"Thầy thuốc hãy nói: Nghề tôi cao quý, xin đừng đưa tiền"

Ban biên tập |

(Soha.vn) - Bà Nguyễn Thị Hoài Thu đã có những chia sẻ chân thành và thẳng thắn về vấn đề y đức tại Việt Nam hiện nay trong buổi giao lưu trực tuyến với báo điện tử Trí thức trẻ.

Dưới đây là phần trả lời độc giả báo điện tử Trí thức trẻ của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân nguyện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề y đức hiện nay:

- Trong quá trình làm việc ở Ban chấp hành TƯ Đảng, bà đã gặp những trường hợp đáng nhớ nào về việc dân không hài lòng với y đức?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Tôi tham gia BCH TƯ Đảng từ năm 1996 đến 2006 nhưng chủ yếu công tác ở Quốc Hội khóa X, tôi là ủy viên UBTVQH phụ trách công tác dân nguyện và khóa XI, tôi làm Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hôi. Cả 2 cơ quan tôi phụ trách đều liên quan dến chuyện vui buồn, hoan hỷ hay bức xúc của người dân. Vui khi có chính sách mới mang lại quyền lợi cho dân, nhất là người nghèo, người có công. Vui khi nước ta đoàn kết cùng ngành y tế dập được dịch Sars, tích cực ngăn chặn dịch HIV cùng với nhiều thành tích trong y học như ghép gan, tách trẻ song sinh dính nhau…

	Bà Nguyễn Thị Hoài Thu.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu.

Tuy nhiên không phải riêng tôi mà nhiều người cũng rất buồn khi gặp những trường hợp vi phạm về y đức. Làm bất cứ việc gì bên cạnh tài thì cần có đức. Bác Hồ đã dạy làm việc gì cũng phải có đức, có tài, người có tài mà thiếu đức trở thành người ác, ngược lại có đức mà thiếu tài là người dốt, cả hai đều vô dụng. Người dân không hài lòng về y đức thì trong quá trình tiếp xúc cử tri hay qua đơn thư phản ánh thì rất nhiều tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng quy vào y đức.

Nhiều người khi vào bệnh viện chứng kiến thái độ thiếu niềm nở của người thấy thuốc thì cho đó là thiếu y đức, theo tôi không hẳn là như vậy, biết đâu lúc đó người thầy thuốc đang có nỗi khổ riêng làm ảnh hưởng đến công việc mà ta chưa biết. Cho nên giữa bệnh nhân và thầy thuốc cần có sự hợp tác chia sẻ, cảm thông cho nhau.

Tuy nhiên xã hội cần lên án mạnh mẽ nạn “phong bì” đang tồn tại hiện nay. Thầy thuốc được hưởng lương, bệnh nhân phải trả tiền dịch vụ viện phí hay thông qua BHYT. Thầy thuốc không được vòi vĩnh, hay “móc” bệnh nhân ra phòng khám của mình hay gây khó khăn cho bệnh nhân với bất cứ lý do nào. Vi phạm những điều đó là vi phạm y đức. Có thể cứu sống được mà không cứu là thất đức…

Làm việc gì cũng cần có đạo đức nhưng chỉ có ngành y gọi là y đức vì nó trực tiếp quyết định đến sự sống của con người. Nếu ai thấy mình thiếu y đức thì xin đừng học và đừng làm ngành y, để cho ngành y được thanh cao, bệnh viện là nơi cứu người.

- Theo bà, ngành y cần 1 "tư lệnh" như thế nào để “dẹp loạn” được tất thảy nạn phong bì ngầm, phòng khám "chui"?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An thường gọi các bộ trưởng là “tư lệnh lĩnh vực”. Đúng như vậy trong lĩnh vực chiến đấu, vai trò tư lệnh là cực kỳ quan trọng, Bộ trưởng Bộ Y tế là tư lệnh của ngành y hay nói đúng hơn là người chỉ huy trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, là tham mưu trưởng giúp Quốc hội ban hành luật, giúp chính phủ ban hành chính sách thực hiện việc quản lý nhà nước về y tế. Ngành y nước ta đã trải qua nhiều vị “tư lệnh”, mỗi người, mỗi nhiệm kỳ lại có ưu, khuyết điểm khác nhau, chỉ có công việc là luôn luôn liên tục.

Bất kỳ nghị quyết nào đưa ra cũng với mục đích phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên có phát huy tốt không, khắc phục được không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh khách quan và yếu tố chủ quan của người lãnh đạo. Trước nạn phong bì, phong bao ngầm, phòng khám "chui" hiện nay chắc không ai dám vỗ ngực xưng tên là “tôi sẽ dẹp được”. Tôi tin là như vậy! Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ đã từng ra lệnh chấm dứt dùng ngân sách nhà nước để mua quà biếu vào dịp lễ tết, Bộ GD&ĐT cũng dang cấm dạy thêm. Vậy những việc đó đã hết chưa?

Tôi không hề có ý bào chữa cho nạn phong bì và tôi cũng chưa bao giờ đưa phong bì có tiền cho thầy thuốc chữa bệnh cho tôi và thân nhân.

Tuy nhiên tôi có nghe và đã thấy nạn có phong bì thì tiêm thuốc ít đau hơn, giường chiếu sạch hơn… Vậy muốn dẹp được thì cần phải có sự đồng tâm hiệp lực của toàn ngành y tế và cả xã hội chứ một mình tư lệnh không thể làm được. Bản thân người thầy thuốc khi thấy thân nhân, bệnh nhân đưa phong bì phải có bản lĩnh từ chối, gạt bỏ sự thèm muốn. Thầy thuốc hãy nói với bệnh nhân là nghề tôi làm là nghề cao quý, xin đừng đưa phong bì trước hoặc sau. Xin hãy làm vậy đi! Từ đó làm cho y đức sẽ lan tỏa, sự tin yêu, cảm mếm thầy thuốc sẽ quay trở lại. Đừng để con sâu làm giàu nồi canh, bắt được quả tang thì cương quyết xử lý theo pháp luật.

- Chính thức thì tôi chưa đọc báo nào đưa tin Bộ trưởng Tiến nói "Tôi xin lỗi gia đình chị Huyền". Có phải vì bà Tiến không cần nói câu xin lỗi tới người đã khuất và gia đình họ? (Bùi Thanh Thảo, tp Ninh Bình)?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Khi nghe thông tin về việc bác sĩ Tường, một thẩm mỹ làm bệnh nhân tử vong mà đem xác ném xuống sông Hồng, bản thân tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam nghe tin đó như sét đánh ngang tai. Cảm xúc thì nhiều cung bậc khác nhau nhưng chung quy lại là không thể tưởng tượng và không dám hình dung một bác sĩ lại làm việc đó. Cho dù một cơ sở thẩm mỹ có giấy phép đàng hoàng vẫn có thể có rủi do nhưng nếu người bác sĩ hay kỹ thuật viện có lương tâm thì không ai xử sự như vậy cả. Hoặc như vụ cả mẹ và con tử vong bất thường trong bệnh viện, tiêm chủng làm trẻ tử vong…liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây gây bức xúc trong dư luận và cả giới y học trong nước.

Theo tôi những việc đó đã xảy ra cho dù có ngàn lời xin lỗi hay vạn lời chia buồn cũng chỉ là an ủi. Tục ngữ Việt Nam có câu “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”. Hơn lúc nào hết, trong lúc này mọi người hãy bình tĩnh, đừng đổ lỗi cho nhau, tự mỗi người có liên quan, mỗi ngành, mỗi cấp  tự nhận trách nhiệm trong phần việc, vai trò của mình. Tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Hiện nay tuy chưa kiên cố nhưng “chuồng” đã có, đó là hệ thống pháp luật, tại ta sơ hở không làm đến nơi đến chốn, thiếu kiểm tra chứ cơ sở thẩm mỹ chui ngay trước mắt chứ đâu phải ở vùng sâu vùng xa.

- Thưa bà, theo bà vụ việc bác sỹ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân xuống sông có phải là đỉnh điểm của sự tha hóa về y đức không? Tôi đã từng nghe có người làm trong ngành y nói rằng vì chế độ đãi ngộ chưa tốt trong khi áp lực và trách nhiệm của công việc này quá lớn nên cái tâm giành cho nghề cũng giảm dần. Bà nhận định thế nào về ý kiến này?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Bất cứ hoàn cảnh và vị trí nào người thầy thuốc cũng phải rèn luyện mình như “mẹ hiền”. Lời dạy của Bác Hồ tuy đơn sơ nhưng vô cùng thâm thúy. Đây là phương châm hành động của thầy thuốc chứ không phải là khẩu hiệu treo tường. Lịch sử đã chứng kiến bao danh y khi qua đời còn để lại tiếng thơm cho đời sau.

Đành rằng hiện nay có một số thầy thuốc có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lấy việc được nhiều tiền làm mục tiêu, làm lẽ sống nhưng xin đừng xem như y đức suy thoái hết rồi. Không riêng gì y đức mà một số lĩnh vực khác cũng suy thoái như bạo hành trong gia đình, tệ nạn xã hội, cướp bóc làm người dân bức xúc. Để giải quyết vấn nạn trên, trước hết Quốc hội, Chính phủ cần rà soát lại hệ thống pháp luât xem đã đủ răn đe, ngăn chặn hành vi vô đạo đức hay chưa? Nếu đủ luật rồi thì xem xét cách thực hiện tới đâu? Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai? Đã được xác định chưa?

Đối với ngành y tế cần rà soát lại xem chế độ với thầy thuốc như hiện nay đã đủ chưa? Còn phù hợp không? Như lương, thưởng, trực, độc hại… Đừng để công chức viện chức sống không cần lương vì đồng lương ốm đói, phải tranh thủ kiếm tiền để lo cho gia đình, con cái. Thầy thuốc cũng là con người, đã là người thì không thể sống bằng không khí và nước lã. Phải cho họ cái ăn tử tế thì họ mới làm được iệc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại