Cúp vàng còn ở Nam Mỹ không?

Bảo Nam |

(Soha.vn) - Người Nam Mỹ thở phào vì Argentina vừa cứu World Cup trên đất Nam Mỹ thoát khỏi cuộc xâm lăng của 2 đội tuyển châu Âu. Thế nhưng…

1. Đức vừa trở thành đội tuyển thứ 3 trong lịch sử lọt vào một trận chung kết World Cup trên đất Nam Mỹ, và có lẽ người Đức biết rất rõ: Cả 2 đội tuyển châu Âu trước đó (CH Czech 1962 và Hà Lan 1978) đều đã thất bại. Cho đến bây giờ, vẫn chưa có quốc gia nào giật được cúp vàng từ tay người Nam Mỹ, khi họ là nước chủ nhà.

Kỷ lục này luôn được coi là niềm tự hào của các quốc gia Nam Mỹ, và phần nào, nó cũng chính là động lực chiến đấu cho Argentina trong trận chung kết.

Ở đây, chúng ta khoan bàn đến chuyện liệu ĐT Đức có phá được cái dớp châu Âu không thể vô địch trên đất Nam Mỹ hay không. Điều đáng nói ở đây là niềm tự hào của người Nam Mỹ liệu có còn thích hợp trong xu thế bóng đá thời hiện đại hay không.

Argentina liệu có giữ được cúp vàng ở Nam Mĩ

Argentina liệu có giữ được cúp vàng ở Nam Mĩ

2. Việc châu Âu không thể vô địch ở Nam Mỹ, hay ngược lại, những quốc gia Nam Mỹ rất khó lên ngôi mỗi khi World Cup tổ chức ở các nước châu Âu (mới chỉ có duy nhất Brazil làm được điều này) trước đây, vốn liên quan đến câu chuyện bản sắc. Người Nam Mỹ tự hào vì họ sản sinh ra những đội tuyển hoang dã và bùng nổ.

Ở châu Âu chẳng thể tìm thấy một Diego Maradona dắt bóng qua 5, 6 cầu thủ trước khi ghi bàn. Cũng không thể tìm thấy những cầu thủ nhảy múa, lắc hông sau khi ghi bàn.

Thứ cảm xúc bóng đá cuồng nhiệt, thậm chí là cuồng si là đặc sản của người Nam Mỹ. Trong mắt họ, châu Âu lạnh lùng, khoa học. ĐT Đức sau khi ghi bàn xong, ăn mừng theo kiểu túm năm tụm ba lại thành một nhóm. Điều đó đôi khi làm mất đi một giá trị cảm xúc trong bóng đá: Cảm giác sướng mắt khi chứng kiến một màn ăn mừng xúc động.

Messi có cứu được Argentina?

Messi có cứu được Argentina?

3. Nhưng tất cả niềm tự hào đó đã lùi sâu vào quá khứ. Nam Mỹ đang bị Âu hóa rõ rệt.

Hãy thử làm một phép so sánh nhanh: Argentina của năm 1896 (năm họ vô địch World Cup) chỉ có đúng 5 cầu thủ thi đấu ở châu Âu. Vào thời điểm đó, những tên tuổi như Dòng sông bạc River Plate, Boca Juniors, Independiente, Vélez Sársfield vẫn nuôi dưỡng khá nhiều nhân tài cho bóng đá Argentina. Khi gọi 5 cầu thủ châu Âu trở về tập trung đội tuyển (trong đó có cả Diego Maradona đang chơi bóng ở Napoli), chất Nam Mỹ vẫn còn nguyên vẹn vì nó là sản phẩm của số đông. Ngày đó, niềm tự hào của các quốc gia Nam Mỹ dạy các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu rằng: Họ phải chơi bóng như một người Argentina, người Brazil đích thực.

Nhưng Argentina của năm 2014 đã khác hoàn toàn. Chỉ có đúng 3 cầu thủ đang thi đấu trong nước, trong đó Maxi và Gago thực chất không còn chỗ đứng ở châu Âu mới trở về quê nhà chơi bóng.

Đa phần các cầu thủ Argentina bây giờ đều sinh sống ở châu Âu. Họ ăn thức ăn của châu Âu, mặc đồ hiệu châu Âu, cử xử theo phép tắc của châu Âu và đá bóng cũng theo kiểu châu Âu. Hãy thử nhìn Messi bây giờ là rõ. Trước đây, Messi xuất hiện trong một diện mạo hoang dã hơn thể hiện phần nào qua mái tóc dài bồng bềnh. Còn Messi hôm nay xuất hiện với mái tóc thời trang có vuốt gel. Một hình ảnh tiêu biểu cho sự âu hóa.

Chúng ta đều cảm nhận rất rõ hành trình vào đến chung kết World Cup 2014 của Argentina hoàn toàn không giống với Mexico 86. Không có điệu Tango nào cả. Argentina hôm nay toan tính, chặt chẽ, thô nhám hệt như một đội bóng châu Âu. Và thực tế thì chẳng riêng gì Argentina, Brazil, Chile cũng còn rất ít chất Nam Mỹ.

Vậy nếu tự các cầu thủ đã xóa nhòa đi ranh giới giữa châu Âu và Nam Mỹ, thử hỏi người Nam Mỹ còn tự hào gì với kỷ lục chưa để Cúp vàng chạy ra châu Âu? Nếu Argentina vô địch, thực chất việc ngai vàng World Cup ở lại với Nam Mỹ chỉ là chuyện hình thức bề ngoài. Người châu Âu mới là chủ nhân thực chất của chiếc cúp đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại