất có 2 ca bệnh nặng trong tình trạng cấp cứu.

Cụ thể là bệnh nhận K. và T. nói trên. Sự việc này đã được lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ yêu cầu báo cáo, làm rõ.

Anh K. và anh T. nhập viện điều trị trong bệnh trạng viêm phổi cấp, suy hô hấp (COPD)/dương tính HIV, điều trị theo chương trình Life Gap.

Cả 2 bệnh nhân trên đang ở giai đoạn điều trị cấp cứu và rất nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, BV ĐK Trung ương Cần Thơ lại đùn xuống cho tuyến dưới chữa trị.

BS Sở cho biết, bệnh nhân K. lúc nhập viện được chẩn đoán trong tình trạng suy hô hấp, buộc phải thở bằng máy. Hiện đang nằm điều trị ở khoa Hồi sức tích cực chống độc trong tình trạng rất nguy kịch.

“Không những 2 trường hợp nói trên, trước đây Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã chuyển nhiều ca bệnh nặng xuống bệnh viện” – BS Sở cho hay.

Trao đổi với báo chí, nhiều bác sỹ có kinh nghiệm nói rằng, việc chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên khi bệnh viện tuyến dưới không đủ khả năng về phương tiện cũng như con người để cứu chữa. Khi chuyển người bệnh thì phải hội chẩn để cùng thống nhất.

Thứ nữa, nguyên tắc chuyển từ tuyến trên xuống tuyến dưới là lúc bệnh nhân điều trị ổn định sức khỏe, lúc này mới chuyển xuống để giảm bớt quá tải cho tuyến trên. Ngoài ra, nguyên tắc chuyển phải theo hộ khẩu bệnh nhân ở tỉnh nào thì chuyển về tỉnh đó điều trị.

Riêng bệnh nhân vô gia cư phải liên lạc với Trung tâm bảo trợ người nghèo nơi gần nhất.

BS Trần Văn Phúc – Trưởng khoa Nhiễm BV ĐK TP.Cần thơ, cho biết, trường hợp 2 bệnh nhân mới chuyển từ BV ĐK Trung ương Cần Thơ với lý do là điều trị HIV theo chương trình của Life Gap là sai nguyên tắc.

“Life Gap là chương trình điều trị ngoại trú. Không áp dụng cho những bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu như thế này”- BS Phúc thông tin.

Trong khi đó, BS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Nhiễm BV ĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện chuyển bệnh nhân theo đúng quy trình.

“Vì điều trị ở bệnh viện 10 ngày nhưng chưa khỏi bệnh, chi phí điều trị hàng ngày rất cao. Đây là bệnh nhân không có bảo hiểm, nên chúng tôi cho chuyển xuống bệnh viện tuyến dưới điều trị theo chương trình của Life Gap, tức là điều trị HIV/AIDS miễn phí”- BS Tâm nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo BV Đa khoa TP.Cần Thơ khẳng định, trường hợp 2 bệnh nhân T. và K. nói trên mới nghi ngờ HIV mà chưa có kết quả chuẩn xác. Do đó, quá trình điều trị bệnh nhân phải đóng 100% viện phí.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại