Chiếc xe kéo thuộc hàng báu vật có số phận đặc biệt này sẽ ra mắt khách tham quan tại triển lãm xe kéo và không gian sinh hoạt Hoàng thái hậu chiều 22-4, ở cung Diên Thọ thuộc hoàng cung Huế...
Ngày 13-6-2014, phía VN đã tham giá đấu giá hai cổ vật là chiếc long sàng vua Thành Thái và chiếc xe kéo do nhà vua tặng hoàng thái hậu Từ Minh.
Kết quả trúng đấu giá chiếc xe kéo 45.000 euro. Còn chiếc long sàng được đẩy giá lên đến 100.000 euro nên vuột khỏi tay người đấu giá.
Bất ngờ với bộ hồ sơ đấu giá
Đọc những thông tin về chiếc xe kéo của nhà đấu giá Rouillac - Pháp, nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý, hậu duệ dòng họ Nguyễn Phước tại Huế, hết sức bất ngờ vì sự đầy đủ, cặn kẽ đến từng chi tiết.
Hồ sơ ghi rõ chiếc xe gỗ này dài 230cm, cao 136cm và rộng 102cm, được sản xuất khoảng năm 1890.
Chữ Hán trên thùng cho biết xe do xưởng Hoàng Hưng ở Hà Nội (Đông Kinh Hà Nội Hoàng Hưng tạo) sản xuất.
Các nghệ nhân làng Kinh Lược - Hà Nội đảm trách phần khảm xà cừ trên bản gỗ phủ sơn mài đen. Bánh xe niền sắt.
Trên xe có gắn hai đèn lồng loại thắp nến. Một huy hiệu nhỏ bằng xà cừ trên xe được phỏng đoán là chỉ dấu riêng của chủ sở hữu, nhưng thực chất là chữ “thọ” cách điệu theo hình tròn.
Cùng với chiếc long sàng, chiếc xe kéo được xác định là “tác phẩm nghệ thuật hoàng gia độc nhất”. Kiểu dáng mềm mại, tỉ lệ hài hòa.
Nhiều thành phần dù nhỏ của xe được tạo nên từng mảng và ô hộc “vẽ” cỏ cây hoa lá bằng xà cừ rất tinh tế và sinh động.
Mặt sau lưng xe là một bức tranh hoa hồng: ở giữa là chùm hoa nở rộ và bốn góc là bốn nhành hoa khảm xà cừ lóng lánh nhiều màu trên nền đen sơn mài...
Chiếc xe cũng được nhận định do vua Thành Thái sai đặt làm để tặng mẹ dạo chơi trong hoàng cung và các khu vườn ngự uyển.
Chính hoàng thái hậu đã quyết định các chỉ số của xe, từ kích thước, chỗ ngồi cho đến các môtíp trang trí theo sở thích riêng.
Sau khi nhà vua bán cho ông Prosper Jourdan (chỉ huy đội cận vệ của nhà vua) và đưa về Pháp vào năm 1907, hồ sơ đấu giá khẳng định xe từng được sửa chữa, phục hồi một số thành phần.
Cùng với khảo tả chiếc xe, hồ sơ còn có phần hướng dẫn cách tháo và ráp xe rất cụ thể, chi li và cặn kẽ, theo trình tự từng cấu kiện và từng con ốc vít một...
“Người trúng đấu giá sẽ được trao một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm: thư tín, bài báo, hình ảnh, hóa đơn viết tay có chữ ký của hoàng đế, kèm theo báo Hình Ảnh số 3374 ấn hành ngày 26-10-1907, từ trang 265-269” - hồ sơ đấu giá cho biết.
Chiếc xe kéo do vua Thành Thái tặng mẹ - Ảnh do Đại sứ quán VN tại Pháp cung cấp
Nỗ lực từ nhiều phía
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, vẫn nhớ đến cảm giác hồi hộp khi đề xuất với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế duyệt chi 50.000 USD để đấu giá cổ vật.
Nào ngờ chủ tịch Nguyễn Văn Cao đã đồng tình và ký duyệt nhanh chóng. Kế đến là sự hợp tác vào cuộc rất tích cực của Đại sứ quán VN tại Pháp.
Hai kiều bào người Việt đã đứng ra tham gia đấu giá để tránh tình trạng giá bị đẩy lên cao.
Khi Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet giành giật đòi quyền ưu tiên của nước sở tại để mua ngang bằng giá, Bộ Ngoại giao đã vào cuộc gửi công hàm đến Chính phủ Pháp đề nghị Bảo tàng Guimet không tranh chấp mua xe kéo.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng trực tiếp làm việc với đại sứ Pháp tại VN, yêu cầu báo cáo với Bộ Văn hóa Pháp có biện pháp để Bảo tàng Guimet không tranh chấp mua xe...
Để đủ tiền mua xe, nhiều bà con kiều bào tại Pháp và những người yêu văn hóa tại VN và Huế đã đóng góp đến gần 15.000 euro.
Vietnam Airlines đồng ý giảm 50% phí vận chuyển về nước. Bảo Việt cũng hỗ trợ 50% phí bảo hiểm...
“Chúng tôi đánh giá đây là lần đầu tiên một vụ đấu giá có được sự tham gia rất nhiệt tình của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên VN lấy tiền từ ngân sách của địa phương ra mua đấu giá cổ vật, số tiền lại rất lớn và được tiếp tục bổ sung!” - ông Hải nói.
Tìm cách quy tụ cổ vật thất tán
Bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện có 11.500 hiện vật gắn liền với hoàng cung Huế.
Song theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế, bảo tàng này vẫn trong tình trạng nghèo nàn.
Trên thực tế, cổ vật hoàng cung VN bị thất tán sau rất nhiều biến cố:
Trở thành chiến phí trong cuộc chiến với Pháp ở Nam kỳ năm 1862, bị cướp phá ồ ạt trong sự biến kinh đô thất thủ năm 1885, thời gian dài chiến tranh và bị bỏ bê hoặc mất mát do quản lý yếu kém...
Ông Phan Thanh Hải cho biết phía Bộ Ngoại giao sắp tới sẽ tham gia Công ước của UNESCO về việc trả lại di sản văn hóa bị đánh cắp, để sau này có cơ sở pháp lý đòi các cổ vật VN vốn bị đánh cắp chạy ra nước ngoài.
Đồng thời, Trung tâm di tích Huế cũng vừa đề nghị Bộ Ngoại giao bổ sung vào chương trình ngoại giao văn hóa nội dung:
Các đại sứ quán VN tham gia tìm hiểu, đánh giá tình hình cổ vật VN tại nước sở tại.
Trung tâm cũng đề nghị cơ quan có chức năng xem xét bổ sung các chính sách về đấu giá cổ vật hay quản lý cổ vật bị thất tán ra nước ngoài vào các văn bản pháp luật về di sản văn hóa...
Đánh giá cao những nỗ lực đưa xe kéo về nước, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng nên phát động hay hình thành một quỹ ủng hộ để đưa hiện vật triều Nguyễn trở lại cố cung.
Cùng với chính sách khuyến khích đóng góp, cần thiết phải có chiến lược mua cổ vật để làm giàu thêm tài sản văn hóa.