"Bầu chủ tịch lớp tiểu học chả khác bầu tổng thống Mỹ là mấy"

Hòa Nguyễn |

TS. Nguyễn Tùng Lâm và TS. Lương Hoài Nam vừa có chia về những điểm mới trong dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi mới được Bộ GD & ĐT công bố.

Một ý tưởng tốt

Vừa qua, dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi với nhiều điểm mới được cập nhật theo hướng mô hình trường học và quan điểm đổi mới trong đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ xã hội.

Rất nhiều bậc cha mẹ học sinh đang lo lắng bởi một số điểm mới trong dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi.

Có nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với một số điểm mới của dự thảo. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Tùng Lâm đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi này.

Theo TS.Lâm, ông đánh giá ý tưởng đưa ra một chương trình để học sinh tự làm chủ nhà trường là một ý tưởng tốt, đúng theo mô hình của trường học mới.

Trên quan điểm của mình, Chủ tịch Hiệp hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, có hai vấn đề đặt ra từ dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi được Bộ GD-ĐT công bố.

Thứ nhất là những tên gọi mới như Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng tự quản học sinh, trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký có phù hợp với học sinh tiểu học hay không.

Dù dư luận đang rất băn khoăn về điều này nhưng TS.Lâm cho rằng, vấn đề này không nên áp đặt, chụp mũ vào học sinh.

“Mình cứ lấy ý kiến của người lớn là chưa đủ, theo tôi là phải lấy ý kiến của trẻ em, xem các em nghĩ thế nào về những tên gọi ấy. Các em nhận xét như thế nào, các em cảm hứng cái đó ra làm sao.

Tuy nhiên trước khi lấy ý kiến phải giải thích rõ xem các em sẽ được làm những cái gì” – TS. Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn.

Cái quan trọng thứ 2 theo ý kiến của TS Lâm là cách chỉ đạo thực hiện như thế nào cho đúng và hợp lý, thực sự dân chủ, thực sự tôn trọng học sinh. Chuyện của học sinh để học sinh tự giải quyết chứ không phải để thầy cô, bố mẹ, người lớn can thiệp quá sâu.

Để cho học sinh tự lựa chọn những việc của mình

Với tên gọi từng chức danh của học sinh tiểu học, TS.Lâm không đặt nặng vấn đề phải gọi tên như thế nào.

TS Lâm chia sẻ: “Tên nào cũng được nhưng mà nếu làm không đúng, không được thì không có hiệu quả. Tên lớp trưởng cũ mà người làm không tốt thì cũng không xong, tên mới mà người làm không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng không hợp lý.

Chúng ta phải làm như thế nào mới quan trọng, cơ chế nào để làm cho được. Tôi nhận xét thì đây là một sự trải nghiệm, một kiểu đóng vai. Nếu quan niệm nhẹ nhàng như thế thì tốt, không sao cả.

Nhưng người lớn lại cứ chăm chăm vào là kiểu bồi dưỡng lãnh đạo, tranh giành nhau quyền lực, áp những thứ của người lớn vào thì thước đo sẽ không đúng, sẽ không phù hợp nữa”.

Khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi, có rất nhiều bậc cha mẹ phụ huynh lo lắng với nhiều điểm mới trong dự thảo.

Họ cho rằng không nên đặt các chức danh như Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng tự quản học sinh,… cho các học sinh tiểu học. Bởi nếu như thế sẽ làm cho học sinh lầm tưởng về quyền hành.

 

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, chúng ta nên có cái nhìn nhiều phía hơn để hiểu rõ về dự thảo. Ảnh: Infonet

Nói về ý kiến này, TS. Lâm cho rằng, chúng ta nên có cái nhìn nhiều phía để có cái nhìn toàn vẹn hơn về dự thảo.

“Tôi thì tôi nghĩ hai phía, một là Bộ GD-ĐT muốn có hình thức đổi mới. Tôi ủng hộ đổi mới vì bao giờ ban đầu nó cũng có những cái khó khăn, sự phản đối, có những cái bỡ ngỡ.

Cái lỗi thường xuyên của chúng ta bây giờ là không bàn đến cách làm thực chất mà chỉ bàn đến những cái bên ngoài, hình thức. Ta cần cái nội dung làm bên trong, lâu dài, mãi mãi và đến với mọi trẻ em”, TS Lâm chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông quan niệm không được áp đặt học sinh mà để học sinh làm chủ mọi vấn đề của mình.

Để cho học sinh tự lựa chọn những việc của mình. Học sinh có thể được gọi là chủ tịch, cũng có thể được gọi là lớp trưởng nhưng miễn là học sinh nhận thức được.

“Quan điểm của tôi là không ép buộc. Chúng ta phải làm thế nào mới là quan trọng, bàn như thế nào để đạt được mục tiêu đưa ra” – TS.Lâm nói.

TS Lương Hoài Nam

Cùng chung quan điểm, TS Lương Hoài Nam, Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu cho biết: "Chủ tịch lớp" ("class president") chính là cách gọi ở Mỹ (và một số nước khác) cho cái chức "lớp trưởng" lâu nay ở nước ta.

Điểm khác nhau cơ bản giữa "chủ tịch lớp" ở Mỹ và "lớp trưởng" ở ta là, ở Mỹ, ngay từ tiểu học, "chủ tịch lớp" được học sinh của lớp bầu qua cạnh tranh, với nhiều ứng viên nhí, mỗi ứng viên nhí có "chương trình tranh cử" của mình.

Đại loại là nếu các bạn bầu tôi làm chủ tịch lớp thì tôi sẽ như thế này, như thế kia và các nội dung tranh cử phải cố làm sao để các học sinh khác thấy hấp dẫn.

Cách bầu "chủ tịch lớp" chả khác cách bầu tổng thống Mỹ là mấy. Còn công việc của "chủ tịch lớp" chủ yếu là phục dịch các học sinh khác chứ không có quyền thế gì, không được ưu tiên gì.

Nếu như Bộ GD-ĐT muốn thay đổi chuyện này theo cái cách như ở Mỹ thì kể cả việc gọi "chủ tịch lớp", tôi cũng đồng ý. Quan trọng là tính chất công việc, cách bầu thay đổi thế nào thôi, gọi là gì không quan trọng lắm.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại