Brazil đã vượt qua vòng bảng không mấy khó khăn khi có 2 trận thắng và 1 trận hòa để dẫn đầu bảng A. Tuy vậy, ở vòng 16 đội, đội bóng của HLV Scolari phải chờ tới loạt đá luân lưu thì mới có thể đánh bại được Chile sau khi hai đội hòa nhau 1-1 sau 120 phút. Ở vòng tứ kết, tuy hạ gục được Colombia trong 90 phút nhưng Brazil đã trình diễn một thứ bóng đá xấu xí và được trọng tài trợ giúp không ít.
Ở bán kết, Brazil bị tổn thất lực lượng nghiêm trọng: mất Neymar (chấn thương) và Thiago Silva (treo giò). Với lối đá không có bài bản như hiện nay, Brazil sẽ phải trông chờ vào các tình huống cố định, sự cổ vũ của khán giả nhà và cả sự ưu ái của trọng tài mới có thể đánh bại được Đức.
Chân sút hàng đầu: Neymar (4 bàn)
Thành tích: Vô địch vào các năm 1958, 1962, 1970, 1994 và 2002.
Đối thủ ở bán kết: Đức
Đức
Như Brazil, Đức đã vượt qua vòng bảng khá thuyết phục nhưng phải chật vật mới đánh bại được Algeria ở vòng 1/8. Ở tứ kết, Đức thi đấu khởi sắc hơn. Tuy không chơi đẹp mắt nhưng HLV Joachim Loew đã chọn được đấu pháp hợp lý, giúp Đức hạ gục được Pháp, lần thứ 4 liên tiếp lọt vào bán kết World Cup, một kỷ lục mới.
Ở bán kết, Đức nhỉnh hơn hẳn Brazil về lực lượng và lối chơi. Tuy nhiên, hạn chế của Đức là tinh thần và khả năng dứt điểm. Như ở trận gặp Pháp, dù tạo được cả tá cơ hội, Đức cũng chỉ ghi được 1 bàn. Nếu không biết chắt chiu cơ hội, đoàn quân của ông Loew có thể phải trả giá trước Brazil của HLV cáo già Felipe Scolari.
Chân sút hàng đầu: Thomas Mueller (4 bàn)
Thành tích: Vô địch các năm 1954, 1974 và 1990.
Đối thủ ở bán kết: Brazil
Hà Lan
Dù không được đánh giá là ứng viên vô địch khi World Cup bắt đầu nhưng Hà Lan lại đang là đội có phong độ ấn tượng bậc nhất giải đấu tính tới thời điểm này. Họ đã toàn thắng ở vòng bảng, đè bẹp Tây Ban Nha tới 5-1. Ở vòng 1/8 và tứ kết, Hà Lan thi đấu không thật sự ấn tượng nhưng cũng cho thấy bản lĩnh và sự đoàn kết, những điểm các thế hệ trước luôn thiếu.
Với lực lượng phần lớn là các cầu thủ thủ không mấy tên tuổi, ngôi sao sáng nhất của Hà Lan lúc này là HLV Louis van Gaal. Ở mỗi trận đấu, thậm chí thời điểm, ông Van Gaal luôn chọn ra được đấu pháp hợp lý nhất cho “Oranje”. Ở trận tứ kết vừa qua, ông Van Gaal cũng cho thấy tài năng của mình khi tung thủ môn Tim Krul vào sân ở những phút cuối hiệp phụ thứ 2 để bắt penalty và cuối cùng, Krul đã thành người hùng.
Chân sút hàng đầu: Arjen Robben, Van Persie (3 bàn)
Á quân: 1974, 1978, 2010
Đối thủ ở bán kết: Argentina
Argentina
Không thể hiện được sự sắc sảo và lối chơi bùng nổ nhưng Argentina vẫn lọt vào bán kết World Cup 2014 nhờ sự bùng nổ của Lionel Messi, ngôi sao sáng nhất tại World Cup 2014 lần này. Từ ghi bàn tới kiến tạo, khuấy đảo hàng thủ đối phương, một mình Messi gần như gánh cả hàng công Argentina.
Ở vòng đấu tới, Argentina sẽ gặp khó khăn do mất chân chuyền Di Maria, vừa dính chấn thương. Khi đó, vai trò của Messi sẽ càng quan trọng hơn gấp bội. Nếu có thể tỏa sáng, một mình kéo đội nhà vào chung kết như Diego Maradona đã làm cách đây gần 30 năm, Messi xứng đáng được tôn vinh và là ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu Quả bóng vàng thế giới năm 2014.
Chân sút hàng đầu: Lionel Messi (4 bàn)
Vô địch: World Cup 1978, 1986
Đối thủ ở tứ kết: Hà Lan