Bản đồ Trung Quốc "nuốt" Biển Đông: Vô giá trị về mọi mặt

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Ông Nguyễn Nhã khẳng định, bản đồ Trung Quốc vẽ "đường lưỡi bò" ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết Biển Đông là vô giá trị về mọi mặt.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc, mới đây, Trung Quốc vừa phát hành một bản đồ mới trong đó ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết các khu vực trên Biển Đông, bao gồm cả các quần đảo và vùng biển của Việt Nam, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho biết, từ nhiều năm qua, vấn đề bản đồ "đường lưỡi bò" sai trái đã được Trung Quốc đưa ra, phát hành và phổ biến không chỉ ở trong nước mà cả ra quốc tế.

"Ngay từ thập niên 30, Trung Quốc đã đưa ra bản đồ phi lý với "đường lưỡi bò 11 đoạn" rồi sau đó, những năm qua, Trung Quốc lại tiếp tục dùng nhiều thủ đoạn để phát hành bản đồ sai trái đó, kể cả việc đưa vào hộ chiếu.

Rồi trong rất nhiều những tài liệu chính thức và không chính thức do Trung Quốc phát hành, tấm bản đồ "đường lưỡi bò" sai trái này đã được đưa ra để giáo dục truyền thông, tạo ra một ý thức hệ không chỉ cho người Trung Quốc mà để cả người nước ngoài hiểu rằng "đường lưỡi bò" của họ là đúng đắn. Đây là kế sách nhằm thay đổi thực tế, thể hiện tham vọng phi lý, vô lối của họ.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, tất cả mọi thứ của Trung Quốc chỉ có vậy thôi, họ không hề có một bằng chứng lịch sử hay bằng chứng pháp lý nào về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chính vì thế, Trung Quốc đã dùng hành động ngang ngược để đòi xác lập chủ quyền bằng cách vẽ bản đồ rồi buộc mọi người công nhận. 

Nhưng Trung Quốc quên mất một điều rằng, bản đồ bao giờ cũng thể hiện thế giới thực. Nói một cách dễ hiểu là thể hiện được toàn bộ bề mặt trái đất và đối tượng trên đó.

Mọi vị trí, khu vực đều phải được thể hiện bằng tọa độ. Nói cách khác, bất cứ một yếu tố nào trên bản đồ đều phải gắn với 1 tọa độ cụ thể. Như vậy, những đường mơ hồ như "đường lưỡi bò" trên bản đồ của Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị về mọi mặt.

Những hành động phi lý, đi ngược lại lịch sử, pháp lý của Trung Quốc sẽ không bao giờ được thế giới chấp nhận và thực tế, từ nhiều năm nay, nhiều nước đã có phản ứng và phản đối về những tấm bản đồ của Trung Quốc", TS Nhã nói.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã (Ảnh: Trung Hiếu)
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã (Ảnh: Trung Hiếu)

Cũng theo TS Nhã, việc công bố tấm bản đồ ngang ngược vẽ "đường lưỡi bò" nuốt chửng biển Đông là hành động leo thang mới tiếp theo của Trung Quốc sau hàng loạt hành động kể từ khi nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

"Tôi đã theo dõi tấm bản đồ này và thấy, nó lớn hơn trước về kích thước nhưng tính chuyên môn của những tấm bản đồ phi lý do Trung Quốc đưa ra là không có, mà chỉ mang ý đồ chính trị của họ. Hành động này có thể được xem là một sự leo thang tiếp theo của Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cũng như các nước có liên quan cần phải có những phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ, bác bỏ tấm bản đồ vô giá trị về mọi mặt này. Chúng ta phải dùng các biện pháp mang tính hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế, tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình, đồng thời tiến hành nhanh các thủ tục để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Việc khởi kiện này có những thuận lợi nhưng cũng sẽ có nhiều khó khăn, nhất là vấn đề liên quan đến chủ quyền, khi nào cũng có những điểm yếu và những điểm mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật của Việt Nam cũng như quốc tế đã lên tiếng nhiều lần và mới đây nhất là tại hội thảo ở Đà Nẵng thì việc khởi kiện có thể giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu. Tóm lại, khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế có lợi hơn là không làm gì. Tất nhiên, chúng ta phải rất khôn ngoan, chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo", TS Nhã nhấn mạnh.

Đồng thời với đó, TS Nhã cũng khẳng định: "Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, hơn ai hết hiểu được "bụng dạ" của "ông láng giềng" này. Dường như, giờ đây Trung Quốc còn hung hăng hơn khi đang lao vào tranh chấp lãnh thổ với một loạt các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông".

Bản đồ dọc với tuyên bố đường lưỡi bò phi pháp mà Trung Quốc vừa phát hành. Ảnh: Xinhua
Bản đồ dọc với tuyên bố "đường lưỡi bò" phi pháp mà Trung Quốc vừa phát hành. Ảnh: Xinhua

Trước đó, ngày 25-6, Trung Quốc công bố một bản đồ mới nhằm thực hiện cái gọi là “thể hiện rõ chủ quyền”. Tấm bản đồ này có “đường 10 đoạn” nuốt trọn toàn bộ biển Đông.

Tân Hoa xã công bố tấm bản đồ do Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam phát hành và ngang ngược cho rằng “các đảo ở biển Nam Hải được thể hiện rõ hơn so với các bản đồ truyền thống”.

Bản đồ mới cho thấy rõ ngoài phần lục địa của Trung Quốc, phạm vi mà nước này gọi là "chủ quyền" của mình còn mở rộng ra khắp Biển Đông, kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò, ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vùng biển và các đảo trên Biển Đông được vẽ với tỷ lệ tương đương phần đất liền, khác với bản đồ truyền thống lâu nay của Trung Quốc.

Trong các bản đồ trước đây, chính quyền Trung Quốc cũng trắng trợn tuyên bố chủ quyền với trọn Biển Đông nhưng chỉ đưa các đảo vào một ô vuông nhỏ ở góc phía dưới.

Nhân dân Nhật báo biện bạch rằng, cách vẽ mới sẽ giúp người dân "đọc được đầy đủ và trực tiếp toàn bộ bản đồ của Trung Quốc", trong khi nhà xuất bản thì mạnh miệng rằng bản đồ dọc "mang ý nghĩa thúc đẩy hiểu biết của người dân".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại