Bệnh nhân mắc Thalassemia cần được tư vấn hôn nhân

Hà Thu |

(Soha.vn) - Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là căn bệnh di truyền có tỷ lệ gặp cao nhất trong các nhóm bệnh di truyền bẩm sinh.

Ước tính, Việt Nam có khoảng 5 triệu người mang gen lặn Thalassemia, 20.000 người đang phải thường xuyên, liên tục truyền máu, thải sắt đến suốt cuộc đời. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị tan máu bẩm sinh.

Đó là thông tin được GS. TS Nguyễn Anh Trí – Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết tại buổi lễ mitting “Hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới 8/5” vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội.


	Bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần được tư vấn hôn nhân để ngăn ngừa số ca mắc tan máu bẩm sinh mới

Bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần được tư vấn hôn nhân để ngăn ngừa số ca mắc tan máu bẩm sinh mới

Theo GS. TS Nguyễn Anh Trí, tan máu bẩm sinh là bệnh thiếu máu do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Bệnh có cả ở nam và nữ với tỷ lệ mắc bệnh như nhau.

Tan máu bẩm sinh có các biểu hiện nổi bật là thiếu máu, da xạm, chậm phát triển,.. Tính đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh phải điều trị suốt cuộc đời. Chi phí điều trị cho bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh tăng theo tuổi. Muốn sống đến 30 tuổi, bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần có 3 tỉ đồng để truyền máu, thải sắt hàng tháng. Do đó, bệnh nhân tan máu bẩm sinh là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Tan máu bẩm sinh là căn bệnh di truyền có tỷ lệ gặp cao nhất trong các nhóm bệnh di truyền bẩm sinh. 7% dân số thế giới đang phải chống chọi với căn bệnh nan y này. Việt Nam là nước có nguy cơ cao với số ca mắc lớn hơn 5 triệu người và 20.000 người đang phải điều trị suốt đời.

Thực trạng, người dân làm ngơ và thiếu những kiến thức sơ đẳng với căn bệnh này đã và đang là nguyên nhân khiến số lượng người mắc tan máu bẩm sinh gia tăng từng ngày.

Việc tuyên truyền, khám sức khỏe định kỳ, tư vấn hôn nhân cho những người mang gen lặn Thalassemia cần kíp hơn lúc nào.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cùng đồng hành với các cơ sở y tế và bệnh nhân tan máu bẩm sinh với nhiều chính sách y tế chuyên biệt dành riêng cho việc phát hiện và điều trị bệnh tan máu bẩm sinh…

GS. TS Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh: “Nếu không thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa và giảm thiểu bệnh nhân tan máu bẩm sinh, chất lượng dân số sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại