Bánh trung thu bán ở vỉa hè: Thanh tra giao thông sẽ giải tỏa?

Vũ Vũ |

Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho hay, thanh tra Sở đang đi kiểm tra, xử lý và giải tỏa các điểm kinh doanh bánh trung thu lấn chiếm vỉa hè.

Quầy bánh trung thu "mọc" như nấm trên vỉa hè

Dù TP. Hà Nội đã thống nhất chủ trương không được bày bán các gian hàng trên vỉa hè, nhưng các hãng bánh trung thu vẫn phớt lờ.

Tại nhiều tuyến đường như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Dương Đình Nghệ và Phạm Văn Bạch (Hà Nội)…, nhiều quầy hàng vẫn ngang nhiên căng bạt trên hè phố với những tấm pano "khủng" làm mất mỹ quan đô thị.

Một số tuyến đường khác như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Giải Phóng, Trương Định... các tiệm bánh trung thu như Kinh Đô, Thu Hương, Maison Des Gâteaux,… án ngữ trên vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng không nhỏ tới người đi đường.

Đặc biệt, chỉ một đoạn ngắn chưa đầy 1km trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) đã mọc lên san sát 4-5 quầy bánh của một số thương hiệu nổi tiếng.

Khi chúng tôi “hỏi thăm” giấy phép của tiệm bánh Kinh Đô trên đường này, người bán bánh xua tay nói rằng, họ chỉ là người làm thuê và không hề biết quầy có giấy phép hay là không.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Diên, Phó Chánh văn phòng quận Nam Từ Liêm khẳng định, quận Nam Từ Liêm chưa cấp giấy phép bất cứ trường hợp nào bán bánh trung thu trên vỉa hè.

Khi hỏi về việc xử lý đối với các quầy bánh đang hoạt động trên vỉa hè Hồ Tùng Mậu, ông Diên nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa đi kiểm tra nên chưa biết bên nào cấp phép cho họ”.

Ông Diên cũng cho rằng, việc xử lý các quầy bánh trung thu vi phạm thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông và “việc quản lý vỉa hè phải hỏi Sở Công thương”.

Nhiều quầy bánh trung thu nổi tiếng mọc lên trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) nhưng đại diện Quận này khẳng định: Chưa cấp phép cho đơn vị nào! (Ảnh: Vũ Vũ)

Nhiều quầy bánh trung thu nổi tiếng mọc lên trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) nhưng đại diện quận này khẳng định chưa cấp phép cho đơn vị nào. (Ảnh: Vũ Vũ)

Ở một cương vị khác, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT lại thông tin: “Những trường hợp như thế phải hỏi quận, phường, chứ Sở GTVT không thể cấm hay chỉ đạo quận, phường được!”.

Theo ông Linh, quận hay phường sẽ được quyền cấp phép trên địa bàn họ quản lý và họ phải chịu trách nhiệm về việc cấp phép này.

Sở GTVT chỉ theo dõi một số trục đường mà bên Sở quản lý thôi. Nếu quận, phường cấp phép trên trục đường mà Sở GTVT quản lý thì chúng tôi sẽ phối hợp nhắc nhở họ.

Còn không thì chúng tôi chỉ có thể tiếp nhận tổng hợp thông tin để báo cáo chứ không có thẩm quyền xử lý” – ông Linh nói.

Thanh tra Sở GTVT đang đi kiểm tra

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng đã yêu cầu thanh tra Sở GTVT, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện bất cứ giấy phép nào cho bán bánh trung thu trên vỉa hè thì phải xem rõ ai ký, để xử lý trách nhiệm.

Những trường hợp không có giấy phép vẫn bán thì đương nhiên phải xử lý. Còn những ki-ốt, trong quá trình kiểm tra mà họ có giấy phép do quận, huyện cấp thì phải xác nhận rõ địa chỉ, tập hợp báo cáo thành phố cho phép giải tỏa”, ông Tân nêu rõ.

Trên tờ Đất Việt, ông Phan Đăng Long - Nguyên Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng quả quyết: "Vỉa hè là khu vực được dành riêng cho người đi bộ, nên chuyện bán hàng trên vỉa hè là không thể chấp nhận được!

Hơn thế, về mặt nguyên tắc thì không có quy định nào đồng ý việc cấp phép kinh doanh trên vỉa hè, mọi hình thức kinh doanh của đối tượng thành phần kinh tế nào, xâm phạm quyền lợi công cộng, cũng phải tính toán.

Các doanh nghiệp cố tình trưng bày thì phải xử lý theo đúng quy định pháp luật về việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường".

Theo ông Long, thứ nhất, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý các hoạt động trên địa bàn lãnh thổ, để lặp lại trật tự, xử phạt theo quy định, có thể xử phạt hành chính hay thu hồi giấy phép kinh doanh tùy theo quy định.

Thứ hai, nếu không có giấy phép sử dụng địa điểm đang bày bán, các lực lượng chức năng cụ thể là thanh tra giao thông có nhiệm vụ xử lý, thu hồi theo luật.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên, đại diện cho hãng bánh trung thu Thu Hương, bà Hoàng Thu Trang, Trưởng phòng marketing đã khẳng định, tất cả các điểm bán hàng của Thu Hương đều có giấy cấp phép của phường, quận – địa bàn nơi quầy bánh bán.

Có thể nói, để dựng được một ki-ốt bán hàng thời vụ trong mùa cao điểm dịp Tết Trung thu, theo khảo sát của PV, chi phí đầu tư cho một quầy bánh có thể lên tới chục triệu đồng.

Đó là chưa kể tiền công cho nhân viên làm việc bán thời gian, cũng như các dịch vụ khác.

Trong khi đó, theo chia sẻ của anh Huynh, một nhân viên bán hàng trên vỉa hè Hồ Tùng Mậu, hiện tại, lượng khách tới mua rất thưa thớt, đại lý vẫn chưa thu được lời.

“Dựng quầy, căng bạt bán hàng chủ yếu để khoa trương thương hiệu mà thôi!” – anh Huynh thành thật.

Như vậy, thời điểm này, nếu cơ quan chức năng yêu cầu dỡ bỏ quầy hàng, tổn thất cho các đại lý bán lẻ sẽ không hề nhỏ.

Sáng 25/08/2015, theo thông tin mới nhất từ ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, thanh tra Sở đang đi kiểm tra, xử lý và giải tỏa các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng tới trật tự giao thông công cộng.

Đối với quầy bánh trung thu có giấy phép của quận, phường (huyện) cấp, đội thanh tra sẽ báo cáo lên thành phố để xin ý kiến giải tỏa.

Đoàn ĐBQH Hà Nội
bà Bùi Thị An
Để xảy ra sự việc, đầu tiên là trách nhiệm quản lý của địa phương, địa phương ở đây chính là phường, quận. Để đảm bảo mỹ quan thành phố, đề nghị tất cả các địa phương rà soát lại, nếu như không đúng quy hoạch thành phố thì cần phải dẹp bỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại