Sau 2 album “Tình yêu đầu tiên” (2013) và “Nỗi nhớ” (2016), nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung lại tiếp tục chứng tỏ tình yêu âm nhạc và sức sáng tạo dồi dào đối với một “nhạc sĩ tay ngang” như anh qua album “Xa em” (2022).
Bìa album của Nguyễn Thành Trung
“Một mình em nơi đây, giấu nỗi nhớ vào đêm. Một tình yêu mong manh, mong ước anh ở bên, ôm nỗi nhớ vào tim, sao đắng cay triền miên” (Nỗi nhớ).
Nỗi nhớ cũng là sợi chỉ xuyên suốt trong những cung bậc cảm xúc của “Xa em”. Hay nhớ về người phụ nữ mà mình yêu thương, nhưng vì một lý do nào đó, không nên duyên nợ, mình phải cố quên: Duyên lỡ rồi. Trăng tròn mà lòng khuyết… Cả mùa trăng tròn anh uống để quên em (Thu lỡ hẹn).
Không bóng bẩy, hào nhoáng, ca từ của Nguyễn Thành Trung tựa như những câu nói bật thốt ra sau những chất chứa, dồn nén của cảm xúc. Những giằng xé trong nội tâm trên nền nhạc nhẹ nhàng, da diết nên không làm cho nỗi buồn mang vẻ u ám mà nỗi buồn ấy, như phút tĩnh lặng để lắng lại xúc cảm của mình, lưu dấu vào bên trong những trải nghiệm, những xót xa, để rồi lại mở lòng đón nhận những hoan ca.
“Anh sẽ đến như bình minh” là như thế. Một niềm yêu đời, yêu người tỏa lan. “Anh sẽ đến như cành hoa, long lanh và tươi thắm. Anh sẽ đến như câu ca và lời em khẽ hát. Bình minh theo mỗi bước em đi, cho ấm áp con tim. Để cho em biết rằng, mang cả cuộc đời anh đến dành cho em”…
“Về với biển” lại là cảm xúc của một người mang nhiều suy tư, trải nghiệm đứng trước biển. Vết chân bị sóng xóa nhòa, đứng trước biển, mắt nhìn xa xăm và tự hỏi lòng biển mênh mông thế, biển có đau không? “Biển cũng thở than, cũng gieo giông tố, bạc đầu sóng vỗ muôn trùng. Biển ồn ào xô, nỗi đau lên bờ, xóa điều đã cũ”… Biển là tình anh, mênh mông rộng lớn, ngát xanh ngàn đời, chờ người về đây, trời xanh mây trắng, với biển tự tình.
“Đê chiều” đưa người nghe về với không gian làng quê đã xa xôi với bãi bồi bãi lở, cô thôn nữ gánh nước hình như gánh mặt trời chiều…. “Bãi bồi, bãi lở dọc bến sông. Bao cô yếm thắm đã có chồng. Bao cô má phai vì mơ mộng. Một mình gánh nước vẫn ở không”- sự duyên dáng trong miêu tả, sự tươi vui trong nét nhạc đã tô vẽ lên một bức tranh làng quê trong ký ức của những người đã vào tuổi ưa hoài niệm.
Nối dài âm hưởng tươi vui đó còn là khát vọng, là sự tri ân với cuộc đời ở ca khúc kết “Thu trả cho đời”.
Không phải là người chuyên viết nhạc, nhưng không phải người viết nhạc chuyên nghiệp nào cũng viết được như Nguyễn Thành Trung. Mỗi ca khúc của anh đều đậm chất tự sự, nhiều nỗi niềm, đầy những hoài niệm, rất dịu dàng nhưng đôi khi cuồng nhiệt, mạnh mẽ, có khi cũng khiến người ta đau lòng. Nhưng sau tất cả vẫn luôn để lại những xúc cảm dịu dàng, lãng mạn, say đắm, yêu đời đến tha thiết.
“Xa em” của Nguyễn Thành Trung đem đến cho khán giả những phút giây phiêu lãng nhưng cũng nhiều suy tư, dịu dàng, ấm áp nhưng cũng đầy trăn trở, khát khao, để đến với những cảm xúc, những điều đẹp đẽ của cuộc sống.