Tiền mất, xấu mang
Trường hợp của Kim T. (22 tuổi, chưa lập gia đình, ở Hà Nội) là một ví dụ. Qua thông tin trên internet T. đã tìm đến một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở Q.3, TP.HCM để được nâng vòng một. Mức giá cho lần làm đẹp này là gần 50 triệu đồng, được thực hiện tại một bệnh viện tư vào đầu tháng 1/2012.
Ba tháng sau phẫu thuật, T. nhận thấy vòng một của mình đầy đặn hơn nhưng lại mất vẻ tự nhiên. Hai bầu ngực không hiểu sao lại nằm sát vào nhau. T. liên lạc với bác sĩ phẫu thuật thì được hướng dẫn tiến hành massage ngực hàng ngày để hai bầu ngực dần cách xa nhau. T. kiên trì thực hiện massage và nuôi hy vọng.
Gần một năm kể từ ngày phẫu thuật nhưng tình hình vẫn không chuyển biến gì. T. lại bay vào TP.HCM gặp bác sĩ để khám lại. Bác sĩ cho biết giờ muốn hai bầu ngực có khoảng cách như lúc đầu, T. phải phẫu thuật đặt lại túi ngực với chi phí 10 triệu đồng. T. rơi vào thế đâm lao phải theo lao mà vẫn bất an lo lắng về kết quả trong tương lai.
Trên thực tế đã xảy ra nhiều tranh cãi mang tính pháp lý giữa bệnh nhân và bác sĩ (Bệnh viện /Trung tâm) thẩm mỹ nhưng người chịu thiệt thòi vẫn là những bệnh nhân, bởi dù có thắng trong vụ kiện thì sự mất mát của họ cũng không gì bù đắp được.
Hãy cân nhắc kỹ
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Công ty luật hợp danh Đông Nam Á), trường hợp tòa tuyên phạt bác sĩ Hiệp phải bồi thường cho bà Lisa N. là đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Thuật cũng khuyến cáo: Mỗi người nên cân nhắc và lựa chọn được - mất một cách đúng đắn mọi vấn đề trước khi đưa ra quyết định nâng cấp vẻ đẹp của chính mình. Để đảm bảo quyền lợi của mình (bao gồm đảm bảo cả tính mạng sức khỏe của bản thân) cần lưu ý khi sử dụng các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, nên tìm đến cơ sở y tế uy tín, có chức năng, được phép theo qui định của pháp luật phẫu thuật thẩm mỹ phù hợp nhu cầu cá nhân.
Tại đây, khách hàng phải yêu cầu được tư vấn chi tiết kết quả, các sai sót, tai biến có thể xảy ra và chủ động phối hợp với bác sĩ /cơ sở y tế giám sát quá trình điều trị - phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu có thiệt hại xảy ra cần xem xét khả năng yêu cầu bồi thường thiệt hại thỏa mãn để khắc phục hậu quả. Đồng thời, tố giác đến cơ quan chức năng các hành vi sai trái của cán bộ y tế /cơ sở y tế phẫu thuật thẩm mỹ để kịp thời ngăn chặn phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
Luật sư Thuật cũng cho biết: Căn cứ Điều 73, Điều 76, Điều 77 luật Khám bệnh, chữa bệnh thì nếu Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bác sỹ thẩm mỹ không phải chịu trách nhiệm và bồi thường nếu không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn xác định đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;
Hoặc trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; Các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.
Khi đó doanh nghiệp bảo hiểm mà phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký. Trường hợp phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật dân sự...