47 người tự ứng cử ĐBQH ở Hà Nội
Báo cáo việc triển khai công tác bầu cử trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến ngày 2/3, Ủy ban bầu cử các cấp đã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử HĐND.
Cụ thể: HĐND thành phố sẽ bầu 105 đại biểu tại 30 đơn vị bầu cử; HĐND cấp huyện được bầu 1.185 đại biểu, có 288 đơn vị bầu cử và cấp xã được bầu 16.045 đại biểu, có 4.370 đơn vị bầu cử.
Cũng theo báo cáo, đến 17 giờ ngày 13/3, Ủy ban bầu cử TP nhận được 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 47 người tự ứng cử.
Có 205 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP, trong đó có 196 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 9 người tự ứng cử.
Đối với 40 người được các cơ quan, tổ chức đơn vị giới thiệu ứng cử ĐBQH, có 17 người là nữ (42,5%), 3 người ngoài Đảng (7,5%), 3 người dưới 35 tuổi (7,5%), 2 người là dân tộc thiểu số (5%), 1 người là thành viên Ban đối ngoại Hội thánh Tin lành (2,5%).
6 người là ĐBQH khóa trước (15%), 7 người đã tham gia đại biểu HĐND TP (17,5%), 2 người đã tham gia đại biểu HĐND cấp huyện (5%), 3 người tham gia đại biểu HĐND cấp xã (7,5%).
Đối với 196 người do các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP, có 79 người là nữ (40,3%), 31 người ngoài Đảng (15,8%), 33 người dưới 35 tuổi (16,8%).
Ngoài ra có 3 người là dân tộc thiểu số (1,53%), 4 người theo các tôn giáo (2,04%), 8 người là ĐBQH các khóa (4,08%), 35 người là đại biểu HĐND TP (17,98%).
Ủy ban bầu cử TP cũng đề nghị sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, HĐ Bầu cử QG sớm gửi danh sách và hồ sơ những người được TƯ giới thiệu về ứng cử ĐBQH tại TP Hà Nội, để lập danh sách những người ứng cử tại từng đơn vị bầu cử QH kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng tiểu ban tuyên truyền bầu cử thành phố Hà Nội cũng cho biết ngoài một số trường hợp tự ứng cử với mục đích khác, hồ sơ tự ứng cử tăng cũng là điều đáng mừng.
“Nó thể hiện tinh thần dân chủ được đề cao thời gian gần đâyà một số người mong muốn đóng góp cho xã hội, đất nước nên tự ứng cử” - ông Phong nói.
Tuy nhiên, theo một thành viên đoàn giám sát, kỳ bầu cử lần này có phức tạp hơn, và đã hình thành phong trào tự ứng cử.
Đứng sau một số người tự ứng cử này, theo thông tin của tiểu ban an ninh thì có 1 số tổ chức phản động trong nước và ở nước ngoài hỗ trợ cho những trường hợp này để tổ chức vận động, thậm chí cung cấp tài chính để họ tranh thủ số phiếu của cử tri.
Không để bị động, bất ngờ trong bầu cử
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch TT Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao TP Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác bầu cử đúng quy định.
Hà Nội đã xử lý kịp thời những vướng mắc trong công tác bầu cử, phát huy tinh thần dân chủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, thành phố cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền về bầu cử và đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối để ngày 22/5 thực sự là ngày hội của toàn dân, đảm bảo quyền của cử tri.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việc quan trọng hiện nay là phải thực hiện đúng pháp luật, vấn đề cử tri bị tạm giam tạm giữ, người Việt Nam ở nước ngoài về nước, dân tạm trú, sinh viên trường dân lập.
Đảm bảo số lượng và chất lượng đại biểu, cơ cấu đại biểu. Quốc hội hay Hội đồng nhân dân là đại diện quyền lợi của nhân dân, phải có cơ cấu đại diện phù hợp như thế nào.
Vấn đề nội dung và hình thức phải chuẩn bị chu đáo vì đây là ngày hội của toàn dân, người dân nô nức đi bỏ phiếu cuộc bầu cử mới thành công, nhất là ở Thủ đô Hà Nội”.
Phó Thủ tướng yêu cầu TP thường xuyên theo dõi, khẩn trương xử lý các vướng mắc phát sinh, kịp thời giải đáp các khúc mắc của các cấp huyện, xã, phường.
Vấn đề gì không giải đáp được thì kịp thời hỏi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban TVQH và Chính phủ, trực tiếp là Bộ Nội vụ.
TP cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền về bầu cử, để đây thực sự là ngày hội toàn dân với các đối tượng khác nhau.
"Tập trung làm tốt công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo, không để khiếu kiện đông người kéo đến các cơ quan TƯ. UBND TP phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan, xử lý kịp thời, không để điểm nóng phát sinh.
Việc ứng cử, đề cử, mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo chất lượng đại biểu. TP xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ cởi mở, theo chất lượng đại biểu tốt, đại diện cho nhân dân.
Không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra cháy nổ, tai nạn, tội phạm, giao thông trong quá trình bầu cử", Phó Thủ tướng nói.