Bay thử nghiệm trong điều kiện mực bay tối ưu
Phải đợi đến gần 20h GMT ngày 3/9 (3h sáng 4/9 Việt Nam), Tổ lái gồm Phó trưởng Ban An toàn chất lượng & An ninh Vietnam Airlines (VNA) Đinh Đức Tuấn; giáo viên, kiêm phi công huấn luyện bay A321 Trần Lê Vân Tùng cùng ông Nguyễn Trung Kiên – thuộc phòng quản lý hoạt động bay của Cục Hàng không Việt Nam mới tới lượt bay thử nghiệm đường bay "vàng".
Trong Trung tâm huấn luyện của Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất, trên hệ thống buồng lái giả định (SIM) của máy bay A321, các phi công chở theo 10 tấn hàng (tương đương 150 hành khách) bay thực nghiệm đường bay thẳng Nội Bài – Tân Sơn Nhất (còn gọi là đường bay “vàng”).
Một lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện bay của Vietnam Airlines cho biết hệ thống giả lập (SIM) cho dòng máy bay Airbus A320/A321 được đầu tư năm 2012 với giá trên 10 triệu USD, để đào tạo chuyển loại phi công. SIM này hoạt động gần như hết công suất 24h/ngày, và có độ chính xác như bay thực tế, kể cả phi công hàng năm đều phải nhiều lần trải qua thực hành các tình huống bất ngờ trên SIM A321.
Trước giờ bay, tổ lái dành 15 phút để nhập các thông số đã được bàn bạc kỹ lưỡng trước đó để làm sao đường bay tối ưu và hiệu quả nhất. Nguyên tắc đưa ra là thực hiện hai chuyến bay: một là bay trên đường bay “vàng” chưa có trong thực tế, thứ hai là bay theo đường bay thực tế mà hiện tại VNA đang bay để so sánh. Ngoại trừ mực bay, và đường bay mới, các thông số còn lại đều giống nhau từ trọng tải, tốc độ, mức nhiên liệu, sức gió… đến phương thức cất hạ cánh, bay bằng và động tác dừng lại trên đường băng.
Các số liệu chọn lựa cho đường bay vàng là bay trong điều kiện tối ưu, ngắn nhất và tiêu tốn nhiên liệu thấp nhất, trong đó có cả việc bỏ qua mực bay thấp qua không phận Lào mà bạn đang khống chế (FL 240 – FL 280 tương đương 7.300m đến 8.500m); Bỏ qua các khu vực hạn chế bay thuộc quân đội quản lý, chọn mực bay tối ưu là khoảng 35.000 feet (10.668m). Như vậy việc bay thử nghiệm đang được thực hiện trong các điều kiện hoàn hảo mà một phi công gọi là “san bằng tất cả”.
Đúng 3 giờ sáng, máy bay rời đường băng bắt đầu hành trình thử nghiệm đường bay "vàng". Tiếng gầm rú của động cơ nghe giòn tan, 18’30’’ máy bay đạt độ cao tối ưu chuyển qua bay bằng, tốc độ lúc này duy trì ổn định ở 675km/h.
Sau 37 phút cất cánh, buồng lái báo hiệu bắt đầu vào không phận Lào (ký hiệu HAPIN). Đến 1h02’ thì bay vào không phận của Cambodia (ký hiệu Vanoy) và bắt đầu hạ độ cao sau năm phút, 05 phút tiếp theo vào không phận TPHCM. Chuyến bay thẳng Nội Bài – Tân Sơn Nhất chạm đường băng khi đồng hồ máy bay báo tổng thời gian bay là 1h43 phút cho đường bay dài 643 dặm (1.190 km) với mức nhiên liệu tiêu thụ là 4140kg.
Với các thông số tương tự, đường bay thực tế Nội Bài – Tân Sơn Nhất mà VNA hiện đang sử dụng khi bay bằng SIM A321 cho ra kết quả 1 giờ 48 phút bay với quãng đường 689 dặm (1.276km) và mức tiêu hoa nhiên liệu là 4330kg.
Ngắn hơn 85km, tiết kiệm 190kg dầu
Kết thúc chuyến bay thử nghiệm trong SIM A321, đường bay thẳng Nội Bài – Tân Sơn Nhất qua Lào, Campuchia nhanh hơn được 5 phút so với đường bay hiện hữu, tiết kiệm được quãng đường 85,2km và 190kg dầu.
Phi công lái A321 của VNA cho biết ngắn hơn nhưng chưa chắc đã tiết kiệm hơn, bởi với đường bay thẳng nói trên phương thức vào tiếp cận phức tạp hơn, tốc độ phải giảm sớm hơn do đó tốc độ tại vị trí đó phải chậm hơn cho dù khoảng cách ngắn hơn.
Với kết quả trên, ngay trong chiều nay (4/9) Vietnam Airlines sẽ hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả bay SIM A321, sau đó tiến hành phân tích, đánh giá về chi phí, lợi ích của đường bay thẳng và tiến hành so sánh với đường bay hiện đang sử dụng, hoàn thiện báo cáo đánh giá gửi về Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT.
Theo Vietnam Airlines, với Lào, đường bay thẳng Bắc Nam của Việt Nam không phải là đường bay ưu tiên của họ. Vì vậy, phương tiện không được bay mực bay tối ưu, mà phải bay ở đoạn từ FL240 đến FL280. Bay ở tầm thấp với máy bay A321 hay Boeing 777 gây tốn nhiên liệu vì vướng nhiều mây, kém hiệu quả hơn nhiều so với bay ở mực bay tối ưu.