World Cup 2014 tròn 1 tuần: Mưa gôn, người hùng và kẻ thủ ác

World Cup 2014 đã diễn ra tròn một tuần. Và đến phút này, đã có thể nói rằng nó là một giải đấu thành công, ít nhất là về mặt bóng đá.

Những cơn mưa gôn

Cho đến khi loạt đấu đầu tiên kết thúc, đã có 49 bàn thắng được ghi trong 16 trận, trung bình hơn 3 bàn/trận. Kể từ World Cup 1954Thụy Sĩ đến giờ, giải đấu này không có tỉ lệ bàn thắng trung bình cao như thế.

Đó là một hiện tượng đột biến, nếu xét đến số bàn thắng “thảm hại” của World Cup 2010, chỉ trung bình 2,27 bàn/trận.

Những trận cầu mãn nhãn đã được tạo ra. Hà Lan hủy diệt đương kim vô địch Tây Ban Nha 5-1. Đức đè bẹp Bồ Đào Nha 4-0. Người ta thống kê được rằng, trên sóng truyền hình Brazil lúc này, thì từ được các bình luận viên dùng nhiều nhất là “contraataque” - tức là phản công.

“Phản công” xưa nay thường được gắn với thứ bóng đá phòng ngự chờ thời. Nhưng nay, khi phản công nối lên phản công, thì đó đơn giản là bóng đá cống hiến: Cứ sau mỗi đợt tấn công của đội này, thì đội kia lại phản công, nối tiếp nhau liên tục và các BLV cứ phải gào “contraataque” khản cả giọng.

Bàn thắng đang là một thứ đặc sản ở World Cup 2014

Đó là một nghịch lý nếu xét đến những gì người ta trông đợi ở Brazil: Vùng đất nhiệt đới này đón các vị khách châu Âu bằng một khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt. Nhiều đội tuyển châu Âu đã phải tập trong phòng xông hơi để chuẩn bị tinh thần cho cái nắng nóng của vùng nhiệt đới. Không ai dám nghĩ rằng họ sẽ chạy nhiều trên đất Brazil.

Thế mà rốt cục thì họ lại còn chạy sung hơn bình thường. Với tốc độ 37 km/h, Robben đã lập kỷ lục thế giới mới về tốc độ nước rút của một cầu thủ bóng đá khi vượt qua Ramos để ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha. Hoặc cứ nhìn cái cách mà người Đức hoạt động trong hiệp 2 trận gặp Bồ Đào Nha.

Khi đó, họ đã dẫn 3-0, trời nắng gắt và ai cũng tưởng rằng nhiệm vụ của thày trò Joachim Loew trong hiệp 2 chỉ là “kê xe tăng” trước khung thành để bảo vệ chiến thắng. Ấy vậy mà, rất nhiều pha bóng tốc độ vẫn được tạo ra, như thể Đức chưa hề dẫn trước.

Người hùng và kẻ tội phạm

Nghề trọng tài là một nghề đặc biệt, khi nó có thể cùng lúc biến người ta thành người hùng của bên này, nhưng là kẻ cắp với bên kia. Những người yêu bóng đá hẳn vẫn còn nhớ “bàn thắng ma” mà trọng tài đã tặng đội tuyển Anh ở chung kết World Cup 1966. Trọng tài Tofik Bahramov đã mang lại chiến thắng cho Anh bằng việc công nhận bàn thắng gây tranh cãi.

Tất nhiên, người Đức coi Bahramov là tên tội phạm. Và cũng tất nhiên, người Anh hàm ơn ông: Đến tận nhiều năm sau, các CĐV Anh khi có dịp đến thăm quê hương Azerbaijan của vị trọng tài này, vẫn đặt hoa lên mộ ông như một lời cảm ơn.

World Cup 2014 đến giờ phút này đã tạo ra rất nhiều Bahramov. Nếu Brazil có thể đăng quang tại giải đấu năm nay, thì có thể nhiều năm sau, người dân nước này vẫn cảm ơn Yuichi Nishimura - vị trọng tài người Nhật đã tặng cho họ một quả penalty trong trận ra quân.

Hoặc không đến mức hàm ơn, nhưng rõ là người Đức có quyền thiện cảm với trọng tài Milorad Mazic vì đã đuổi Pepe và giúp họ có một trận thắng hào sảng. Người Bồ Đào Nha, thì tất nhiên là căm hận ông trong tình huống rút thẻ đỏ đầy tranh cãi.

Chiếc thẻ đỏ gây tranh cãi của Pepe trong thất bại 0-4 của Bồ Đào Nha trước ĐT Đức

Những cầu thủ cũng thế. Thomas Muller - người đã lập hat-trick cho ĐT Đức trong trận ra quân, là người hùng dân tộc. Nhưng trong mắt đối phương, anh chỉ là một kẻ ăn vạ khiến Pepe nhận thẻ (ảnh).

Những cơn mưa gôn, những người anh hùng và những kẻ thủ ác đã được tạo ra liên tục chỉ sau một vòng đấu của World Cup 2014. Có quá nhiều cảm xúc. Và khi gạt qua những vấn đề chính trị xã hội để nhường chỗ cho bóng đá thuần túy, thì đó chẳng phải là một giải đấu quá thành công rồi hay sao?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại