Agribank ưu tiên người nhà: Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lên tiếng

Hà Khê |

"Để nó trở thành một quy định và công khai như thế trong một cuộc thi tuyển là điều không hay lắm. Nói cách khác là không ổn", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nói.

Không bình đẳng trong tuyển dụng

Ưu tiên con em trong ngành không còn là câu chuyện mới và lạ trong công tác tuyển dụng ở nước ta thời gian qua. Tuy nhiên, việc công khai hóa và biến nó thành một quy định lại là câu chuyện khác.

Thế nên, khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) công khai quy định tuyển dụng năm 2015, ưu tiên người nhà lên tới 30% số điểm, khiến câu chuyện bất bình đẳng trong tuyển dụng trở nên nóng "hầm hập".

Có thể nói, ngân hàng vốn là ngành hấp dẫn đối với nhiều người, nên khi Agribank ưu ái cho con dâu, con rể, con đẻ và con nuôi trong tuyển dụng thì nhiều người khá bức xúc lẫn bất ngờ.

Trao đổi với PV, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, công khai hóa những quy định kiểu ưu tiên như thế chính là rào cản lớn nhất trong việc tạo cơ hội cho con em "dân thường", ngoài ngành vào làm việc.

Là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn lẫn quản lý trong lĩnh vực tổ chức nhân sự, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chuyện ưu tiên con em trong ngành vốn có từ xưa.

Không chỉ Agribank mà nhiều ngành, doanh nghiệp nhà nước khác cũng đã từng thực hiện điều đó.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc.

Đây không phải vấn đề mới, tuy nhiên, theo ông Thang Văn Phúc thì:ể nó trở thành một quy định và công khai như thế trong một cuộc thi tuyển là điều không hay lắm. Nói cách khác là không ổn.

Điều này sẽ tạo ra những rào cản đối với con em của những người ngoài ngành, con em nông dân".

Theo ông Phúc, việc tuyển dụng ở bất kỳ ngành, nghề nào thì cũng phải đặt vấn đề bình đẳng cho ứng viên lên hàng đầu. Nếu có sự ưu ái, thiên vị nào đó thì vừa mất tính khách quan lại mất đi sự bình đẳng, động lực.

"Tôi nghĩ, trong việc tuyển dụng phải cố gắng cao nhất ở việc tạo ra sự bình đẳng về cơ hội của ứng viên tham gia", nguyên Thứ trưởng phân tích.

Khi tuyển dụng, đơn vị tuyển dụng có những quyền và yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của họ, nhưng bên cạnh đó, ứng viên cũng có quyền yêu cầu về sự bình đẳng. Yêu cầu đó của ứng viên là chính đáng và cần được đáp ứng.

Chính vì thế, vị này cho rằng, cách làm như Agribank về việc quy định ưu tiên 30% điểm cho "người nhà" là không phải và không tạo ra sự bình đẳng trong việc tuyển dụng.

Tiến tới bãi bỏ chỉ tiêu ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành

Ông Phúc lý giải, việc một số ngành vẫn giữ thói quen ưu tiên con em trong ngành khi tuyển dụng bởi nó cũng có một số điểm tích cực nhất định.

Điều này có thể khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, bản thân những con em trong ngành cũng quen với môi trường làm việc của bố mẹ...

Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, khía cạnh tích cực là không nhiều và ở góc độ tiêu cực, bình đẳng và dân chủ là không ổn một chút nào.

"Theo tôi, lãnh đạo cần xem xét để làm sao có cách tuyển dụng tích cực, bình đẳng nhất có thể. Mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau mà", ông kết luận.

Cũng liên quan đến câu chuyện ưu tiên con em trong ngành khi tuyển dụng, một cán bộ nhân sự tại doanh nghiệp Nhà nước (xin giấu tên) đã bật mí những điều tiêu cực trong cách tuyển dụng này.

Vị này phân tích, do có việc ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành nên nhiều người cứ mặc nhiên, bình thản và yên vị chỗ làm của mình mà không bị lo sợ mất việc, cho dù năng lực yếu kém.

"Thậm chí, nhiều người còn biểu hiện sự dựa dẫm, ỷ lại trong mối quan hệ thân quen", người này nói.


Việc ưu tiên người nhà trong tuyển dụng của Agribank gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.

Việc ưu tiên "người nhà" trong tuyển dụng của Agribank gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, luật sư Vy Văn Minh (Văn phòng luật sư Gia Bảo, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc ưu tiên được quy định trong văn bản như Agribank thực hiện là vi phạm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật.

"Việc ưu tiên người nhà trong tuyển dụng của Agribank là trái quy định của pháp luật, vi Hiến và vi phạm các quy định của pháp luật về lao động và gây bức xúc cho xã hội, nên bỏ những quy định bất bình đẳng như thế này", luật sư Minh nói.

Thực tế cho thấy, nếu tuyển dụng một cách công khai, bình đẳng và công bằng, không theo kế hoạch chỉ tiêu nào mà chỉ dựa vào kết quả năng lực thực tế thì chắc chắn nhiều người được lựa chọn, tuyển dụng sẽ đa số là con em ngoài ngành.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải tiến tới việc bãi bỏ chỉ tiêu ưu tiên tuyển dụng con em trong ngành, để tạo ra cơ hội tuyển dụng một cách công khai và bình đẳng, từ đó mới lựa chọn, tuyển dụng được nhiều người tài, người có năng lực thật sự vào làm việc.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng NN
ông Cao Sỹ Kiêm
Không được đặt ra việc cộng điểm như ngân hàng Agribank đã làm. Đó là một đặc lệ không tốt. Nếu ngành này đặt ra thế, ngành kia thế, địa phương này thế, địa phương kia thế thì con em những người không phải trong lĩnh vực, ngành này sẽ bị gạt ra ngoài hết. Điều đó, sẽ tạo ra sự bất công trong xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại