GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC (Phần 1)

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin trân trọng kính mời quý độc giả cùng tham gia và theo dõi buổi giao lưu trực tuyến về vấn đề y đức đang rất nóng trên công luận hiện nay.

 

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC (Phần 1)
 

Nhà báo Bùi Ngọc Hải, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Trí thức trẻ:

Kính thưa các vị khách quý!

Dù trong những ngày này, trên công luận xuất hiện rất nhiều hình ảnh về một số tiêu cực của hệ thống y tế, thì vẫn có hàng trăm ngàn y bác sĩ, cán bộ y tế ngày đêm cần mẫn thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Chắc chắn những người lao động chân chính trong cái nghề được xã hội tôn vinh là thầy này, đã và đang vô cùng đau lòng, phẫn nộ trước hành vi của những “con sâu” phản bội lại lời thề thiêng liêng Hippocrates.

Nhưng tại sao, những con sâu ấy không giảm đi? Liệu y đức đã chạm tới đáy như ý kiến của một số chuyên gia?

Ngăn chặn suy thoái y đức thế nào trong một xã hội đã được các ĐBQH cảnh báo là có quá nhiều giá trị sống bị đảo lộn; chuẩn mực đạo đức bị hoen ố, tình người bị lung lay? Trách nhiệm ngành Y tế đến đâu, trách nhiệm toàn xã hội đến đâu?

Bao giờ thì toàn dân mới được chăm sóc thực sự chu đáo bởi một hệ thống y tế tiên tiến và nhân văn?

Bộ trưởng và lãnh đạo ngành Y tế có thể làm và cần làm những gì để cải thiện hình ảnh của mình?

Việt Nam có thể học hỏi những gì từ các nền Y học tiên tiến trên thế giới?

Đó là những câu hỏi lớn mà các quý vị tham gia cuộc giao lưu này, có thể giải đáp một phần.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách đã tham gia cuộc giao lưu trực tuyến có ý nghĩa thời sự này.

Chúc các vị khách quý sức khỏe và kính mời các vị bắt đầu cuộc giao lưu!

  Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC

Khách mời của chương trình gồm có:

1. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân nguyện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

2. TS. BS. Hoàng Xuân Ba - bác sĩ chuyên khoa nhi, huyết học và ung thư, tiến sĩ miễn dịch học.

3. GS Nguyễn Văn Tuấn – Giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales (Úc).

4. Thiếu tướng, GS.TSKH, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thầy thuốc Nhân dân Bùi Đại - nguyên Giám đốc Bệnh viện 108.

5. Luật sư Đoàn Hữu Đủ, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức, Bộ Y tế.

6. PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế.

7. GS.BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch & lồng ngực Việt Nam.

8. Nhà thơ Vũ Quần Phương – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IX, nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, Tổng biên tập báo Người Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam bằng tiếng Pháp.

Phan Quang - Hà Nội

Thưa Giáo sư, tôi không biết ở Úc thì ra sao, nhưng ở Việt Nam thì thời gian đào tạo sinh viên y khoa dài hơn các ngành học khác. Có ý kiến cho rằng, do thời gian đào tạo dài và tốn kém nên sinh viên sau khi ra trường đã cố gắng tìm mọi cách để "thu hồi vốn", bất chấp y đức... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Thời gian đào tạo bác sĩ ở đâu cũng tương đương nhau. Nếu tuyển thẳng từ trung học thì thời gian là 5-6 năm; nếu tuyển từ những người đã có bằng cử nhân thì thời gian là 4 năm.  Tuy nhiên, thời gian đào tạo bác sĩ chuyên khoa ở Việt Nam thì ngắn so với nước ngoài. Thật ra, hệ thống đào tạo bác sĩ chuyên khoa ở Việt Nam cũng rất khác với các nước trong vùng Đông Nam Á và trên thế giới. Chương trình học cũng khác. Sinh viên y khoa nước ngoài không học các môn học về chính trị và triết, thay vào đó họ học về khoa học xã hội và y đức.

Tôi không thấy bằng chứng gì về tương quan giữa thời gian đào tạo và y đức. Bác sĩ ở các nước như Úc và Mĩ trước khi hành nghề phải qua đào tạo ít nhất 9 năm và tốn khá nhiều tiền, nhưng họ không có “tai tiếng” về đạo đức như đồng nghiệp bên Việt Nam. Y đức bao gồm những qui ước và nguyên tắc về quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân.  Y đức có khi thay đổi đôi chút tùy theo văn hóa điạ phương và thời gian, nhưng bản chất và nguyên lí thì vẫn không thay đổi: không làm hại bệnh nhân. Do đó, tôi nghĩ thời gian đào tạo và y đức là hai khía cạnh rất khác nhau.

Bs. Đào Quang Vinh

Có ý kiến cho rằng, những thầy thuốc thế hệ gần đây không những kém về y đức mà còn kém cả về chuyên môn. Tôi cũng là một học trò của Gs. Đặng Hanh Đệ cách đây gần 30 năm, hồi đó chúng tôi học “thầy ra thầy, trò ra trò”, chúng tôi cũng không được học nhiều về y đức, nhưng chúng tôi học điều đó ở các thầy, ở xã hội, thậm chí ở cả những người bệnh nữa... Còn bây giờ có lẽ giờ học y đức nhiều hơn thời chúng tôi học nhưng vẫn xảy ra nhiều chuyện đáng buồn trong ngành y. Liệu có phải do không chú trọng đến việc dạy y đức không? Hay đây là hậu quả chung về đạo đức, lối sống của toàn xã hội (luôn quan niệm tiền nặng hơn đạo đức; tiền dày thì đức sẽ mỏng)? Với hoàn cảnh xã hội hiện nay, liệu chú trọng việc đào tạo y đức có cải thiện được chất lượng về y đức trong ngành y không?

GS.BS Đặng Hanh Đệ

Đây chính là hậu quả của tình trạng suy thoái đạo đức chung. Theo quan điểm của tôi, dù có chú trọng cải thiện về vấn đề dạy đạo đức trong nghề y cũng không thể cải thiện được tình trạng suy giảm về chất lượng y đức trong ngành y.

Nguyễn Thị Thùy Dung - Hà Nội

Thưa Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ông đã từng nói có một sự “sòng phẳng của lịch sử” trong đó công lý phải được tôn trọng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều y bác sỹ quá coi nhẹ tính mạng của con người. Chất độc dioxin có thể không còn được sử dụng ở Việt Nam nữa, nhưng những “mũi tiêm độc” thì vẫn còn, giết chết nhiều sinh mạng. Liệu sự vô tâm, bất cẩn của người làm ngành y có thể bị coi là một tội ác?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Tôi nghĩ có nhiều khác biệt giữa câu chuyện dioxin (hay chất độc da cam) và những “tai nạn” y khoa trong thời gian gần đây. Chuyện dioxin xảy ra trong thời chiến và nó được sử dụng như là một phương tiện có chủ đích là khai quang. Còn các tai nạn y khoa xảy ra gần đây phần lớn là do chểnh mảng và kém ý thức, chứ không có chủ đích gây hại. Chẳng hạn như vụ tiêm vắc-xin dẫn đến tử vong cho hàng loạt trẻ em là một tai nạn lớn và rất nghiêm trọng, nhưng tôi nghĩ không một ai làm việc phòng chống bệnh có gây tác hại đến cộng đồng cả.

Những bất cẩn, hay tôi gọi là “chểnh mảng”, rất đáng lên án, nhưng tôi không muốn nghĩ đến như là tội ác. Ở nơi tôi đang làm việc, chểnh mảng trong công việc để gây thương tật hay tử vong cho người khác được xem là một tội hình sự. Luật pháp về an toàn ở Úc rất nghiêm ngặt. Mỗi tuần chúng tôi đều có nhiệm vụ kiểm tra và cảnh giác những người công tác trong viện về an toàn; nếu người dưới quyền tôi để cho tai nạn nghiêm trọng xảy ra, thì tôi là người bị mất chức đầu tiên, và sau đó là viện trưởng chứ không phải là người cộng sự của tôi. Tôi có cảm giác là ở Việt Nam người ta chưa có những qui trình về an toàn trong viện, hay có thì cũng chẳng ai quan tâm. Ngay cả việc kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện là điều hết sức cơ bản mà hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam đều chưa đạt chuẩn mực.  Do đó, tai nạn có thể xảy ra đây đó là một điều không khó hiểu; khó hiểu chăng là những tai nạn này xảy ra hết năm này đến năm khác.

Phí Thị Hương - Nghệ An

Thưa ông, bây giờ liệu đã đến lúc phải thay đổi cái tôn chỉ của nghề y là "lương y như từ mẫu" bằng một cụm từ khác, phù hợp hơn, đúng bản chất hơn?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Như tôi đã nói là không thể kêu gọi đạo đức được mà phải có hành lang pháp lý.

Ngô Thị Lan Anh - Hà Nội

Thưa ông, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương và các đơn vị chức năng trên địa bàn quản lý tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch ăn uống, bữa ăn tập trung đông người, bếp ăn tập thể... nhưng vẫn còn rất nhiều vụ ngộ độc tập thể. Đặc biệt là việc sử dụng trái phép các chất hóa học cấm để sản xuất, xử lý, chế biến đồ ăn như việc luộc ngô bằng pin và muối diêm, xử lý thịt ôi thối bằng bột săm pết, giấm chuối, đu đủ bằng hóa chất độc hại… vẫn diễn ra thường xuyên. Vậy thì do Bộ Y tế và đơn vị chức năng chưa làm chặt chẽ hay có lý do gì mà những vụ ngộ độ, sử dụng hóa chất độc hại cho thực phẩm gây nguy hiểm cho người sử dụng vẫn tồn tại như vậy, ông có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng trên?

PGS.TS Trần Đáng

Đúng như sự phản ánh hiện nay, vấn đề ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc ở bếp ăn tập thể, vấn đề ngộ độc do sử dụng hóa chất cấm để tẩy trắng thực phẩm… có nhiều nguyên nhân. Để chấm dứt tình trạng này cần phải áp dụng các biện pháp: Có đầy đủ luật pháp và các quy định pháp luật trong đó có các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như quy định của thế giới. Đây là vấn đề cơ sở để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm dù là hiện tượng nhỏ nhất trong chế biến thực phẩm, tiêu dùng thực phẩm cho đến các sự kiện, hoạt động lớn đều cần phải có tiêu chuẩn. Không có tiêu chuẩn thì không thể quản lý được.

Ví dụ như vấn đề chống hàng giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm ô nhiễm,… thì phải có những tiêu chuẩn về chống hàng giả, tiêu chuẩn về chống ô nhiễm thì ta mới có thể quản lý, kiểm soát được.

Thứ hai là phải có đủ lực lượng để quản lý an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có bộ máy quản lý nửa vời: Hình thành được các chi cục nhưng thiếu người, thiếu trình độ, thiếu đào tạo, thiếu trang bị, thiếu kinh phí để hoạt động… Ở tuyến huyện và tuyến xã là những tuyến cơ sở rất quan trọng thì chưa có lực lượng chuyên ngành quản lý về an toàn thực phẩm. Như vậy, vấn đề quản lý là rất quan trọng trong đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thứ ba là phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm đủ mạnh. Hiện nay, lực lượng này cũng đang được tổ chức nửa vời nên vấn đề duy trì các tiêu chuẩn, các quy định đang còn rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân thứ 4 là hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm phải đủ mạnh để phát hiện sớm, ngăn ngừa sớm, đồng thời thực hiện được chương trình và đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Điểm thứ 5 để khắc phục tình trạng trên phải có một chính sách, một quy định về kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh. Ví dụ những vụ làm hàng giả thực phẩm, tuy chưa gây chết người nhưng gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho hàng vạn người trên thị trường, trên đất nước. Hoặc vụ đưa ra thị trường những sản phẩm không an toàn tuy chưa giết người nhưng ảnh hưởng tới giống nòi, ảnh hưởng tới sức khỏe hàng triệu người thì cần xử lý nghiêm minh.

Nếu đảm bảo thực hiện được 5 biện pháp trên thì dần dần sẽ hạn chế được các tình trạng ngộ độc và tiêu cực như đã xảy ra.

Luyện Thị Thu Hưng - Hà Nội

Hiện nay ngành y tế đang còn gặp rất nhiều vấn nạn. Tôi thấy việc bác sĩ ăn tiền của người bệnh là rất nghiêm trọng. Không biết có biện pháp nào để ngăn chặn được vấn đề này, để các bác sĩ phải có cái tâm, cái đức làm cho tốt vai trò của mình chứ không phải vì nhiều tiền làm tốt, ít tiền thì làm cho qua loa?

Luật sư Đoàn Hữu Đủ

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản tuyên truyền giáo dục và tổ chức thực hiện đôn đốc hướng dẫn các đơn vị trong toàn ngành và giao, hướng dẫn cho các thủ trưởng đơn vị đưa ra các biện pháp để ngăn chặn những hiện tượng xấu. Có một số đơn vị cũng đã tiến hành đặt camera ở các vị trí nhạy cảm để ghi nhận những hiện tượng tốt, xấu để khen thưởng, xử lý kịp thời.

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC (Phần 1)
 
Nguyễn Thị Huệ - Vinh

Theo ông, thực trạng giấy phép hành nghề của nhiều cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đã được chấp hành nghiêm túc chưa? 

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Theo tôi là chưa được nghiêm túc và cũng là tình trạng chung của các loại giấy phép.

Nguyễn Chí Linh - Sinh viên

Y đức đáng lẽ phải được chú trọng ngay từ các cơ sở đào tạo của ngành y nhưng thực tế, vấn đề này lại chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông, cần phải làm gì để đạo đức nghề y được cải thiện hơn?

PGS.TS Trần Đáng

Y đức ngày nay cũng đã được chú ý trong các cơ sở đào tạo của ngành y, tuy nhiên, cần phải nghiên cứu hình thức đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo để thực sự đi vào tâm khảm của mỗi sinh viên, học sinh để biến thành hành động cụ thể. 

Nguyễn Lê My - Hà Nội

Ngoài kêu gọi y đức, thì thưa ông, đã có những mức xử phạt nào đối với các y, bác sỹ vi phạm pháp luật? Đã đủ sức răn đe chưa? Nên chăng phải có những điều luật phạt các y, bác sỹ có thái độ đối xử với bệnh nhân không tốt?

Luật sư Đoàn Hữu Đủ

Ngành y tế đã đưa ra nhiều biện pháp và đã hướng dẫn các đơn vị để thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề xử lý kỷ luật viên chức y tế phải tuân theo quy định của pháp luật.

Đoàn Thị Mai Phương, Hải Dương

Theo bà, ngành y cần 1 "tư lệnh" như thế nào để “dẹp loạn” được tất thảy nạn phong bì ngầm, phòng khám "chui"?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An thường gọi các bộ trưởng là “tư lệnh lĩnh vực”. Đúng như vậy trong lĩnh vực chiến đấu, vai trò tư lệnh là cực kỳ quan trọng, Bộ trưởng Bộ Y tế là tư lệnh của ngành y hay nói đúng hơn là người chỉ huy trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, là tham mưu trưởng giúp Quốc hội ban hành luật, giúp chính phủ ban hành chính sách thực hiện việc quản lý nhà nước về y tế. Ngành y nước ta đã trải qua nhiều vị “tư lệnh”, mỗi người, mỗi nhiệm kỳ lại có ưu, khuyết điểm khác nhau, chỉ có công việc là luôn luôn liên tục.

Bất kỳ nghị quyết nào đưa ra cũng với mục đích phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên có phát huy tốt không, khắc phục được không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh khách quan và yếu tố chủ quan của người lãnh đạo. Trước nạn phong bì, phong bao ngầm, phòng khám "chui" hiện nay chắc không ai dám vỗ ngực xưng tên là “tôi sẽ dẹp được”. Tôi tin là như vậy! Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ đã từng ra lệnh chấm dứt dùng ngân sách nhà nước để mua quà biếu vào dịp lễ tết, Bộ GD&ĐT cũng dang cấm dạy thêm. Vậy những việc đó đã hết chưa?

Tôi không hề có ý bào chữa cho nạn phong bì và tôi cũng chưa bao giờ đưa phong bì có tiền cho thấy thuốc chữa bệnh cho tôi và thân nhân.

Tuy nhiên tôi có nghe và đã thấy nạn có phong bì thì tiêm thuốc ít đau hơn, giường chiếu sạch hơn… Vậy muốn dẹp được thì cần phải có sự đồng tâm hiệp lực của toàn ngành y tế và cả xã hội chứ một mình tư lệnh không thể làm được. Bản thân người thấy thuốc khi thấy thân nhân, bệnh nhân đưa phong bì phải có bản lĩnh từ chối, gạt bỏ sự thèm muốn. Thầy thuốc hãy nói với bệnh nhân là nghề tôi làm là nghề cao quý, xin đừng đưa phong bì trước hoặc sau. Xin hãy làm vậy đi! Từ đó làm cho y đức sẽ lan tỏa, sự tin yêu, cảm mếm thầy thuốc sẽ quay trở lại. Đưng để con sâu làm giàu nồi canh, bắt được quả tang thì cương quyết xử lý theo pháp luật.

Thành Chung - Quảng Nam

Theo ông, cần xử lý như thế nào đối với người trục lợi bằng nghề y?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Có một nguyên tắc xã hội là người làm tốt thì phải được hưởng lợi và hạn chế trục lợi, những người tốt phải lợi hơn những người xấu, hành vi tốt lợi hơn hành vi xấu.

Những biện pháp hạn chế trục lợi thì cũng nằm trong mấy yếu tố mà tôi nói ở trên nhưng có một điều cần lưu ý là không nên coi những lời kêu gọi đạo đức là một biện pháp then chốt mà phải có những biện pháp, hành lang pháp lý. Những người xấu phải chịu hình phạt tới mức độ sao cho người ta thấy rằng trục lợi là thiệt, là không thể bù đắp.

Những biện pháp của chúng ta hiện nay không đủ sức răn đe. Chữa bệnh mà mang kết quả xấu cho bệnh nhân có thể phạt tới mức độ phải bỏ nghề, tịch biên tài sản họ mới sợ. Muốn chống trục lợi là phải đánh vào lợi ích.

Nguyễn Tiến Mạnh - Hải Dương

Có sự tách biệt giữa những tiêu cực của ngành y và vấn đề y đức hay không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đáng

Không có sự tách biệt, vì có sự liên quan chặt chẽ với nhau, do anh thiếu y đức nên mới xảy ra tiêu cực. Nếu như ta có y đức, mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn thì cũng không thể xảy ra tiêu cực được. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn trong chiến tranh. Biết bao các bác sỹ phục vụ trên chiến tuyến, ở một đường hầm, mổ xẻ, chăm sóc hàng trăm bệnh binh, hoàn toàn không có một chút lợi nhuận nào, nhưng có thể nói, họ đã hết lòng phục vụ người bệnh, thậm chí sẵn sàng hi sinh cả tính mạng mình. Như vậy, rõ ràng y đức là cái căn bản, là nền tảng của mỗi bác sỹ chân chính, có y đức thì không thể có tiêu cực. 

Bách Thắng - Phú Thọ

Thưa ông cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc "bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông" khi đây là 1 trung tâm thẩm mỹ chưa được cấp phép hoạt động?

Luật sư Đoàn Hữu Đủ

Trách nhiệm chung thuộc về nghành y tế. Nhưng trách nhiệm chính trong vụ việc này là thuộc về Sở y tế Hà Nội. 

Lại Thị Bích Ngân - Hà Nội

Ông có nghĩ rằng chúng ta cần đưa ra một bộ quy định khắt khe hơn đối với các y bác sĩ. Chẳng hạn như nếu nhận tiền của bệnh nhân, gây thương tật cho bệnh nhân hay nếu làm chết bệnh nhân thì cần kỷ luật như thế nào? Tôi có cảm giác rằng, vì sự lỏng lẻo trong quản lý cũng như chưa có biện pháp răn đe nào nghiêm khắc nên tình trạng đau lòng xảy ra đối với ngành y suốt trong thời gian vừa qua có cơ hội hoành hành?

GS.BS Đặng Hanh Đệ

Thực ra, chúng ta đã có đầy đủ luật lệ và quy định. So với hồi tôi còn làm việc thì đã quá nhiều quy định mới. Tuy nhiên, vì sao hồi đó lại không như hiện tại? Vì vậy, quan trọng là phải bắt con người thực hiện đúng những điều đã quy định. Ở đây vài trò của thanh tra và kiểm tra đóng vai trò chủ yếu. Nhưng trong thực tế lại trái ngược. Chính người làm luật lại là người không tuân thủ luật. Điều này không chỉ trong ngành y mà trong tất cả các ngành trong xã hội. Cho nên mới đầy rẫy những việc tiêu cực xảy ra, gần như không còn cách giải quyết. Các cụ đã có câu: “Thượng bất minh, hạ tắc loạn”.

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC (Phần 1)
 
Lê Quang Trưởng - Hà Nội

Quá nhiều sự việc tiêu cực xảy ra gần đây liên quan đến ngành y nói chung và y đức nói riêng. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này? 

PGS.TS Trần Đáng

Đúng là hiện nay có quá nhiều sự tiêu cực xảy ra ở ngành y tế nói chung và y đức nói riêng, theo tôi, đó là những vấn đề tiêu cực không thể tránh khỏi theo quy luật phát triển. Trong xu thế nền kinh tế thị trường bung ra, việc đầu tư cho ngành y tế còn bị hạn hẹp, lương của cán bộ công chức còn chưa đủ sống, các chính sách chưa phù hợp… dẫn tới việc xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực.

Tuy nhiên, những tiêu cực này là những tiêu cực trong chăm sóc sức khỏe con người nên dễ bị xã hội nhận thấy và lên án. Những tiêu cực của các ngành khác còn trầm trọng và phổ biến hơn rất nhiều như trong ngành xây dựng, giáo dục… nhưng xã hội cũng như báo chí ít quan tâm hơn.

Phan Hoàng Huyền - Đà Nẵng

Hiện nay, người ta thường nói rằng "vấn đề y đức đã xuống cấp trầm trọng và đến mức phải báo động đỏ", vậy với tư cách là 1 người công tác trong lĩnh vực này ông nhìn nhận sao về ý kiến trên?

Luật sư Đoàn Hữu Đủ

Vấn đề này, tôi nghĩ cần cân nhắc. Cơ quan quản lý tăng cường ban hành văn bản quy chuẩn đạo đức và tăng cường giáo dục, tăng cường kiểm tra giám sát.

Tiểu Phương - TP HCM

Theo ông, làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng suy thoái đạo đức, chạy theo đồng tiền của một bộ phận y, bác sĩ hiện nay?

GS.BS Đặng Hanh Đệ

Làm sao cho tăng thu nhập của người làm ngành y để duy trì cuộc sống: tăng lương không phải là biện pháp cơ bản vì mức tăng quá ít. Vì thế phải tạo điều kiện để họ tăng thu nhập. Ở các cơ sở công lập thì cần tăng thu nhập bằng làm thêm việc như mổ ngoài giờ làm việc để bệnh nhân khỏi chờ đợi lâu do tình trạng quá tải.

Còn ở các cơ sở tư nhân thì còn tùy thuộc vào bản thân người làm nghề y. Lúc này việc thanh tra, kiểm tra phải hết sức chặt chẽ để ngăn chặn những việc làm trái luật.

Phan Như Thảo - Hải Phòng

Người ta ngờ rằng có chỗ còn dùng tiền mua được tài năng, hoặc huyết thống “con ông cháu cha”. Bây giờ tỷ lệ con ông to giữ trọng trách cao hơn rất nhiều so với con dân thường. Vậy có thật sự là con ông to xuất sắc hơn không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Con cháu của các bậc tiền nhân có công với cách mạng đền bù là đúng nhưng có thể cho họ của cải, thay vì chức vụ. Đừng thưởng bằng chức vụ, nếu họ không làm được là làm hại đất nước.

Phải có những người có tài thì mới đánh giá được người tài. Cho nên những người làm công tác tổ chức cán bộ thì phải là người rất giỏi, như Tạ Quang Bửu với sáng kiến công bố điểm thi của học sinh, sinh viên khi thi tú tài. Việc công bố công khai giúp thi đua lành mạnh, cử được những học sinh giỏi ra nước ngoài. Chỉ điểm này thôi đã là cần một kinh nghiệm của một người học giỏi.

Ông Phạm Ngọc Thạch không chỉ là một người học giỏi mà còn đóng vai trò quan trọng trong Cách mạng Tháng 8 nên khi làm bộ trưởng ông mới có tầm. Để dẹp bớt tiêu cực xã hội, nâng cao y đức là đánh giá đúng tài năng, từ đó thưởng phạt chính xác, đề bạt chính xác, giao trách nhiệm đúng.

Điều thứ hai để nâng cao y đức là chế độ đãi ngộ cho công bằng, thỏa đáng. Việc này bệnh viện Nhà nước làm chưa tốt bằng bệnh viện tư nhân. Ở tư nhân, bác sĩ nào giỏi thì làm lãi nhiều cho chủ bệnh viện nên được đãi ngộ cao. Tuy nhiên, ở Nhà nước, có những người giỏi thu nhập không cao, những người dốt nhưng không ngoan lại được đãi ngộ cao hơn. Đây là bất công trong ngành. Nếu phân minh được việc này thì cũng góp phần nâng cao y đức. Nếu một người hi sinh mà để hi sinh mãi thì không được, phải chủ động bù đắp. Những người chỉ kiếm chác thôi thì phải hạn chế. Tôi biết có nhiều bác sĩ giỏi thì thu nhập lại thấp. Tôi nghĩ đây là điểm quan trọng để nâng cao y đức.

Xã hội còn nhiều bất cập như cán bộ không được phân nhà, nhiều bác sĩ phải đi thuê nhà, tiền thuê nhà mất 50% lương. Tuy nhiên, nhiều người chức quyền cao hơn lại không cần bỏ tiền túi mà lại được cấp nhà. Đây không phải là việc nhỏ khi người ta nhìn vào phẩm chất của một Chính phủ. Tôi cho rằng đây là nền tảng gốc, nếu không xử lý được sẽ sinh nhiều khuất tất.

Thứ ba là chế độ bảo hiểm: Thực hiện nghiêm chế độ bảo hiểm. Hiện nay như vụ việc ở Hoài Đức, tôi chắc rằng nếu so tiền xét nghiệm của Bệnh viện Hoài Đức với Bệnh viện Ba Vì, Sóc Sơn thì Hoài Đức trội hơn. Tuy nhiên, nếu là tư nhân thì họ sẽ tìm hiểu tại sao tiền bảo hiểm xét nghiệm của một bệnh viện lại đột nhiên cao trội hơn như vậy.

Cơ quan bảo hiểm phải theo dõi sát sao việc chi tiêu cho bệnh nhân. Như một người nhà tôi từng nằm ở Mỹ 2 ngày, chi phí là 300 triệu tiền Việt, nếu nằm thêm một ngày sẽ là thêm 100 triệu nữa nên kiểm tra gắt gao. Tiền này cơ quan bảo hiểm phải trả nên họ sẽ theo dõi sát sao xem thuốc gì nên dùng, không nên dùng, cần nằm viện bao lâu.

Trong khi ở bệnh viện Việt Nam không ai kiểm tra nên họ lợi dụng lỗ hổng này như ghi thuốc đắt tiền nhưng lại cho bệnh nhân dùng thuốc rẻ tiền.

Vừa rồi tôi có anh bạn đưa chị lên chữa bệnh ở Bạch Mai, hết 80 triệu, thế nhưng ở khoa đó người ta lại nghĩ ra cách biến người đó từ người không có bảo hiểm thành người có bảo hiểm. Vì thế, khi thanh toán trên giấy chỉ là 20 triệu. Tôi nghĩ là 60 triệu đó sẽ được chia chác một cách không công minh. Nếu bác sĩ Tường và tất cả các phòng khám tư phải nộp bảo hiểm nghề nghiệp. Khi gặp bệnh nhân tử vong, bác sĩ phải đền, công ty bảo hiểm phải chi trả nên họ  sẽ giám sát xem anh chữa bệnh có cẩn thận hay không.

Nếu mở một phòng khám mà phải nộp 100 triệu tiền bảo hiểm thì không ai dám làm bừa. Hơn nữa, hãng bảo hiểm cũng có trách nhiệm kiểm tra. Phải rà soát bảo hiểm, thẩm tra, thẩm định nó. Hiện nay đây là một kẽ hở rất lớn để ăn gian tiền với nhà nước, ăn gian tiền với cơ quan bảo hiểm. Trong đó, cần nhất là các phòng khám tư phải nộp tiền bảo hiểm. Tôi biết thẩm mỹ gây chết người có 1 cơ sở khác và cũng gây chết người, đền mất 800 triệu.

Một cơ chế nâng cao y đức là phải giúp bệnh nhân kiện bác sĩ khi người này không làm hết trách nhiệm. Hiện nay điều này không được coi trọng.

Nguyễn Hiển - Sinh viên

Là người đã từng làm công tác y tế và sau đó chuyển sang công tác khác, ông cho rằng điều gì đã khiến y đức đi xuống: do cơ chế và những vấn đề nội tại của chính ngành y, hay sự xuống cấp của y đức cũng chỉ là một phần của sự xuống cấp đạo đức xã hội nói chung? Nếu là do yếu tố xã hội nói chung thì liệu những cải cách trong ngành y, dù là cải cách mang tính cách mạng, có đủ để vực dậy y đức?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Y đức theo tôi quan niệm là cách ứng xử của bác sĩ với bệnh nhân và là năng lực chuyên môn. Muốn nâng cao y đức thì có 2 vế: trách nhiệm của toàn xã hội và trách nhiệm ngành y. Trách nhiệm xã hội ta không bàn ở đây vì nó mang tầm vĩ mô. Ngành y cũng như một số ngành muốn nâng cao năng lực phục vụ thì đầu tiên phải đánh giá tài năng cán bộ. Đánh giá sai thì đề bạt sai, giao trách nhiệm sai và cho phép người ta làm những việc họ không làm nổi. Ví dụ chuyện bác sĩ Tường thì tài năng y học kém nên mới làm bệnh nhân chết và y đức kém nên mới vứt xác bệnh nhân.

Tôi thấy cơ chế đánh giá tài năng hiện nay còn nhiều bất cập. Người ta cứ chê ngành giáo dục không đào tạo được tài năng nhưng hiện tại chưa có một hình mẫu tài năng để đào tạo. Hình mẫu này nằm ở chỗ Nhà nước đã đề bạt cán bộ của mình như thế nào.

Cần có cơ chế đánh giá tài năng giống như chỉ có Bác Hồ mới đánh giá được tài năng của Phạm Ngọc Thạch và chỉ có Phạm Ngọc Thạch mới đánh giá được tài năng của Tôn Thất Tùng.

Lê Thị Hồng Lưu - Hà Nội

Thưa ông, từ sau vụ bác sĩ Tường, có một thực tế là rất nhiều cơ sở y tế tư hiện nay vẫn đang hành nghề "chui". Để xây dựng lại niềm tin trong lòng dân, ông có thể chia sẻ những định hướng để rà soát lại hoạt động của các cơ sở y tế tư ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung?’

Luật sư Đoàn Hữu Đủ

Hiện tượng này là trách nhiệm chung trong toàn ngành. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước về y tế ban hành văn bản. Còn trách nhiệm giám sát, đôn đốc, kiểm tra chính là các địa phương.

 
GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC (Phần 1)
 
Bùi Thị Thắm - Điện Biên

Theo ông, căn bệnh trầm kha về y đức lớn nhất của ngành y tế Việt Nam là gì? 

PGS.TS Trần Đáng

Căn bệnh trầm kha lớn nhất về y đức của ngành y tế là: Vô trách nhiệm với người bệnh và tìm cách kiếm lợi trên người bệnh. Sự vô trách nhiệm này thể hiện không chỉ có y, bác sỹ ở bệnh viện mà cả các bác sỹ, dược sỹ đang làm việc ở cơ quan quản lý Nhà nước. Ví dụ như giúp cho Bộ Y tế ban hành những nghị định nhưng liệu có nghĩ tới sức khỏe của người dân hay không, có nghĩ tới việc ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng triệu con người hay không?

Cụ thể, trong ngành an toàn thực phẩm, khi mình cho phép một sản phẩm được lưu hành thì đã nghĩ tới sự an toàn sức khỏe cho người dân chưa, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người cao tuổi như thế nào?

Thu Hồng - Hà Nội

Bên cạnh những thành tựu mà ngành y đạt được vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc khiến người dân phẫn nộ, thậm chí không còng lòng tin vào ngành y tế. Theo GS, ngành y nói chung và từng cán bộ ngành y cần phải mạnh tay và có những biện pháp gì để bảo vệ uy tín, lấy lại sự tin tưởng của nhân dân. Biện pháp quan trọng nhất và trước hết phải làm bây giờ là gì thưa GS?

GS.BS Đặng Hanh Đệ

Tôi nghĩ, không thể tách ngành y ra khỏi xã hội cho nên những biện pháp đối với ngành y cũng là những biện pháp đối với những ngành khác. Vì vậy, điều trước tiên cần phải làm là thắt chặt việc thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, để làm được việc này thì chính những người nắm luật phải là những người không thể nằm ngoài pháp luật  được. Tình trạng này ở Việt Nam đang diễn ra tràn lan nên xã hội mới rối tung lên. Sau khi có luật lệ chặt chẽ thì hãy nói đến lương tâm, nghề nghiệp.

Nhưng lương tâm con người không phải 1 lúc mà có mà nó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Trước hết là gia đình. Người chủ gia đình phải gương mẫu thì các con mới nên người. Sau đó, trường học là nơi giáo dục thì người thầy cũng phải gương mẫu làm gương cho học trò. Cuối cùng là yếu tố xã hội.

Những yếu tố trên khi tác động vào con người sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp thu của người đó để trở thành một người có giáo dục. Thế nhưng, hiện nay, cả 3 yếu tố trên đều có vấn đề thì làm sao chúng ta lại đòi hỏi một người có lương tâm được.

Ví dụ như một ông bố đèo con đi đường, vượt đèn đỏ thì làm sao giáo dục cho đứa con tôn trọng pháp luật? Cho nên, đừng nghĩ trong giai đoạn này cần phải giáo dục lương tâm của người thầy thuốc vì lương tâm là phải hình thành từ khi còn nhỏ.

Nguyễn Ngọc Khanh - Đông Anh - Hà Nội

Ông có nhận xét gì về tình hình y đức của một bộ phận y bác sĩ ngày nay? Đặc biệt là giới y bác sĩ trẻ bây giờ?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Hiện nay, nếp sống trong xã hội đang bị khủng hoảng, trong toàn xã hội, không riêng trong ngành nào, có ngành tiếp xúc với dân nhiều như y tế, giáo dục, công an thì nổi lên trông thấy. Nói hẹp vào ngành y, ngành y là ngành không thể lựa chọn sản phẩm như đi khám bệnh, mất bao nhiêu tiền cũng phải trả.

Theo tôi, nếu không đặt sức khỏe của người bệnh lên hàng đầu thì không nên làm nghề y. Trong lương tâm người thầy thuốc phải tự coi trọng điều này, vì không ai giám sát cả. Làm nghề y này rất dễ mắc khiếm khuyết, thậm chí dẫn đến tội ác. Hơn nghề nào hết, nghề y rất coi trọng sự tự giác nên trong ngành y mới có lời thề.

Xã hội có phê bình giới bác sĩ trẻ nhiều hơn, tôi không làm công tác thống kê nên tôi không dám bác bỏ ý kiến này nhưng cũng không nhấn mạnh hơn. Lớp trẻ vừa mới trưởng thành thì gặp lúc xã hội đi xuống nên nhiều em nghĩ rằng cứ kiếm được đồng tiền thì sẽ có phẩm chất hơn.

Nếu đánh giá rằng có của cải thì có phẩm chất, đây sẽ là cách đánh giá thấp nhất. Trong ngành y thì điều này càng quan trọng. Khi tới bệnh viên, tôi cũng có cảm giác phần nào về vấn đề nhưng không dám khẳng định. Y tế phải có những cơ chế để giúp đỡ lớp người trẻ tuổi chứ không nên chỉ kêu gọi.

Vũ Văn Việt - Hà Nội

Được biết đến với rất nhiều phát ngôn thẳng thật về vấn đề y đức, ông có bao giờ sợ mình bị "ghen ghét" chưa?

PGS.TS Trần Đáng

Bản thân tôi, nay đã nghỉ hưu, nghĩ lại cuộc đời công tác của mình trước đây ở quân đội cũng như sau này chuyển ra Bộ Y tế, tôi luôn tâm niệm là phải sống có tâm và làm việc với đúng chuyên môn, hết sức mình. Trong cuộc sống, luôn thẳng thắn, trung thực. Tôi không bao giờ sợ mình bị “ghen ghét” hoặc bị trù dập mặc dù thực tế tôi đã gặp phải như vậy. Cho nên đến bây giờ, tôi càng cảm thấy tâm hồn mình rất thanh thản. 

Phạm Hương Trà - Quảng Ninh

Nói y đức đã thủng đáy, theo ông liệu có bất công với ngành y hay không? 

Luật sư Đoàn Hữu Đủ

Nếu nói y đức đã thủng đáy thì tôi nghĩ cũng cần cân nhắc thêm. Vì đạo đức nghề nghiệp thì nghề nào cũng có, cần phải tăng cường giáo dục, nâng cao đạo đức nghề nghiệp.

 
Dương Thị Hà - TP Hồ Chí Minh

Thầy thuốc là nghề giúp đời, cứu người nhưng thực tế, nhiều năm qua, tính cao đẹp của nghề này đã không còn nguyên vẹn? Theo ông, những nguyên nhân nào khiến y đức trở thành vấn đề nóng như hiện nay?

GS Đặng Hanh Đệ

Phải nhìn nhận chung, đa số những người làm trong ngành y đều làm việc với lương tâm của mình nhưng có một số đã làm hoen ố danh giá của người làm ngành y. Vậy nguyên nhân gì  khiến người ta suy thoái đạo đức? Thực chất có nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu tôi cho là do nguyên nhân xã hội.

Trong xã hội Việt Nam hiện tại, tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức tràn lan không chỉ người lớn mà ngay cả những đứa trẻ đều nhận thấy thì ngành y cũng không thoát ra khỏi chuyện này.

Bên cạnh đó, phải nói thật, lương ngành y là ngành thấp nhất trong bảng lương. Nếu tôi  không nhầm thì trước đây lương ngành y đứng áp chót, trên ngành giáo dục. Trong khi các nước khác, nghề y và nghề giáo lại là hai ngành quan trọng nhất (lương quan trọng nhất). Chính vì vậy, đây cũng là một nguyên nhân góp phần suy thoái đạo đức.

Lê Vũ Hải Hà - Hà Nội

Thưa PGS, tôi được biết, trong các trường đào tạo về ngành y đều có bộ môn về đạo đức nghề y. Tuy nhiên, dường như những lý thuyết này chỉ là sáo rỗng, không thực tế. Ông nghĩ sao về nhận định này?

PGS.TS Trần Đáng

Chương trình đào tạo về đạo đức trong trường y tôi nghĩ là cần thiết nhưng những lý luận về đạo đức cần phải cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam và phải làm thế nào để mỗi sinh viên học tập có thể thấm nhuần vào đường gân thớ thịt để sau này trở thành bác sĩ vì dân, vì nước, tránh sáo rỗng và không thực tiễn. 

Tuấn Nam - Phú Thọ

Sự việc bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác bệnh nhân mấy ngày gần đây khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Theo ông, vấn đề có phải chỉ là y đức của bác sĩ hay không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Có lẽ ai nghe đầu tiên cũng phẫn nộ nhưng tôi cũng mong rằng đây chỉ là phản ứng ban đầu, sau phải nghĩ sâu hơn một chút. Vẫn là phẫn nộ nhưng ta sẽ tìm thấy nguyên nhân dẫn đến hành vi này.

Thứ nhất, bác sĩ này phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình nhưng nếu nhìn sâu xa hơn thì đây không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn phụ thuộc vào bối cảnh xã hội.

Bác sĩ Tường thứ nhất là kiếm tiền, kiếm tiền không chính đáng, xấu xa như tham nhũng đang phổ biến trong xã hội thì cách kiếm tiền của bác sĩ Tường lợi mình, hại người đang nằm trong bối cảnh chung.

Sự yếu kém về quản lý ngành y bởi những thủ thuật như thế này không nên tiến hành ở những cơ sở tư nhân như vậy.

Tâm lý xã hội: Người dân chưa tôn trọng chính sức khỏe của mình hoặc nhiều khi chưa tôn trọng phẩm chất của mình. Người bệnh nhân này chưa hiểu biết về y học, chưa quý thân thể của mình.

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC (Phần 1)
 
Phan Lạc Trung - Hà Tây

Thưa ông, thời gian qua, ngành y tế đã xảy ra quá nhiều sự cố, gây bức xúc và mất lòng tin trong nhân dân. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm những gì để khắc phục và ngăn chặn những sự cố này để người dân lại có thể yên tâm gửi gắm tính mạng và sức khỏe vào các y, bác sĩ?

Luật sư Đoàn Hữu Đủ

Ngành y tế trong thời gian vừa qua phải nói rằng với chức năng quản lý Nhà nước về ngành đã tiến hành rất nhiều việc, đã ban hành những văn bản, quyết định 2088 ban hành 12 điều về y đức cho cán bộ y tế. Năm 2001 đã ban hành quy chế về giao tiếp trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Năm 2008 ban hành quy tắc ứng xử cho viên chức y tế và năm 2009 ban hành quy tắc ứng xử cho công chức y tế. Năm 2013 đã ban hành chỉ thị về tăng cường đạo đức y tế và đã xây dựng các kế hoạch để triển khai những văn bản này. Như kế hoạch 1175, kế hoạch 508, kế hoạch 804, kế hoạch 1028 để triển khai thực hiện. Thực hiện kế hoạch này, Bộ Y tế đã tiến hành triển khai trước hết là tập huấn cho cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo trong ngành gồm 7 lớp vào năm 2009. Tiếp theo, năm 2013 đã tổ chức 11 lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp ứng xử nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho gần 6.000 cán bộ chủ chốt trong ngành gồm 1.000 bệnh viện công lập để về tập huấn lại cho toàn bộ viên chức của cơ quan đơn vị. Năm 2011 đã tổ chức một hội thi tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử cho khối bệnh viện. Đã có trên 900 bệnh viện tham gia hội thi này.

Hàng năm vào ngày 27/2, Bộ Y tế đều phát động thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử và quy chế dân chủ, đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng tiêu chí thi đua, tiêu chí kiểm tra giám sát. Ngành y tế kết hợp với công đoàn y tế Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết giữa bộ y tế với các Sở, các đơn vị trực thuộc Bộ về thực hiện các quy tắc ứng xử. Hàng năm, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị.

Với chức năng quản lý nhà nước về y tế, Bộ Y tế đã ban hành văn bản quy chuẩn về giao tiếp ứng xử và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua rất quyết liệt. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về thực hiện quy tắc ứng xử trong toàn ngành. Đồng thời tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt để các đơn vị tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho viên chức.

Ở các trường, sẽ mở các bộ môn giáo dục đạo đức nghề nghiệp y tế cho sinh viên, học sinh.

Nguyễn Quang Cường - Hà Nội

Thưa PGS.TS Trần Đáng, theo ông, căn bệnh nào nguy hiểm nhất đối với người thầy thuốc hiện nay?

PGS.TS Trần Đáng

Có 2 căn bệnh nguy hiểm đối với người thầy thuốc. Một là thiếu đạo đức, thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm đối với bệnh nhân. Hai là thiếu chuyên môn, tay nghề, không chịu học, không chịu đọc, chịu rèn luyện để trở thành thầy thuốc giỏi. Đó là 2 căn bệnh cơ bản nhất cần khắc phục.

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC (Phần 1)
 
Bùi Thị Mai Phương - Long Biên - Hà Nội

Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình khi nghe tin về vụ thẩm mỹ viện Cát Tường không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Đây là một tin mà riêng bản thân tôi rất bất ngờ, ở mức độ vượt quá tưởng tượng. Ngành y gần đây cũng có 1 số sai lầm nhưng Cát Tường là một hiện tượng vượt quá sai lầm thông thường. Chữa bệnh mà làm thiệt mạng bệnh nhân thì nhiều thầy thuốc cũng biết rằng đây không phải sai lầm của một vài người. Khuyết điểm về chuyên môn không đáng kinh ngạc nhưng cách hành xử như bác sĩ Tường thì không tưởng tượng được, cũng như nhân bản xét nghiệm của bệnh viện Hoài Đức.

Trần Đăng Hiệp, Hà Nội

Trong quá trình làm việc ở Ban chấp hành TƯ Đảng, bà đã gặp những trường hợp đáng nhớ nào về việc dân không hài lòng với y đức?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu

Tôi tham gia BCH TƯ Đảng từ năm 1996 đến 2006 nhưng chủ yếu công tác ở Quốc Hội khóa X, tôi là ủy viên UBTVQH phụ trách công tác dân nguyện và khóa XI, tôi làm Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hôi. Cả 2 cơ quan tôi phụ trách đều liên quan dến chuyện vui buồn, hoan hỷ hay bức xúc của người dân. Vui khi có chính sách mới mang lại quyền lợi cho dân, nhất là người nghèo, người có công. Vui khi nước ta đoàn kết cùng ngành y tế dập được dịch Sars, tích cực ngăn chặn dịch HIV cùng với nhiều thành tích trong y học như ghép gan, tách trẻ song sinh dính nhau…

Tuy nhiên không phải riêng tôi mà nhiều người cũng rất buồn khi gặp những trường hợp vi phạm về y đức. Làm bất cứ việc gì bên cạnh tài thì cần có đức. Bác Hồ đã dạy làm việc gì cũng phải có đức, có tài, người có tài mà thiếu đức trở thành người ác, ngược lại có đức mà thiếu tài là người dốt, cả hai đều vô dụng. Người dân không hài lòng về y đức thì trong quá trình tiếp xúc cử tri hay qua đơn thư phản ánh thì rất nhiều tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng quy vào y đức.

Nhiều người khi vào bệnh viện chứng kiến thái độ thiếu niềm nở của người thấy thuốc thì cho đó là thiếu y đức, theo tôi không hẳn là như vậy, biết đâu lúc đó người thầy thuốc đang có nỗi khổ riêng làm ảnh hưởng dến công việc mà ta chưa biết. Cho nên giữa bệnh nhân và thầy thuốc cần có sự hợp tác chia sẻ, cảm thông cho nhau.

Tuy nhiên xã hội cần lên án mạnh mẽ nạn “phong bì” đang tồn tại hiện nay. Thầy thuốc được hưởng lương, bệnh nhân phải trả tiền dịch vụ viện phí hay thông qua BHYT. Thầy thuốc không được vòi vĩnh, hay “móc” bệnh nhân ra phòng khám của mình hay gây khó khăn cho bệnh nhân với bất cứ lý do nào. Vi phạm những điều đó là vi phạm y đức. Có thể cứu sống được mà không cứu là thất đức…

Làm việc gì cũng cần có đạo đức nhưng chỉ có ngành y gọi là y đức vì nó trực tiếp quyết định đến sự sống của con người. Nếu ai thấy mình thiếu y đức thì xin đừng học và đừng làm ngành y, để cho ngành y được thanh cao, bệnh viện là nơi cứu người.

Phạm Văn Quy - Đào Tấn - Hà Nội

Thưa PGS.TS Trần Đáng, nếu so sánh vấn đề nhức nhối của y tế và giáo dục thì cái nào nguy hiểm, cần gấp rút sửa chữa hơn?

PGS.TS Trần Đáng

Theo tôi, vấn đề giáo dục là quan trọng, là cơ sở của mọi vấn đề. Nếu sự giáo dục không đầy đủ hoặc lệch lạc thì sẽ dẫn tới vấn đề y đức. Cho nên vấn đề giáo dục cần gấp rút sửa chữa hơn.

Ngô Thị Thúy Anh (giáo viên) - Đông Anh - Hà Nội

Thưa ông, ông có nghĩ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phải chịu nhiều áp lực không?

PGS.TS Trần Đáng

Tôi cũng nghĩ rằng, bà Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay chịu rất nhiều áp lực vì thực tế vấn đề y tế đang rất nhiều sóng gió. Cụ thể như vấn đề đầu tư vào ngành y tế, vấn đề ngộ độc thực phẩm, tổ chức y tế, cơ sở chính sách bảo hiểm…

Đó là những vấn đề nhạy cảm không thể tránh khỏi sự cố xảy ra. Người đứng đầu ngành y tế càng chịu nhiều áp lực đặc biệt trong khi người dân chưa hiểu hết được những khó khăn mà ngành y tế đang phải gặp phải.

Phan Kim Hiền - Hà Nội

Thưa GS, là người cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu người, ông có đau lòng trước sự xuống cấp y đức của 1 bộ phận y, bác sĩ hiện nay?

GS Đặng Hanh Đệ

Phải nói là trong tình cảnh hiện nay, xã hội suy thoái thì không chỉ ngành y mà các ngành khác đều hết sức đau lòng. Tuy nhiên, vì ngành  y là ngành có liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con  người nên nó rất dễ gây sự xúc động với mọi người.

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: HIẾN KẾ NGĂN CHẶN SUY GIẢM Y ĐỨC (Phần 1)
 
Lê Bá Trọng - Hà Nội

Thưa ông, bây giờ liệu đã đến lúc phải thay đổi tôn chỉ của nghề y là "lương y như từ mẫu" bằng một cụm từ khác phù hợp hơn, đúng bản chất hơn?

PGS.TS Trần Đáng

Đề xuất thay đổi tôn chỉ của câu nói “lương y như từ mẫu” là một sự điên rồ. Đây là lời dạy không chỉ của Bác Hồ mà từ xa xưa, các cụ cũng đã dạy như vậy. Người thầy thuốc trước hết phải là người mẹ hiền.

Bùi Ngọc Thiện - Nam Hà

Ở các nước phát triển, thu nhập của các bác sĩ là tương đối cao, và đó là thu nhập hoàn toàn minh bạch. Còn ở Việt Nam, thu nhập được coi là minh bạch của bác sĩ (như tiền lương) lại khá thấp. Giáo sư có cho rằng đồng tiền là yếu tố quyết định sự tồn vong của y đức? Và bác sĩ phương Tây dễ “giữ mình” hơn vì họ được trả lương cao hơn? 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Nếu tính bằng đơn vị tiền tệ tuyệt đối (như USD chẳng hạn) thì thu nhập của bác sĩ ở nước ngoài tương đối rộng rãi (chứ không phải cao như nhiều người nghĩ) so với đồng nghiệp ở Việt Nam. Nhưng nếu tính tương đối và điều chỉnh cho chi phí và điều kiện kinh tế địa phương thì tôi nghĩ sự khác biệt giữa hai nhóm không cao như nhiều người tưởng.

Nhiều người than phiền rằng lương bác sĩ Việt Nam quá thấp và tôi cũng thấy như thế.  Thật ra, tôi có lần nói rằng chưa có nơi nào trên thế giới có những qui định về đồng lương cho bác sĩ kì quặc như ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy ở các thành phố lớn, bác sĩ ở Việt Nam giàu hơn bác sĩ nước ngoài và đó là một thực tế. Có thể ghé qua những bệnh viện như Bạch Mai, chúng ta sẽ thấy bác sĩ ở đó giàu như thế nào và họ cũng thường hay đi nước ngoài.  Do đó, trong thực tế một bộ phận bác sĩ ở Việt Nam không hề nghèo như nhiều người than phiền.

Theo tôi thấy thu nhập thấp có thể làm cho người thầy thuốc nhắm mắt làm lơ các qui chuẩn về y đức, nhưng đồng tiền chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất chi phối đến y đức. Tôi biết nhiều bác sĩ ở Việt Nam tuy thu nhập không cao và cũng chẳng có xe hơi, nhưng họ không hề làm gì đi ngược lại lời thề Hippocrate và vi phạm y đức. Vẫn còn nhiều người thầy thuốc “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Do đó, tôi nghĩ không phải đồng tiền, mà là cái tâm nó chi phối đến y đức.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại