World Cup lạ của chàng khiếm thị

Đình Phong |

(Soha.vn) - Dù khiếm thị nhưng anh Hoàng Văn Lý gần như không bỏ sót trận World Cup nào. Mỗi lần thức trắng đêm xem, vợ con anh phải “sơ tán” lên gác xép.

Vợ con đi “sơ tán” vì chồng xem World Cup

Khá bất ngờ khi Hoàng Văn Lý (sinh năm 1982 tại Phúc Thọ, Hà Nội) kể rằng những người khiếm thị như anh xem World Cup bằng cả ti vi và đài cùng bật 1 lúc. Anh lý giải bật đài để nghe tường thuật chi tiết cầu thủ nào sút góc trái hay phải, đường bóng đi ra sao; còn ti vi cho biết thông số trận đấu và thông tin nền mà bình luận viên cung cấp.

Anh còn khoe rằng, hơn 1 tháng trời qua đã xem được 70-80% số trận của World Cup 2014, đồng nghĩa đó là rất nhiều đêm thức trắng khiến bà ngoại, vợ con vì “chiều” anh phải “sơ tán” lên gác xép.

Hiện nay anh Lý là Phó Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm, cộng tác viên kênh VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam). Từ khi còn nhỏ mắt anh mờ dần, chạy chữa nhiều nơi, bác sỹ chuẩn đoán anh bị đục thủy tinh thể.

Anh Hoàng Văn Lý kể rằng mỗi lần xem bóng đá người khiếm thị phải bật đài và ti vi cùng 1 lúc.
Anh Hoàng Văn Lý kể rằng mỗi lần xem bóng đá người khiếm thị phải bật đài và ti vi cùng 1 lúc.

Với tình yêu, đam mê trái bóng đến quên ăn, quên ngủ, anh Lý gần như không bỏ trận cầu nào từ vòng bảng. Anh kể rằng, vì không thể thấy cầu thủ trên sân qua màn hình ti vi nên mỗi lần xem bóng đá mình phải bật âm lượng khá to để nghe rõ. Tuy vậy, bà ngoại và vợ con đã di chuyển mà không càu nhàu hay than phiền suốt gần một tháng nay.

“Vợ ủng hộ hoàn toàn việc mình thức đêm xem đá bóng,“chiều” một tí vì bóng đá là sở thích từ nhỏ của mình. Cô ấy còn tâm lý đến mức mua sẵn cà phê, mì tôm, bánh mì…để trong nhà cho mình ăn đêm.

Mình nghĩ mọi người vợ đều ủng hộ chồng xem bóng đá nếu họ xem một cách chân chính, văn minh, vì sở thích chứ không phải lấy cớ để tụ tập bạn bè bia rượu, cá cược. Đàn ông thích bóng đá và có trách nhiệm với gia đình, không ảnh hưởng đến công việc thì chẳng người phụ nữ nào cấm cản hay phản đối cả”, anh Lý nói thêm.

Vì thói quen thức khuya bóc băng, viết bài thường xuyên nên anh Lý không cảm thấy quá mệt mỏi khi trắng đêm. Có nhiều đêm xem 3 trận kéo dài đến 5–6 giờ sáng, anh chỉ kịp chuẩn bị đồ, bữa ăn sáng rồi đi làm. Cả ngày hôm đó, anh uống cà phê để tỉnh táo và tranh thủ chợp mắt khoảng 30 phút đến 1 tiếng lấy lại sức.

“Mùa Hè Italia 90” và đá bóng bằng quả bưởi non

World Cup trong ký ức tuổi thơ của anh là bài hát “Mùa Hè Italia”, là World Cup 1990 khi anh 8 tuổi. Thời bấy giờ chưa có điện, cả làng anh chỉ có chiếc vô tuyến đen trắng chạy bằng bình ắc quy. Không như những đứa trẻ trong làng rủ nhau đi xem phim, anh bám theo các anh lớn để xem bóng đá.

Chỉ xem được 1-2 trận nhưng cậu bé khiếm thị 8 tuổi lúc ấy mê bóng đá lắm. Ngày nào cậu cũng mở chiếc đài chạy bằng pin để nghe phát thanh theo dõi tin tức World Cup, mỗi lần có nhạc hiệu bài hát "Mùa Hè Italia" là chạy vào ngay.

Từ đó, hàng ngày cậu rủ mấy đứa trẻ trong xóm đá trong sân nhà rất rộng, quả bóng là trái bưởi non nhặt trong vườn. Đến năm 1990, anh chuyển lên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội (trường học sinh khiếm thị học hòa nhập –PV) để học và bắt đầu biết đến quả bằng nhựa, bằng cao su là như thế nào.

“Cả trường có một quả bóng cao su bên trong có chuông cho học sinh khiếm thị đá nên rất quý, không dám mang ra ngoài sân trường vì sợ mất. Lúc bấy giờ chưa có luật lệ, đội hình nào cả, mấy đứa cầm quả bóng lăn từ bên này sang bên kia bằng tay. Lần mất bóng không có bóng chuông chơi nữa đành lấy hộp xà phòng kem bằng hình trụ mềm để đá”, anh kể lại với sự thích thú.

Đến năm 1996, thích đá bóng quá nên nhóm anh góp tiền mua quả bóng nhựa 5 nghìn đồng để chơi. Nhiều lần đang tranh bóng trên sân, quả bóng dừng lại, cả nhóm nhốn nhác “chịu chết” không biết bóng nằm ở đâu vì không nhìn thấy.

Vì toàn bộ cầu thủ nhí trên sân đều khiếm thị nên bắt buộc hai người thủ môn phải nhìn thấy một chút để đảm nhận vai trò “đi tìm bóng”. Anh kể có lần tìm 10-15 phút mới thấy bóng ở đám cỏ góc trường, khó nhất là lúc đá trận 9 giờ tối.

“Thích bóng đá quá nên mấy bạn trong KTX rủ nhau chơi bóng lúc 7 – 9 giờ tối. Đèn trong sân rất yếu nên tìm bóng rất khó, chỉ cần nhỡ chân đá bóng bổng là mất. Không ít lần mất bóng, mấy đứa trèo lên cây hô vọng ra ngoài “có ai nhặt được quả bóng cho xin lại với ạ””, anh Lý kể lại.

Anh Lý kể lại tuổi thơ bóng đá với Mùa hè Italia 90.
Anh Lý kể lại tuổi thơ bóng đá với "Mùa hè Italia 90".

Ước trở thành huấn luyện viên

Tình yêu bóng đá ngấm vào máu, ăn vào da thịt của anh từ những ngày ấy. Anh tâm sự rằng ngày nhỏ anh không ước mơ là một cầu thủ bóng đá siêu sao mà muốn trở thành một huấn luyện viên hay bình luận viên.

Bởi mỗi trận đấu anh thường nghiên cứu chiến thuật chơi, sử dụng người của huấn luyện viên đó. Thông tin không bao giờ anh bỏ sót trước trận đấu chính là khi bình luận viên công bố đội hình ra sân, sơ đồ chiến thuật của mỗi đội.

“Khi BLV xướng tên cầu thủ nào đang giữ bóng mình có thể hình dung ra anh ấy đang chạy ở đâu trong sân, không phải lúc nào cũng đúng nhưng mình thuộc vị trí của từng cầu thủ của mỗi đội.

Giờ mình hoàn toàn đọc ra các cầu thủ của đội tuyển Pháp World Cup 98, tự tin đọc đúng số áo của 90% cầu thủ Man United vô địch C1 năm 1999”, anh Lý khẳng định chắc nịch.

Trong suy nghĩ của anh về bóng đá, không bao giờ anh nguôi mong muốn trở thành bình luận viên bóng đá.

“Nếu không khiếm thị mình có thể trở thành bình luận viên, huấn luyện viên có thể hơi hão huyền vì mình không có đôi mắt sáng như người thường. Nếu mình là bình luận viên bóng đá, mình sẽ bình luận theo cảm nhận của người khiếm thị bằng đôi tai, trái tim và đôi mắt mờ”, anh Lý trải lòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại