Hiện nay, mọi mũi nhọn đều hướng về bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo ông, điều đó có công bằng?
Tôi thấy không công bằng. Những khuyết điểm của ngành y hôm nay là một quá trình của nhiều chục năm. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành thì phải có trách nhiệm với tất cả những thành bại của ngành. Tài năng của một nhà quản lý là yếu tố rất quan trọng cho công tác chỉ đạo. Ví dụ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch học ở Pháp, lấy vợ đầm nhưng khi làm Bộ trưởng y tế Việt Nam, ông có đề xuất làm 3 công trình vệ sinh cơ bản, nghe rất tầm thường như hố xí, giếng nước, nhà tắm. Hồi ấy chúng tôi là sinh viên, rất than thở vì chủ trương này, chúng tôi còn làm ca dao chế giễu là: "6 năm bệnh xá, bệnh sàng/ mảnh bằng đỏ chót xuống làng ủ phân”. Nhưng sau này tôi thấy chính giếng nước, hố xí hợp vệ sinh đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt bệnh tật của cả nước, như chữa được những bệnh giun sán, giun chui ống mật, mắt toét… Đó là tầm nghĩ của Phạm Ngọc Thạch.
Hồi chiến tranh, bộ trưởng nói Mỹ cấp cứu chiến thương bằng trực thăng, làm sao ta phải nhanh bằng Mỹ. Ta phải cấp cứu tại chỗ (ta chui từ hầm lên, địch chở trực thăng tới), cho nên mỗi chiến sĩ, mỗi vệ sinh viên đều phải biết cách bó nẹp và chống choáng. Chỉ một sáng kiến này đã cứu sống được rất nhiều chiến thương.
Cũng như ở Tây Ban Nha thế chiến 2, có 1 chủ trương là bó bột kín tất cả các vết thương hở để chuyển về bệnh viện cũng đã cứu được rất nhiều thương binh. Cho nên chủ trương của người quản lý rất cần khoa học nhưng cũng rất cần thực tiễn.
Bộ trưởng Tiến có thể chưa hội đủ các yếu tố đó, cần cho bà có thời gian, nếu có trách thì trách cơ quan đề bạt bà ấy hơi vội. Còn những ứng xử của bà trong một số trường hợp mà dư luận phàn nàn thì tôi lại cho là đây chỉ là yếu tố phụ.