“Quả to đẹp tại vườn người ta trả 2 triệu đồng 1 quả và đánh dấu bằng chiếc nơ đỏ. Ngoài ra, những quả khác cũng được đánh dấu hết, giờ tôi chỉ chăm sóc cây và đợi tháng sau (tháng 12 Âm lịch) họ vào cắt”, chị Hoài cho biết.
Cũng theo chị Hoài, năm nay trong bình mỗi cây phật thủ trung bình khoảng 40 quả. Giá phật thủ năm nay cũng không có biến động nhiều từ 50.000 đồng – 80.000 đồng 1 quả.
Và khi thương lái vào mua phải mặc cả trước chỉ được cắt những quả to còn những quả nhỏ phải để lại.
Thông thường, rằm tháng 12 Âm lịch khách mua lẻ vào đặt phật thủ, sau đó đến khoảng 25 Âm lịch họ vào cắt đem đi các nơi bán.
Theo các chủ vườn tại đây, phật thủ Đắc Sở chủ yếu được đưa đi tỉnh lẻ, miền Nam nhiều, ở Hà Nội tiêu thụ ít hơn.
Ông Nguyễn Văn Thiện (58 tuổi, thôn Đông, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), có 5 mẫu đất với khoảng 600 gốc phật thủ. Ước tính năm nay cho thu hoạch 20 nghìn quả vào dịp Tết.
Theo kinh nghiệm 10 năm trồng phật thủ của ông Thiện thì năng suất phụ thuộc vào thời tiết, sâu bệnh.
Một mẫu đất trồng phật thủ ước tính gia đình ông Thiện phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng. Năm trước gia đình ông Thiện thu 900 triệu từ vườn phật thủ.
Hiện nay, hầu hết những người dân trồng phật thủ là người Đắc Sở thuê đất tại khu vực Yên Sở để trồng.
Hàng năm đến gần khoảng tháng 7 Âm lịch, những người trồng phật thủ lại ép cho cây ra quả nhiều để phục vụ bán Tết chứ không để cho ra quả tự nhiên.
Phật thủ Đắc Sở trồng khoảng 1 năm cho quả, tuy nhiên quả ra quanh năm. Tuổi đời khoảng 5 năm phải chuyển cây khác do đất bị thoái hóa, năng suất kém.
Nhờ trồng cây "bàn tay phật" nhiều người dân vùng đất Đắc Sở đổi đời thu hàng trăm triệu mỗi năm.