9X bỏ bằng đại học về quê mở trang trại kiếm gần 1 tỷ/năm

Thiên Di |

Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) đã liều lĩnh bỏ công việc thu nhập chục triệu đồng sau khi tốt nghiệp đại học để về quê Thái Bình mở trang trại chăn nuôi lợn rừng Thái Lan.

Giám đốc trẻ, chủ trang trại 3 héc ta

Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học HCM, Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) đang là chủ trang trại Nam Sơn với mô hình “độc nhất” ở xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Chàng trai là gương làm giàu điển hình khiến nhiều người mơ ước.

Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) đang là chủ trang trại Nam Sơn với mô hình “độc nhất” ở xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Chàng thanh niên Đỗ Mạnh Hùng với nỗ lực làm giàu đáng khâm phục

Hùng là người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh. Hiện nay, chàng trai này sở hữu 54 con lợn giống và nhân giống thành công khoảng 300 – 400 lợn con mỗi lứa.

Mạnh Hùng bật mí: “Trung bình một tháng trang trại xuất bán 40-50 con với giá 3 triệu/con với doanh thu khoảng 100 triệu/tháng”.

Những chú lợn rừng hái ra tiền của chàng trai trẻ 9X.
Những chú lợn rừng "hái ra tiền" của chàng trai trẻ 9X.

Với trang trại hơn 3 héc ta, ngoài nuôi lợn rừng, chàng trai 9X này còn mở rộng mô hình trồng cây ăn quả và đầu tư 800 m2 thả cá.

Với mô hình độc đáo này, Hùng còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động trong vùng với thu nhập 2,5 triệu/tháng.

Để có ngày hôm nay, Hùng đã từng rong ruổi vài tuần để khảo sát những mô hình chăn nuôi trong Nam ngoài Bắc, bỏ lại bằng đại học và công việc lương cao và mất trắng 300 triệu đồng chỉ trong một đêm bão…

Bỏ bằng đại học, bố mẹ phản đối

Hùng kể rằng, năm 13 tuổi cậu theo gia đình vào Bình Dương để học tập mang theo ước mơ học giỏi tiếng Anh để đi du học.

Vào đại học, Hùng vừa học vừa đi làm thêm để chắt chiu. Sau khi ra trường, Hùng vào làm cho một công ty viễn thông lớn.

Tranh thủ thời gian cuối tuần, Hùng xách xe máy đi tham quan các mô hình chăn nuôi ở các tỉnh miền Tây, tìm hiểu sách vở, trên mạng các mô hình với mong muốn sau này sẽ gây dựng lại trang trại cho gia đình ở Thái Bình.

Hùng với quyết tâm gây dựng lại trang trại đã trở về quê chăn nuôi lợn rừng Thái Lan.
Hùng với quyết tâm gây dựng lại trang trại đã trở về quê chăn nuôi lợn rừng Thái Lan.

Năm 2013, không yên tâm để bố về quê chăn nuôi, Hùng quyết định bỏ lại toàn bộ công việc với mức lương cao ổn định trở về quê làm kinh tế. Ý kiến của Hùng bị cả gia đình gạt đi ngay, phản đối kịch liệt.

“Gia đình ngăn cản rất nhiều vì mình đang làm công việc rất tốt ở thành phố. Nhưng bố mẹ thấy mình đi tìm hiểu thực tế các mô hình chăn nuôi nhiều, tính toán kỹ lưỡng nên bố mẹ cảm thấy an tâm nên cuối cùng cũng đồng ý.

Mình nghĩ rằng học làm nông nghiệp có nhiều mặt chứ không phải chỉ gắn với con trâu, thửa ruộng", Hùng nói.

Trở về quê với số tiền tiết kiệm 100 triệu, Hùng bắt đầu với việc mua giống vật nuôi như gà, ngan, vịt thì đều thất bại.

“Nặng nề nhất là khi cơn bão tháng 9/2013 đi qua thổi bay toàn bộ nóc nhà, đổ tường, vật nuôi chết hết, thiệt hại 300 triệu đồng.

Nhưng mình không bỏ cuộc vì đã đổ nhiều tiền như vậy rồi, kể cả khi thất bại mình vực dậy bắt tay làm lại từ đầu”, Hùng nhớ lại.

Cậu tiếp tục lặn lội một mình với chiếc xe máy đến các trang trại ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình để học hỏi mô hình chăn nuôi, con giống để tìm ra con vật nào có sức đề kháng cao với thời tiết miền Bắc.

Cuối cùng, Hùng quyết định đầu tư chăn nuôi giống lợn rừng nhập ngoại từ Thái Lan. “Ở Việt Nam có nhiều giống lợn nhưng đa phần là lợn mán, lợn lai, giá thành chưa cao (hơn 100 nghìn đồng/kg), trong khi đó lợn Thái có giá 250 nghìn đồng/kg.

Hơn nữa, giống lợn Thái này chỉ ăn rau củ quả, chi phí chăn nuôi thấp nhưng giá thành cao, đầu ra ổn định”, Hùng chia sẻ.

Hùng (áo đen) làm việc cùng các sinh viên ĐH FPT trải nghiệm tại trang trại của mình.
Hùng (áo đen) làm việc cùng các sinh viên ĐH FPT trải nghiệm tại trang trại của mình.

Năm 2013, Hùng nhập 54 con với số vốn khoảng 400 triệu đồng. Thời gian đầu không đủ thức ăn cho lợn rừng, Hùng đi xin rau, cỏ, bèo, thân cây ngô...trong hai tháng đầu.

Giờ đây, Hùng đã trồng thêm cỏ, tự cung cấp nguồn thức ăn như chuối, khoai lang, ngô để đủ lượng thức ăn cho đàn lợn rừng.

Mô hình lợn rừng Thái của chàng trai trẻ này đã được nhân rộng trong vùng, thậm chí nhiều người ở các tỉnh khác như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam… tìm đến học hỏi kinh nghiệm, mua giống về chăn nuôi.

Trong tương lai, Hùng sẽ tiếp tục mở rộng việc kinh doanh mô hình lợn rừng Thái và tạo công ăn việc cho người dân trong vùng.

“Năm 2015 mình sẽ mở công ty về lĩnh vực nông nghiệp, trước mắt là thực hiện mô hình trang trại chăn nuôi an toàn với dịch bệnh”, Hùng bật mí.

Tuy nhiên, ước mơ du học của chàng trai 9X này vẫn chưa bao giờ tắt. Mong muốn được học thạc sỹ ngành Nông nghiệp ở Nhật Bản vẫn cháy âm ỉ trong suy nghĩ của Đỗ Mạnh Hùng.

Nhưng Hùng nói, kế hoạch này chắc còn lâu nữa mới thực hiện được bởi dự án mở rộng mô hình lợn rừng vẫn đang còn dang dở…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại