Ngày 19/8/2019, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Vụ thử (trong ảnh) được tiến hành hôm 18/8 tại đảo San Nicolas, bang California. Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đầu tháng 8 này. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Washington Post, chủ đề trên đã được đưa ra tại một hội nghị gồm những quan chức cấp cao đại diện cho các cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận nào về việc tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Quyết định cuối cùng được đưa ra là triển khai những biện pháp khác nhằm ứng phó với những mối đe dọa từ bên ngoài và tránh khả năng nối lại hoạt động thử hạt nhân.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới, đặc biệt sau khi Mỹ liên tục tuyên bố rút khỏi nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng. Mới đây nhất, ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở vốn cho phép các quốc gia tham gia (34 quốc gia) công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên.
Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà nhà lãnh đạo này quay lưng kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017. Trước đó, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988. Ngoài ra, ông Trump cũng để ngỏ khả năng chấm dứt một thỏa thuận khác là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START) ký kết với Nga năm 2010 và cần được gia hạn vào đầu năm 2021.