Tuyển sinh đại học hiện đang là một vấn đề rất “nóng” liên quan đến quyền tự chủ của các trường ngoài công lập (NCL). Và chính sách tuyển sinh gần đây của Bộ GD&ĐT sẽ có ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các trường ngoài công lập, thậm chí một số trường sẽ có nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh được.
Phát biểu trong Hội nghị về quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh, PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ: “Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ vẫn tiếp tục tuyển sinh “ba chung” và cái “chung” hại nhất đối với chúng ta là “chung điểm sàn”. Bởi nguồn điểm sàn ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là các trường đại học công lập “tốp trên” xác định điểm chuẩn vào trường áp sát “điểm sàn” của Bộ”.
Dẫn chứng cụ thể về thực tế này, GS Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch HĐQT ĐH Thăng Long nói, trong nhiều năm tổng điểm 3 môn thi của phần lớn thí sinh rơi vào khoảng 7-8/30 điểm, trong khi điểm sàn được Bộ GD&ĐT chọn lại dao động từ 13 đến 15 điểm!? Điều này cho thấy, điểm sàn cao so với học lực của học sinh.
GS Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch HĐQT ĐH Thăng Long bày tỏ sự bất cập trong vấn đề điểm sàn đại học.
“Đồng thời trong một số năm gần đây, trong các kỳ họp để quyết định điểm sàn, Bộ GD&ĐT từ chối không công bố phổ điểm mà không nói lý do. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, phải chăng việc xác định điểm sàn đã “không trúng”, bởi phổ điểm nói lên điểm sàn có trúng hay không?”, GS Sính đặt câu hỏi.
Trong Công văn dự thảo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có nêu ra một số vấn đề cơ bản trong công tác tuyển sinh, trong đó chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến sự cạn kiện của nguồn tuyển sinh của các trường NCL.
Một là, năm 2012, Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường đại học, cao đẳng tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của tất cả các trường công lập đạt con số kỷ lục là 540.000, vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành (cả công lập lẫn ngoài công lập) trước đó 3 năm là 502.000. Như vậy, giữa trường công lập và ngoài công lập không có sự bình đẳng. Vì đứng trước hai trường công và tư có chất lượng đào tạo như nhau, người học bao giờ cũng chọn trường công bởi vì trường công được nhà nước bao cấp nên học phí thấp, hưởng nhiều chế độ ưu đãi của nhà nước.
Hai là, kỳ thi tuyển sinh “ba chung” của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm cho ra một kết quả rất thấp, nhiều môn có kết quả yếu, mặc dù kết quả tốt nghiệp THPT lại cao chót vót. Trong nhiều năm tổng điểm 3 môn của thí sinh chỉ rơi vào 7-8/30 trong khi điểm sàn dao động từ 13-15 điểm. Điều này là do đề thi Bộ ra hàng năm không chuẩn, chủ yếu phụ thuộc vào ý chủ quan của chuyên gia, năm khó, năm dễ.
Ba là, quy định “điểm sàn” theo sáng kiến của Bộ GD&ĐT làm cho nhiều trường CĐ, ĐH NCL và các trường địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh.
Bốn là, kết quả điểm thi tuyển sinh quá thấp, việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường đại học, cao đẳng tự hạ điểm chuẩn và không hạn chế số lần gọi nhập học cho đến gần hết năm trên thực tế tạo thuận lợi cho số ít các trường công lập thuộc “tốp trên”, nhưng với các trường thuộc “tốp giữa” và “tốp dưới” trong đó có các trường CĐ, ĐH ngoài công lập có nguy cơ tuyển không đủ chi tiêu, bị động về thời gian khai giảng.