Ai dám chắc không có tham nhũng, bớt xén khi đầu tư cho Asaid 18?

"Với tình hình tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đầu tư đang lớn như thế này thì ai dám đảm bảo rằng số tiền này không bị bớt xén, tham nhũng", ông Lê Đăng Doanh nói.

Thêm vào đó, ngay cả phương án huy động vốn từ ngân sách địa phương và từ nguồn xã hội hóa cho đăng cai Asaid 18 được TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho là xa vời.

- Bộ VH-TT&DL ước tính số tiền để đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ Asiad 18 sẽ vượt số vốn dự kiến ban đầu là 150 triệu đô la, có thể lên tới 300 triệu hoặc 500 triệu đô la Mỹ. Điều này có phù hợp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay hay không thưa ông?

- TS.Lê Đăng Doanh: Số tiền thực tế cần thiết là bao nhiêu để đăng cai Asiad 18 tới nay vẫn chưa rõ ràng, việc Bộ VH-TT&DL đưa ra con số 150 triệu đô la rồi sau đó nói rằng có những khoản nhờ vào ngân sách địa phương, có khoản dựa vào huy động vốn từ xã hội hóa… cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, không có sự chuẩn bị một cách bài bản của cơ quan này. Trình ra một việc lớn mà lại không có tính chuyên nghiệp, chuẩn bị cẩn thận, không có một bản giám định độc lập rồi đưa ra xin đăng cai. Thậm chí tới giờ Thủ tướng Chính phủ cũng còn không rõ, không được báo cáo cụ thể như thế nào thì không hiểu trách nhiệm trong công việc chung của bộ là ở đâu.

Thêm nữa, tôi tin rằng 150 triệu đô la, hay đội lên là 300 triệu hay thậm chí nếu con số này lên tới 500 triệu đô la đi chăng nữa thì cũng không đủ. Tôi nghi ngại rằng nếu triển khai vào thực tế thì chi phí để đăng cai Asiad sẽ còn lớn hơn nữa, đặc biệt với tình hình tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đầu tư đang lớn như thế này thì ai dám đảm bảo rằng số tiền ấy sẽ không bị bớt xén, tham nhũng?

Thứ 3, tình hình kinh tế đang khó khăn, nợ công đang tăng lên, đang phải cải tổ DNNN, ngân hàng, nợ xấu chưa giải quyết được… còn có bao nhiêu vấn đề tồn tại, khó khăn của nền kinh tế cần kíp giải quyết hơn, tại sao lại phải đổ tiền vào một sự kiện thể thao mà chưa biết rõ và đo lường được lợi ích kinh tế đem lại như thế nào.

Tôi cho rằng, cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng, có trách nhiệm cao nhất đối với việc này, không thể làm theo kiểm à uôm, qua loa và thiếu trách nhiệm như vậy được. Theo tôi trong tình hình khó khăn hiện nay với tính hiệu quả không rõ ràng thì cách tốt nhất là xin rút lui đăng cai Asiad 18.

Tôi thấy rất phiền lòng tại sao có thể làm công việc thiếu tính chuyên nghiệp như vậy, đệ trình xin đăng cai một sự kiện lớn của quốc gia mà trong cách làm thì thể hiện sự tắc trách, không rõ đầu cuối gì hết. Tại sao có thể làm một việc như thế được?

Rõ ràng trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này là rất lớn, làm thiếu tính chuyên nghiệp không tham khảo ý kiến một cách nghiêm túc nếu không muốn nói là làm hết sức mạo hiểm. Nói một cách nặng nề là “rất mạo hiểm”, không xem xét trên cục diện lớn.

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng CIEM

- Việc một quốc gia nào đó cố đăng cai một sự kiện thể thao quốc tế lớn với kỳ vọng nâng tầm hình ảnh quốc gia, nhưng rồi sau đó đành “ngậm đắng nuốt cay” vì “ôm” một đống nợ “khủng” được nhìn nhận thế nào, thưa ông?

- Trên thế giới có nhiều trường hợp đã phải chịu món nợ lớn sau khi tổ chức sự kiện thể thao lớn, như Hy Lạp, Canada…. “Tấm gương” thấy rõ nhất và gần nhất là Hy Lạp lâm vào nợ nần trầm trọng khi đã chi hào phóng cho Olympic Athens 2004. Hiện giờ quốc gia này vẫn đang “chìm” trong khủng hoảng và phải cầu viện sự cứu trợ từ nước ngoài để cầm cự. Và cũng còn rất lâu nữa Hy Lạp mới có thể vực dậy được nền kinh tế.

- Ông vừa đề cập tới câu chuyện nợ công. Nợ công của Việt Nam đang dâng cao, tới 55,7%/GDP, nếu vay một số tiền lớn để “đổ” vào Asiad thì gánh nặng nợ công sẽ ra sao?

- Đúng là bây giờ nợ công của Việt Nam đang rất lớn và tăng nhanh. Như con số Bộ Tài chính dẫn tới cuối năm 2013 nợ công Việt Nam khoảng 55,7% GDP, song đây cũng vẫn là con số chưa đủ. Bởi nếu cộng thêm phần nợ của DNNN thì con số nợ công còn cao hơn nhiều. Theo ước tính của tôi, nợ công Việt Nam hiện xấp xỉ 106% GDP, vượt xa so với ngưỡng nợ công 65% GDP được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020. Tình hình nợ công sẽ càng nguy hiểm nếu vay mới để trả nợ cũ và vay chi cho tiêu dùng, bởi những khoản vay này không sinh lời để trả nợ.

Quyết định đầu tư vào đâu, làm gì thì cũng phải rất thận trọng với nợ công. Với tốc độ tăng nợ công thời gian gần đây lên rất nhanh, tăng rất nhiều so với tốc độ tăng GDP, kéo theo tỷ lệ trả nợ chiếm tỷ trọng rất lớn so với kim ngạch xuất khẩu vì chỉ có xuất khẩu mới thu được ngoại tệ để trả nợ.

Bây giờ nợ công đã tăng cao và chiếm tỷ lệ cao như vậy rồi thì phải rất thận trọng, không để con cháu rồi có khi đến cả đời chắt phải “gánh” trả nợ.

- Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đề xuất số tiền đầu tư đăng cai Asaid 18 có thể huy động vốn từ ngân sách địa phương, từ nguồn xã hội hóa. Giải pháp này có khả thi thưa ông?

- Nói xã hội hóa mà chỉ nói khơi khơi rồi không kèm theo phương án cụ thể, huy động từ đâu, như thế nào thì cho thấy kế hoạch đưa lên chỉ là lời nói, còn thực tế chẳng có gì. Đáng lý khi triển khai bất kỳ dự án nào thì phải đảm bảo tính chắc chắn và khả thi của dự án đó nếu áp dụng vào thực tế, chứ không thể nào mời cả làng tới chứng kiến rồi bảo đấy trên trời đang có mấy con vịt trời đấy, thì chả ra làm sao cả. Anh không thể nào bắt đầu trận đánh bằng cách mượn công anh này, anh kia được.

Rồi lại nói tới chuyện ngân sách Nhà nước khó khăn thì huy động từ ngân sách địa phương, thử hỏi ngân sách địa phương cũng đang rất khó khăn họ còn đang xoay chẳng đủ cho những chi tiêu ở địa phương thì làm sao họ có thể rót cho những khoản chi phát sinh đột xuất, không nằm trong kế hoạch như vậy.

Chưa kể, ngân sách địa phương không là từ ngân sách Nhà nước, không phải tiền đóng thuế của dân hay sao?

Giả sử có thể huy động vốn từ địa phương hay xã hội hóa thì cũng phải có dánh sách, cam kết rõ ràng địa phương nào đầu tư gì, số tiền cụ thể ra sao, chứ cứ nói chung chung để cho xong chuyện là không được. Tôi cho là giải pháp này cũng rất khó, xa vời.

- Không phải lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đại hội thể thao mang tầm quốc tế, đơn cử năm 2003 chúng ta đã đầu tư số tiền rất lớn vào xây dựng các hạng mục phục vụ Sea Games 22, rồi sau này phần lớn trong số các hạng mục cơ sở hạ tầng đều đắp chiếu, hoặc thay đổi công năng sử dụng… Bài học này chắc các nhà tổ chức thể thao vẫn nhớ, thưa ông?

- Dĩ nhiên, bài học từ Sea Games 22 vẫn còn đấy và chúng ta không nên lặp lại sai lầm này thêm một lần nào nữa. Bài học từ lần tổ chức SEA Games 22 vẫn còn đó Việt Nam đã bội chi gấp 3 lần dự toán, mà đến này hệ thống sân bãi, cơ sở hạ tầng từ lần xây đó đang nằm mốc meo đón mưa đón gió!

Việc bỏ đăng cai Asiad 18 có thể là một quyết định đau xót nhưng theo tôi trong trường hợp này chúng ta nên làm, chứ không nên cho rằng được đồng ý tổ chức rồi thì phải cố “nhồi” làm cho bằng được.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại