17 năm tù oan và 17 phút đọc lời xin lỗi

Nguyễn Thanh Nhã |

17 phút. Người dân không thỏa. Cơ quan tố tụng chưa thành tâm thành ý. Người tù thế kỷ thì hạnh phúc kiểu “ tinh thần được ăn sau 17 năm bỏ đói”.

Hội trường thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận sáng 3/12 chật kín chỗ ngồi. Khán phòng không đủ cho hàng ngàn người dân về dự khán.

Bất đắc dĩ trở thành “ngôi sao”, ông Nén nhỏ thó “lọt thỏm” giữa đám đông và vòng vây ghi hình của báo chí.

Đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng đọc lời xin lỗi, bà Trần Thị Thiên Hương, Phó chánh án TAND tỉnh Bình Thuận nói như khóc:

"Không gì bù đắp được mất mát, tử biệt sinh ly, kinh tế khó khăn của công dân Huỳnh Văn Nén suốt 17 năm ròng. Lời xin lỗi hôm nay của chúng tôi chỉ là một phần bù đắp nhỏ nhoi”.

Ông Nén nức nở: "Ngày mẹ mất, tôi ở trong tù không hay biết. Các con không ai giáo dục. Làm một đứa con hay một người cha, tôi đều không trọn vẹn. Tất cả chỉ vì oan án, mà nỗi niềm đó, tôi ôm trong lòng, tuyệt đối không nhận tội hay không xin giảm án, ân xá".

Hội trường vỡ òa những tiếng bật khóc…

17 phút bà Hương đọc lời xin lỗi. 13 phút cho vài ý kiến. Buổi xin lỗi kết thúc sau nửa giờ tổ chức trong tiếng xì xào không đồng tình.

Trao đổi với phóng viên, đại tá Phạm Thật, Phó Giám đốc, thủ trưởng cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Thuận nói, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh đã không lường trước sự quan tâm của đông đảo bà con nên còn thiếu sót.

Về trách nhiệm của các điều tra viên, vị thủ trưởng cơ quan điều tra cho biết, công an tỉnh sẽ nghiêm túc nghiên cứu, xem xét và xử lí theo các quy định.

Cụ ông Nguyễn Văn Hữu, 77 tuổi tỏ ra thất vọng với buổi xin lỗi, chỉ vì các cơ quan chức năng bố trí hội trường nhỏ, người dân phải đu bám vào các ô cửa sổ để xem.

Lời xin lỗi của bà phó chánh án như một thủ tục không hơn. Không người dân nào được bày tỏ quan điểm…

Luật sư Trần Vũ Hải, người gắn bó nhiều năm với vụ án cho rằng, việc thiếu vắng các cán bộ điều tra truy tố, xét xử cho thấy sự thiếu nghiêm túc và thành ý của buổi xin lỗi công dân Huỳnh Văn Nén.

Bởi lẽ, hiện nay vẫn còn một số cán bộ này đương chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc đại diện của bà Phó Chánh án Trần Thị Thiên Hương là không thỏa đáng, vì ai tạo ra án oan, người ấy phải trực tiếp xin lỗi.

“Xưa nay, chúng ta cứ đem trách nhiệm bổ về tập thể nên tạo điều kiện cho các cá nhân sai phạm phủi tay.

Hình thức này không làm người ta thấy cái sai của mình để chịu trách nhiệm. Không thể có chuyện một người gây lỗi để người khác xin lỗi họ”, Luật sư Trần Vũ Hải nói.

Cũng theo vị luật sư đến từ Hà Nội, cơ quan tố tụng còn thiếu thiện chí khi không đề cập đến khoản bồi thường của “vụ án vườn điều” với ông Huỳnh Văn Nén. Số tiền này hiện nay là khoảng 1 tỷ đồng. Còn vụ án bà Lê Thị Bông bị giết có thể đề cập sau.

Ở một nền tố tụng văn minh, người ta chấp nhận bỏ lọt một tên tội phạm, còn hơn tạo ra oan án mà tất cả các cá nhân trong xã hội có thể hứng chịu.

Cuối cùng thì theo đại tá Phạm Thật, nghi can Nguyễn Thọ - mắt xích trong vụ án bà Bông đã bị bắt, ông Nén sẽ lại tiếp tục được minh oan trong vụ án thứ hai nhiều oan khúc.

Nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng là tạo ra một nền tố tụng văn minh theo tinh thần của Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp.

Nhưng, có lẽ cũng cần phải nhắc thêm rằng, văn minh tố tụng phải đi kèm với văn minh xin lỗi và bồi thường.

Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ, số tiền bồi thường đó là của ai? Xin thưa, lại là của dân.

Dân đóng thuế. Cơ quan tố tụng làm sai. Dân được bồi thường.

Đã không ít “án oan” trên đất nước hình chữ S này. Và đã bồi thường, số tiền lên đến hàng chục tỷ. Dân đóng tiền bồi thường cho sai trái của cơ quan tố tụng hay sao?

Và có đúng không, khi diễn giải theo logic này, là dân vừa tiền mất vừa tật mang?

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại