Câu chuyện nhập nhèm giữa khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt rồi khoai tây có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và độc hại trong những ngày qua đã khiến dư luận không khỏi lo lắng. Và nhiều người sẽ càng lăn tăn hơn khi biết được những câu khẳng định “như đinh đóng cột” của các tiểu thương về một sản phẩm 100% được nhập từ Trung Quốc.
Có mặt tại chợ đầu mối Long Biên khi buổi chợ vẫn đang tấp nập. Các chủ cửa hàng không mời chào, không vồn vã như những khu chợ khác khi thấy khách lạ bước qua. Nhưng khi có người tạt vào hỏi thăm, họ lại đon đả và không ngần ngại giới thiệu sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của mình.
Cửa hàng khoai tây cũng cùng chung nhịp như thế. Khoai tây đỏ, khoai tây trắng nằm la liệt ở một góc chợ. Củ nào cũng mơn mởn và nhìn rất “ngon” mắt.
12.000 đồng/kg khoai tây đỏ, 14.5000 đồng/kg khoai tây trắng, đó là mức giá khi chúng tôi hỏi ở cửa hàng đầu tiên. Với lý do mua hàng khoai tây “madin in Việt Nam” và không tiêm hóa chất về để “làm đẹp” da mặt cho chị em phụ nữ, chủ cửa hàng nhìn tôi và cười: "Cùng là đi buôn bán với nhau chị nói thật, bây giờ làm gì có khoai ta, đi đâu thì cũng chỉ là khoai Trung Quốc thôi. Bảo họ nếu muốn đắp mặt thì mua cà chua hay cà rốt chứ đắp khoai tây thì chịu, chỉ có khoai tây Trung Quốc thôi".
Theo tìm hiểu của phóng viên thì số lượng khoai tây Trung Quốc đang bày bán ở đây được nhập về qua các cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái… Những củ khoai này khi sờ vào, củ nào cũng mềm. Trước trạng thái của củ, tôi hỏi: “Khoai này chắc tiêm hóa chất phải không chị”, chủ cửa hàng chỉ im lặng và lảng nhanh câu chuyện sang vấn đề khác.
Liếc nhìn sang bên cạnh là những quả dứa xanh mã rất chuẩn, tôi cũng nhận được câu nói của chị: Cũng là hàng Trung Quốc cả đấy.
Để chứng thực cho sự phong phú của khoai tây Trung Quốc ở chợ đầu mối Long Biên, chúng tôi tiếp tục mang theo lý do đi mua đồ về làm đẹp cho da mặt chị em sang một cửa hàng khác. Tiểu thương này cũng không ngần ngại khẳng định: Toàn khoai tây Trung Quốc cả chứ làm gì có khoai ta ở đây.
Ở đây, với loại khoai tây trắng, chủ lại hát giá lên tới 16.000 đồng/kg.
Theo lời của tiểu thương này thì khoai ta chỉ xuất hiện vào quãng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nhưng khối lượng cũng không đủ lớn để cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng, nên dù là trong những tháng đó, số lượng khoai tây Trung Quốc đi vào các chợ ở Việt Nam vẫn rất nhiều. Tỏ ra “thương” da mặt của chị em, chị cũng đưa ra lời khuyên, nếu muốn đắp mặt thì nên mua cà chua mà đắp chứ khoai tây ngặt là của Trung Quốc hết.
Để khẳng định và đối chiếu với thông tin “nhập nhèm giữa khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt”, chúng tôi hỏi thêm: “Nhìn giống khoai tây Đà Lạt chị nhỉ, không biết có phải được mang từ đó về không?”. Chưa đợi chúng tôi hỏi hết câu, chị chủ nói ngay: “Đà Lạt gì, nhìn to như thế này thì là khoai Trung Quốc đấy”.
Từ chợ đầu mối Long Biên, những củ khoai tây 100% có xuất xứ từ Trung Quốc ấy lại lên đường tới với các chợ nhỏ lẻ hơn trên khắp địa bàn Hà Nội, thâm nhập vào cả các quán ăn, nhà hàng và các hộ gia đình.
Để “dầy dặn” cho bằng chứng, chúng tôi có mặt tại chợ Đồng Xa (Hà Nội). Cũng không khó để tìm được những lời khẳng định, tất cả khoai tây ở đây thậm chí là nhiều tỉnh thành ở miền Bắc đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Thậm chí, có chủ cửa hàng còn không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây ta để đánh lừa “thị hiếu” người tiêu dùng bởi lẽ bằng mắt thường, sẽ rất khó để phân biệt đâu là khoai tây ra đâu là khoai tây Trung Quốc.
Dường như đã quá quen với những mặt hàng có xuất xứ mập mờ như thế, bạn Nguyễn Thị Thùy (cựu sinh viên Đại học Thương mại Hà Nội) ngậm ngùi: "Giờ nhìn đâu cũng thấy đồ Trung Quốc nên bảo là không mua hàng này vì là đồ Trung Quốc thì mua đồ khác cũng sẽ lại là đồ Trung Quốc thôi".
Trước những thông tin phóng viên đã ghi nhận lại được từ các chợ đầu mối, chợ bán lẻ… khi tất cả khoai tây ở đây đều có nguồn gốc xuất xứ mập mờ, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để trả lại sự an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.