Hai cái chết, một người tù oan
Sáng nay, ngày 3/12, TAND tỉnh Bình Thuận sẽ tiến hành xin lỗi công khai công dân Huỳnh Văn Nén. Rốt cuộc 17 năm oan án thấu trời của “người tù thế kỉ” đã kết thúc có hậu.
Song, hai vụ trọng án tại một xã nghèo vẫn lửng lơ nhiều món nợ của các cơ quan tiến hành tố tụng…
Nguồn tin của phóng viên Trí Thức Trẻ cho hay, chiều 2/12 cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Thuận đã bắt giữ nghi can Nguyễn Thọ. Đây là nghi can được anh Nguyễn Phúc Thành viết đơn tố cáo liên quan đến cái chết của bà Lê Thị Bông.
Đại tá Phạm Thật, Phó Giám đốc, thủ trưởng cơ quan điều tra công an Bình Thuận cho biết thêm, nghi can Phạm Thọ đã đến cơ quan công an trình diện. Bước đầu, Thọ khai nhận đã cùng với Hồ Thanh Việt thực hiện hành vi giết bà Bông, cướp tài sản.
Nơi ở và gia đình của Nguyễn Thọ không được cơ quan điều tra tiết lộ. Sau 15 năm lẩn trốn, trước khi trình diện, Thọ thay tên đổi họ, sinh sống bình thường, còn Việt đã chết vì bệnh.
Trong khoảng 5 năm, từ 1993 đến 1998, tại xã nghèo Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận xảy ra hai vụ trọng án. Nạn nhân là hai người phụ nữ đều bị chết bởi những cách thức giết người tàn độc.
Bà Dương Thị Mỹ chết trong vườn điều năm 1993 với nhiều nhát chém trên mặt. Nạn nhân Lê Thị Bông bị siết cổ bằng dây năm 1998, hung thủ để lại những vệt da tay bị xé tróc vì cố lột chiếc nhẫn một chỉ vàng.
Rất nhanh sau cái chết của bà Bông, cơ quan điều tra bắt giữ ông Huỳnh Văn Nén. “Chìa khóa” của việc bắt giữ này mở ra tấn bi kịch 17 năm tù oan của vụ án trước, đó chính là "kì án vườn điều".
Lật lại hồ sơ hai vụ án, những dòng thông tin lạnh lùng xác định: Ông Nén đã giết cả hai người phụ nữ xấu số kể trên. Không chỉ có vậy, vụ án vườn điều còn để lại thông tin khủng khiếp hơn, chỉ vì mâu thuẫn ái tình, 9 người của một dòng họ vướng vòng lao lí.
Để rồi giờ đây, dư luận đặt lại trách nhiệm và đạo đức của các cán bộ nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận trong vụ việc trên.
Nổi bật là “màn kịch” và “đạo diễn” vụng về của điều tra viên Cao Văn Hùng khiến ông Huỳnh Văn Nén thành “diễn viên” của tấn bi kịch kéo dài gần 1/5 thế kỉ.
Vẫn lơ lửng món nợ công lý
Trò chuyện với phóng viên Trí Thức Trẻ, bà Nguyễn Thị Cẩm chưa hết bàng hoàng, dù chồng bà được về nhà bằng xương bằng thịt:
“Cha đi tù oan. Ba đứa con học hết lớp một thì nghỉ. Mình tôi tủi nhục nuôi con trong nước mắt. Có lúc thằng lớn bệnh, chữa xong hai mẹ con dắt díu trốn viện.
Tôi bán luôn chiếc bình thủy và mấy bộ đồ làm lộ phí xe buýt từ huyện Xuân Lộc, Đồng Nai về nhà. Tiền bạc nào bù đắp cho một gia đình nát tan, lời xin lỗi nào xóa bỏ quá khứ con cái cù bất cù bơ giữa chợ đời”, bà nghẹn ngào.
Có lẽ hiếm có một nền tố tụng nào trên thế giới ghi nhận được một bị án oan sai đến hai lần như ông Huỳnh Văn Nén. Nguyên tắc văn minh của tố tụng, là bị cáo có quyền chối tội.
Ông Huỳnh Văn Truyện kể lại khoảng thời gian đằng đẵng đi đòi công lý cho con trai
Chứng minh tội danh là trách nhiệm của cơ quan điều tra. Dĩ nhiên, nhục hình, bức cung không phải là công cụ phá án.
Nếu Huỳnh Văn Nén là hung thủ, ông ta đáng bị loại ra khỏi đời sống vĩnh viễn. Ngược lại, ông Nén bị oan thì những người thực thi tố tụng trong vụ án này cũng cần phải lãnh trách nhiệm, loại trừ ra khỏi đời sống tố tụng mãi mãi.
Dù gì thì một phần công lí cũng được thực thi khi hôm nay 3/12, TAND tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai ông Nén, làm tiền đề cho quá trình bồi thường các thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
Dù gì, bí ẩn "kì án vườn điều" bắt đầu được giải mã khi nghi can Nguyễn Thọ đang nằm gọn trong lưới cơ quan công an.
Khi không chứng minh được tội ác của ông Nén, nghĩa là cái chết tức tưởi của hai nạn nhân chưa được trả lại công bằng.
Đã không phá được án, còn tạo oan sai, gây mất niềm tin trong dân chúng, các cơ quan tiến hành tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử vẫn lửng lơ món nợ với chức trách, phận sự của mình.