Ám ảnh chuyện mẹ tự vẫn lấy tiền phúng viếng cho 3 con ăn học

Cách đây hơn một năm, khi lâm vào hoàn cảnh đường cùng, chị Nh. đã quyết định tìm tới cái chết, với suy nghĩ gia đình sẽ có chút tiền phúng viếng.

Sự việc xảy ra đột ngột, làm anh B. và ba người con của chị lâm vào cảnh tang tóc, túng quẫn tưởng như không sao tìm được lối thoát. Nhớ lại những ký ức đau thương, anh B.- chồng chị Nh. cho biết, mọi việc vẫn như mới chỉ ngày hôm qua, nỗi đau dường như cũng vẫn còn hiện hữu.

Tự vẫn để mong... có tiền

Đó là câu chuyện đau lòng của gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nh. (40 tuổi) và chồng là anh Đinh Hoài B. (49 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) một năm về trước. Khi đó, do hoàn cảnh túng thiếu, nợ nần chồng chất, không có tiền của trang trải cho những người con trong nhà ăn học, chị Nh. quyết định tìm đến cái chết, để mong giảm gánh nặng cho chồng con. Cái chết ấy càng thêm đau xót, khi người ta phát hiện ra lá thư tuyệt mệnh của chị, với mong muốn dùng tiền phúng viếng chính mạng sống của mình để cho ba đứa con trai học tập.

Tìm về gia đình này, chúng tôi được trò chuyện với anh B. và một người con trai của họ. Nhớ lại những ký ức đau thương, anh B. cho biết, mọi việc vẫn như mới chỉ ngày hôm qua, nỗi đau dường như cũng vẫn còn hiện hữu. Phải mất một quãng thời gian suy tư im lặng, người đàn ông này mới từ từ nhớ lại và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện buồn ngày đó.

"Tôi còn nhớ đó là ngày 24/4/2013, vợ tôi bất ngờ treo cổ tự vẫn tại nhà. Trước đó, nhiều lần tôi đã nghe cô ấy bảo sẽ tìm đến cái chết để giảm gánh nặng cho tôi và các con, nhưng tôi không dám tin là chuyện đó sẽ là sự thật", anh B. ngậm ngùi.

Anh B. kể câu chuyện gia đình mình.

Anh B. kể lại, hồi ấy gia đình anh rất khó khăn, lại có ba con trai trong độ tuổi ăn học nên hai vợ chồng phải quần quật làm lụng đủ nghề, không dám mong giàu sang, chỉ mong đủ tiền lo cho tương lai các con nhưng vẫn túng thiếu. Khó khăn càng chồng chất khi chị Nh. liên tục đổ bệnh. Mình anh B. làm chỉ đủ tiền thuốc thang, chữa chạy cho vợ qua ngày. Từ đó, việc học hành của các con bị ảnh hưởng do thiếu tiền, những sinh hoạt trong nhà cũng thiếu thốn. Nhiều lần, chị Nh. bỏ mặc bản thân đang bệnh để đi làm, nhưng cũng không sao vực dậy kinh tế gia đình.

Túng quẫn hóa làm liều, chị xoay sở đủ đường để mong có tiền, từ vay mượn hàng xóm xung quanh tới việc xin hỗ trợ của địa phương và thậm chí là tìm người bán luôn ngôi nhà, mảnh đất gia đình đang cư ngụ. Nhưng dù chị Nh. có cố gắng bao nhiêu cách, cái cảnh nghèo khó vẫn đeo bám gia đình chị Nh.. Thế là ý nghĩ muốn quyên sinh xuất hiện trong đầu người phụ nữ khốn khó này. "Trước đó nhiều lần chị Nh. đã nói, mình sẽ chết nếu không khắc phục được kinh tế gia đình. Chúng tôi tuy thương lắm nhưng cũng không thể làm gì được vì hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn là bao", một hàng xóm của gia đình anh B. kể.

Thế rồi sự việc chị Nh. tự vẫn gây xôn xao khắp quanh ấp 5, khiến nhiều người bàng hoàng. Chỉ vì túng thiếu không tìm được lối thoát, người vợ, người mẹ này đã dùng chính sinh mạng của mình để mong có ít tiền cho chồng con sinh hoạt và ăn học. Cái ngày cuối tháng Tư năm 2013, quanh căn nhà xập xệ nhỏ bé có tới hàng trăm người dân địa phương tới tiễn đưa chị Nh. trong thương tiếc. Ai cũng cảm thương và xót xa cho người phụ nữ đảm đang nhưng bạc phận.

Lá lành đùm lá rách

Sau khi chị Nh. mất, chừng một tháng anh B. không may bị tai nạn giao thông trong lúc đi đường, phải nhập viện với vết thương nặng vùng đầu. Gia cảnh vợ mới mất, tiền bạc không có bao nhiêu, tưởng chừng như anh và các con mình hoàn toàn gục ngã trước số phận. Thật may mắn, do có những loạt bài báo đưa tin trước đó mà nhiều nhà hảo tâm có lòng đã giúp đỡ anh B. trong suốt quá trình điều trị. Không những vậy, hàng xóm xung quanh và chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho gia đình anh vươn lên trong cuộc sống.

Ngôi nhà của cha con anh B. do mọi người quyên góp xây dựng.

"Lần ấy tôi tưởng mình chỉ còn nước nằm chờ chết mà thôi vì không có tiền, vết thương thì quá nặng. Thật may sau đó có người tốt tới giúp, tôi mới được cứu sống", anh B. nghẹn ngào tâm sự. Thương xót hoàn cảnh anh B. mất vợ, cảnh gà trống nuôi con, không chỉ những người trong địa phương mà nhiều người từ nơi xa, các doanh nghiệp trên địa bàn khi nghe câu chuyện cũng tìm về để mong chia sẻ, giúp đỡ. Một số hàng xóm cạnh bên còn cho mượn mảnh đất, để giúp anh B. có nơi trồng cây, nuôi tôm, kiếm thêm thu nhập. Tấm lòng của mọi người là nguồn động viên rất lớn cho gia đình anh trong cơn bĩ cực.

Và giờ đây, chỉ sau một năm, khi quay lại thăm anh B. và những người con, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước căn nhà ba gian với tiện nghi tương đối đầy đủ. Tâm sự về những thay đổi ấy, anh B. cho biết, đó hoàn toàn là sự quyên góp của láng giềng và các nhà "Mạnh Thường Quân" khi nghe về sự việc đau buồn của gia đình anh. "Sau khi tôi từ bệnh viện trở về, đã có nhiều người tốt tới thăm hỏi động viên, giúp đỡ chúng tôi bằng tiền của, vật chất. Cùng với đó là cố gắng trong công việc, của mấy cha con. Nay chúng tôi đã dựng được nhà, sắm một số vật dụng sinh hoạt. Tôi biết ơn mọi người nhưng tôi không nguôi ngoai được vì nghĩ đến cảnh vợ tôi phải quyên sinh vì chồng con" - anh B tâm sự.

Tới nay, hy vọng về cuộc sống đang nhen nhóm trở lại trong căn nhà của anh B.. Ngày trước, từ chỗ thiếu ăn, nợ nần chồng chất thì nay anh B. và các con đã phần nào trả được nợ, có được nơi ở ổn định. Không phụ mong ước trước lúc quá cố của chị Nh., anh B. luôn cố gắng làm việc để có thể nuôi dưỡng các con ăn học. Kết quả của những cố gắng ấy, là bảng thành tích học tập tốt của cả ba đứa con. Tuy sinh ra trong bất hạnh, nghèo khó, nhưng các em luôn biết vươn mình phấn đấu, đạt thành tích cao. Được biết cả ba em đều có lực học tiên tiến, trong đó người con đầu của họ, năm nay đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học.

Chia sẻ với chúng tôi, anh B. cho hay hiện tại cuộc sống của gia đình vẫn còn eo hẹp, vì chủ yếu dựa vào đồng lương phụ hồ của anh. Khi anh không có việc thì hầu như không có thêm thu nhập nào khác. Tuy nhiên, để không phụ lòng người vợ đã khuất và nhất là không muốn nhìn thấy cảnh các con thất học như cha mẹ, anh sẽ tìm mọi cách cho các con có điều kiện học tập. "Con đầu của tôi sắp ra trường rồi, đứa thứ hai năm nay vừa thi xong, còn đứa út đang học lớp 10. Sau này tôi chỉ mong các cháu có công việc ổn định, thoát khỏi cảnh sống bần hàn là vui rồi", anh B. tâm sự.

Những tấm lòng vàng

Ông Phạm Thanh Tươi (trưởng ấp 5) cho hay, hiện tại trong cuộc sống, gia đình của anh B. cơ bản đã thoát nghèo, cuộc sống cũng ổn hơn trước. Có được điều này cũng nhờ các cơ quan địa phương, những nhà hảo tâm đã có lòng, quan tâm giúp đỡ để anh B. và các con mình vươn lên khỏi gian khó. Trong tương lai, địa phương vẫn sẽ quan tâm, giúp đỡ về mọi mặt để gia đình anh ổn định cuộc sống.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại