0h ngày 1/11/2013: "Làm sao nuôi cho đủ 90 triệu miệng ăn?"

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - "Câu hỏi đặt ra là làm sao nuôi cho đủ 90 triệu miệng ăn này? - TS Dương Quốc Trọng chia sẻ về những thách thức khi Việt Nam chào đón công dân thứ 90 triệu.

Nhân sự kiện công dân thứ 90 triệu của nước Việt Nam chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào 01/11/2013, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ nhân sự kiện đặc biệt này.

PV: Ngày 01/11 là ngày đánh dấu dân số Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu người, ông có thể cho biết sự kiện này mang ý nghĩa như thế nào đối với công tác dân số kế hoạch hóa gia đình của nước ta?

TS. Dương Quốc Trọng: Năm 1989 sau cuộc tổng điều tra dân số, các nhà khoa học đã dự báo rằng, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 105 triệu vào năm 2010 và cũng theo dự báo đó lẽ ra Việt Nam đã tròn 90 triệu người vào năm 2002. Nhưng đến nay, ngày 01/11/2013 chúng ta mới tròn 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo tới 11 năm. Và cũng nếu theo dự báo đó, tới nay dân số Việt Nam sẽ vào khoảng 110, 8 triệu.

Như vậy, trong hơn 20 năm qua chúng ta đã tránh sinh được 20,8 – 21 triệu trường hợp. Ta hình dung đất nước ta không phải 90 triệu mà là 110,8 triệu thì chắc rằng sẽ quá tải mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, chúng tôi hết sức vui mừng, phấn khởi chờ đón sự kiện Việt Nam chúng ta chào đón công dân thứ 90 triệu ra đời.

TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ
TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ

PV: Ông đánh giá như thế nào về cơ cấu dân số của Việt Nam trong suốt thời gian qua?

TS. Dương Quốc Trọng: Có thể nói 90 triệu người là một tự hào của ngành dân số trong thời gian vừa qua. Với con số đó, Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc trên thế giới về quy mô dân số. Chúng ta đứng hàng thứ 14 trên thế giới về quy mô dân số, đứng hàng thứ 8 ở châu Á và hàng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á.

Với dân số 90 triệu người tạo nên một tiềm lực kinh tế rất to lớn nhưng đồng thời việc đáp ứng nhu cầu cho 90 triệu người này cũng là một thách thức rất lớn trong thời gian tới.

Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”.

PV: Ông vừa nhắc tới "cơ cấu dân số vàng" ở Việt Nam, ông có thể nói rõ hơn cơ cấu dân số vàng là gì? Bên cạnh thành tựu mà chúng ta đã đạt được,chúng ta phải đối diện với những thách thức như thế nào?

TS. Dương Quốc Trọng: “Cơ cấu dân số vàng” là cứ hai người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi mới có một người hoặc ít hơn một người ở độ tuổi phụ thuộc lao động dưới 15 tuổi hoặc từ 65 tuổi trở lên. Tôi cho rằng trong thời gian tới, đây là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam cất cánh bay lên nếu chúng ta tận dụng được nguồn nhân lực khổng lồ này.

Trong thời gian sắp tới, vấn đề điều chỉnh mức sinh như thế nào cho hợp lý là hết sức quan trọng. Chính vấn đề điều chỉnh mức sinh này sẽ kéo dài được giai đoạn cơ cấu dân số vàng, đồng thời làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Trong thời gian này chúng ta cố gắng duy trì được mức sinh thay thế, duy trì được mỗi gia đình chỉ có hai con để tương lai chúng ta sẽ có một cơ cấu dân số hợp lý

Một vấn đề nữa mà chúng ta thấy đó là tỉ số giới tính khi sinh trong thời gian qua đã tăng dần và trong thời gian tới tiếp tục tăng. Phải làm sao kiên quyết khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở về bình thường để đảm bảo được cân bằng giới tính trong tương lai.

PV: Theo ông những thách thức và những vấn đề gì đặt ra ở đây khi chúng ta chào đón công dân thứ 90 triệu ra đời?

TS. Dương Quốc Trọng: Con số 90 triệu người với nước ta vừa tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng là những thách thức không nhỏ đối với sự bền vững của đất nước kể cả quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân cư cũng như quản lý dân cư.

Về số lượng 90 triệu người, chúng ta thấy đây là thị trường to lớn đứng hàng thứ 14 trên thế giới. Tất cả các nhà đầu tư cũng như những nhà sản xuất hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân đều mong muốn có thị trường đó.

Hơn nữa, chúng ta đang ở thời kì “cơ cấu dân số vàng”, mới bước vào giai đoạn già hóa dân số, tỉ lệ người cao tuổi đã tăng nhưng chưa phải tăng cao cho nên chúng ta vẫn có cơ hội để làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Tỉ số giới tính khi sinh mặc dù đã tăng nhưng có thể nói các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao Việt Nam là đã có phản ứng mau lẹ khi tỉ số giới tính khi sinh mới tăng.

Các chỉ số sức khỏe về bà mẹ, trẻ em của Việt Nam hiện nay tương đương với các nước có thu nhập bình quân theo đầu người cao hơn ta rất nhiều.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là làm sao nuôi cho đủ 90 triệu miệng ăn này? “Cơ cấu dân số vàng” nhưng đây mới vàng về số lượng, trình độ cạnh  tranh của chúng ta còn hạn chế. Làm sao phải biến vàng về số lượng thành vàng về chất lượng. Ngay cả vấn đề số lượng chúng ta đã sử dụng một cách triệt để chưa?

Số lượng người lao động khổng lồ nhưng vấn đề đáp ứng được công ăn việc làm cho những người lao động này cũng là một câu hỏi để hạn chế các tệ nạn xã hội.

Kinh tế chúng ta đứng hàng thứ nhất, thứ nhì trên thế giới về một số lĩnh vực xuất khẩu như hạt tiêu, gạo, cà phê… nhưng giá trị gia tăng không lớn.

Chúng ta tự hào về chỉ số sức khỏe nhưng những chỉ số ấy là còn thấp rất nhiều so với các nước trên thế giới và một số nước trong khu vực.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, chúng ta phải biết rất rõ những thế mạnh, những thách thức để chúng ta có những giải pháp đúng thì chúng ta sẽ đưa đất nước Việt Nam cất cánh bay lên.

PV: Làm thế nào để biết được đó là công dân thứ 90 triệu. Ông có thể nói về cách xác định?

TS. Dương Quốc Trọng: Cách xác định này tôi sẽ không đi sâu về mặt kĩ thuật nhưng cũng phải nói thật, con số 90 triệu là một con số suy ra từ các số liệu khác nhau. Đây có đúng là con số 90 triệu hay không thì chắc chắn, không thể có con số chính xác được. Về mặt thống kê người ta cho phép làm như vậy.

Đồng chí Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đã từng nói trước Quốc hội rằng, những con số Bộ kế hoạch Đầu tư, Tổng cục Thống kê đưa ra có thể chưa thật chính xác nhưng những con số ấy là tin cậy được. Và chúng ta chấp nhận con số 90 triệu này là con số đáng tin cậy.

PV: Dân số vẫn đang tiếp tục gia tăng, làm thế nào để đảm bảo được chất lượng dân số trong thời gian tới? Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình có những kế hoạch gì để nâng cao chất lượng dân số?

TS. Dương Quốc Trọng: Để nâng cao chất lượng dân số có thể nói liên quan tới tất cả các ngành, các cấp khác nhau và tập trung vào các việc:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đầu vào của quá trình dân số. Làm cho dân số tốt, tức là sinh ra những đứa bé khỏe mạnh nhất. Hạn chế tối đa những em bé sinh ra bị mắc bệnh, tật. Để làm được điều này chúng tôi tập trung vào ba mô hình: Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; Khám sàng lọc chẩn đoán trước sinh; Khám sàng lọc chẩn đoán sơ sinh.

Ngoài ra với những đối tượng đặc thù chúng tôi phổ biến một số mô hình khác. Ví dụ, triển khai mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào các dân tộc thiểu số; mô hình tư vấn, khám, chữa bệnh tan máu bẩm sinh ở đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình…

Có những trường hợp chúng ta không phát hiện được và phải chờ khi đứa bé ra đời mới phát hiện được thì chúng tôi làm mô hình sàng lọc và chẩn đoán sau sinh.

PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng dân số hiện nay?

TS. Dương Quốc Trọng: Chất lượng dân số hiện nay còn rất hạn chế so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Như sàng lọc chẩn đoán sơ sinh, các nước họ đã làm cách đây 50 năm nhưng chúng ta mới làm mấy năm  nay. Hoặc các nước xung quanh đây như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapo, Thái Lan… gần như họ sàng lọc 100% thì chúng ta mới được 60%. Tỉ lệ quá thấp.

Nhân sự kiện dân số Việt Nam đạt con số 90 triệu người, tôi hi vọng mỗi người dân Việt Nam cùng nhau đoàn kết để xây dựng đất nước giầu mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại