10 sự kiện trong nước nổi bật 2015

Năm 2015 khép lại với nhiều kết quả tốt đẹp, đất nước tiếp tục phát triển đi lên. An ninh, chính trị được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp nhất trong vòng 14 năm, GDP tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới…

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít những hạn chế, khó khăn và thách thức. Báo Tiền Phong bình chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện trong nước nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

1. Đại hội Đảng các cấp thành công tốt đẹp


Thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng các cấp vừa qua là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng các cấp vừa qua là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành ủy và Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã thành công tốt đẹp. Kết quả thành công của tất cả 67 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, mở đầu là Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình khai mạc vào ngày 15/9/2015 và kết thúc là Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, bế mạc vào ngày 3/11/2015, là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các đại hội đều thể hiện tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và đổi mới.

Đây là sự kiện chính trị lớn nhất trong 5 năm của các tỉnh thành trên cả nước, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

2. Kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước


Chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành hoành tráng tại quảng trường Ba Đình lịch sử diễn ra sáng 2/9/2015. Ảnh: Như Ý.

Chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành hoành tráng tại quảng trường Ba Đình lịch sử diễn ra sáng 2/9/2015. Ảnh: Như Ý.

Năm 2015 là năm chúng ta kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước và dân tộc, đó là :  70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4)…

Chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành hoành tráng tại quảng trường Ba Đình lịch sử vào sáng 2/9/2015 với hơn ba vạn người tham dự cùng với các hoạt động kỷ niệm khác đã thực sự khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho giới trẻ, tạo bản lĩnh, niềm tin và khí thế cho đất nước tiếp tục công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển vững chắc.

3. GDP tăng cao nhất trong 8 năm, lạm phát thấp nhất trong 14 năm

Trong năm 2015, mặc dù bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều ảm đạm, bất ổn an ninh, chính trị xảy ra liên miên tại nhiều khu vực, song GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm qua, đạt mức 6,68% (cao hơn mức 6,2% do Quốc hội đề ra).

GDP bình quân đầu người đạt 2.109 USD, lạm phát thấp nhất trong 14 năm qua.

Chính sách tiền tệ, tín dụng có sự chuyển biến tốt. Lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo có sự tăng trưởng tốt, nông nghiệp đạt mức tăng trưởng gần 2,4%. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 19 bậc.

Tăng trưởng của doanh nghiệp đạt 26,6%, 95.000 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn đăng ký trên 600.000 tỷ đồng. An sinh xã hội được đảm bảo, việc làm tăng 1,6%,  tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%...

Tuy nhiên, bên cạnh đó nền kinh tế vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại, như nợ công tăng cao; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm; năng suất lao động thấp và thua xa nhiều nước trong khu vực; sức cạnh tranh của cả nền kinh tế còn thấp; nhiều thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp…

4. Lần đầu tiên tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam thăm Mỹ

Năm 2015 diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.

Tiêu biểu trong số đó là chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, diễn ra từ ngày 6 đến 10/7/2015, theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Chuyến thăm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, ghi dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, lần đầu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ (hội đàm với Tổng thống Mỹ trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng) và diễn ra trong năm kỷ niệm lần thứ 20 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ (1995 - 2015) và hai năm sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013).

Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước; góp phần đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ phát triển sâu sắc, bền vững và thực chất; tiếp tục đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

5. Hội nhập kinh tế sâu rộng, ký nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng

Trong năm 2015, Việt Nam kết thúc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á- Âu. Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán và trở thành một trong 12 nước thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Từ ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN,  trong đó có Cộng đồng  Kinh tế ASEAN chính thức hình thành. Tất cả các sự kiện trên đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn, song kèm theo đó là những thách thức không nhỏ trong tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.

6. Đẩy mạnh  đổi mới, cải cách giáo dục


Ảnh: TTXVN.

Ảnh: TTXVN.

Lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ, với mục tiêu giảm phiền hà, tránh tốn kém cho các gia đình và xã hội trong thi cử.

Lần đầu tiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi tuyển sinh đại học bằng bộ đề đánh giá năng lực trên máy tính. Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT cấm thi tuyển vào lớp 6.

Chương trình, nội dung sách giáo khoa mới đang được chuẩn bị tích cực với cách làm chương trình trước, nội dung sau, một chương trình nhiều bộ SGK. Tất cả hướng tới mục tiêu thay đổi căn bản cách dạy và học hiện nay, từ nhồi nhét kiến thức sang phát huy năng lực, sáng tạo của người học.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới của ngành giáo dục đang vấp phải những luồng dư luận trái chiều.

7. Hàng loạt vụ án oan được giải oan, cải cách tư pháp Chuyển biến tích cực


Ông Huỳnh Văn Nén.

Ông Huỳnh Văn Nén.

Tiêu biểu là hai vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Sau 10 năm ngồi tù oan sai, ông Chấn đã chính thức được bồi thường số tiền 7,272 tỷ đồng.

Tương tự, ngày 3/12/2015, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận cũng đã chính thức tổ chức xin lỗi công khai người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén, người chịu 2 bản án oan cho tội giết người trong 2 vụ án, đã phải ngồi tù oan suốt hơn 17 năm qua.

Quá trình bồi thường oan sai cho ông Nén đang được các cơ quan chức năng tiến hành.

8. Khủng hoảng vắc-xin dịch vụ “5 trong 1”


Ngày 25/12/2015, hàng trăm phụ huynh chen chân xếp hàng trong đêm với hy vọng con em mình được tiêm vắc-xin;Ảnh: nguyễn huy.

Ngày 25/12/2015, hàng trăm phụ huynh chen chân xếp hàng trong đêm với hy vọng con em mình được tiêm vắc-xin;Ảnh: nguyễn huy.

Sau sự cố hỗn loạn chưa từng có vào ngày 25/12/2015 tại Hà Nội - hàng trăm người chen chân xếp hàng trong đêm để tiêm vắc-xin cho con, nhiều bà mẹ đã ngất xỉu – Bộ Y tế họp báo khẩn với lời than “nổi tiếng” của ông Cục trưởng Cục Quản lý Dược, “nếu có kiếp sau, tôi sẽ không làm ngành y nữa”.

Sự kiện trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” khan hiếm vắc-xin dịch vụ lâu nay, kể từ khi một bộ phận người dân mất niềm tin vào vắc-xin tiêm chủng mở rộng miễn phí Quinvaxem sau hàng loạt tai biến liên quan loại vắc-xin này.

Công luận cho rằng, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã lúng túng và thiếu các giải pháp hiệu quả trước thực trạng nêu trên.

9. Quốc tế vinh danh Phong Nha-Kẻ Bàng và Sơn Đoòng


Hang động Sơn Đoòng đứng đầu 25 địa điểm cần đến trong thế kỷ 21. Ảnh: Neo.

Hang động Sơn Đoòng đứng đầu 25 địa điểm cần đến trong thế kỷ 21. Ảnh: Neo.

Lần thứ 2 Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới và hang Sơn Đoòng tại Di sản này được  ABC News, kênh truyền hình có độ phủ sóng toàn cầu, thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp Good morning America. 6 triệu thuê bao của kênh có thể xem trực tiếp và hàng triệu người khác có thể xem trên các nguồn khác (trang web abc.go.com; youtube…).

Sự kiện này đã tạo nên cơn “địa chấn” và thực tế nó đã tạo ra làn sóng mới hút khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam chiêm ngưỡng hang động kỳ vĩ nhất thế giới.

Sau chương trình này, những hình ảnh của hang Sơn Đoòng đã xuất hiện trong clip quảng cáo phim bom tấn Peter Pan của hãng Warner Bros, thu hút hàng chục triệu lượt truy cập.

Các nhà làm phim King Kong 2 của Hollywood cũng đưa hang động này vào tầm ngắm làm bối cảnh cho phim.

Với Phong Nha- Kẻ Bàng, đây là di sản Thiên nhiên Thế giới duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này đạt 3 tiêu chí về đa dạng sinh học.

Trong số 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam, đây là di sản đầu tiên được UNESCO công nhận tiêu chí về đa dạng sinh học có giá trị nổi bật toàn cầu. Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới lần thứ nhất vào năm 2003 với tiêu chí về địa chất - địa mạo.

10. Kình ngư Ánh Viên phá 8 kỷ lục SEA GAMES


Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.

Cô gái vàng của thể thao Việt Nam, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, tỏa sáng rực rỡ tại đấu trường quốc tế. Tại  SEA Games 28 ở Singapore, Ánh Viên đoạt 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, phá 8 kỷ lục SEA Games.

Một số cự li sở trường, thông số chuyên môn của Ánh Viên đã tiệm cận ASIAD. Ánh Viên đã đoạt vé tham dự Olympic Brazil 2016.

Thành tích của Ánh Viên đóng góp không nhỏ vào kết quả của đoàn thể thao Việt Nam: 73 HCV, xếp thứ 3 tại SEA Games 28.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại