Tờ Bild viết, Mỹ đang đe dọa Đức bằng các biện pháp trừng phạt đối với dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” (Nord Stream-2), trong khi Berlin không có kế hoạch phản ứng.
Theo Die Welt, Hoa Kỳ đã tổ chức hai hội nghị trực tuyến với các nhà thầu tham gia thi công đường ống dẫn khí từ Đức và các nước châu Âu khác, để thẳng thắn “chỉ ra những hậu quả sâu xa của việc tham gia dự án”. Trong những hội nghị này có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.
“Đây được coi là mối đe dọa nghiêm trọng”, nguồn tin của tờ Die Welt cho biết.
Tờ báo Đức nhấn mạnh, các vị quan chức Mỹ nêu rõ phía Hoa Kỳ muốn ngăn chặn việc hoàn thành “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Trước đó, Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm 2021, trong đó có điều khoản mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố Điện Kremlin lo ngại về những biện pháp trừng phạt chống đường ống dẫn khí đốt, bước đi như vậy là không thể chấp nhận và trái với luật pháp. Ông Peskov nhấn mạnh, tình hình sẽ được phân tích để hoạch định chiến lược hướng tới thực hiện trọn vẹn dự án.
Washington "đâm" sau lưng Berlin?
“Đối với người Mỹ, đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” từ lâu đã giống như một vật cản chướng mắt”, Die Welt viết.
Và bây giờ họ đang gia tăng áp lực đối với các công ty Đức và châu Âu trong nỗ lực cản trở dự án. Để gia tăng áp lức, họ đã tổ chức các cuộc đàm phán với từng người trong số họ. Theo các nguồn tin, có 12 đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và đại diện ngành năng lượng đã nói chuyện với các nhà thầu “Dòng chảy phương Bắc 2”.
“Người Mỹ nói bằng giọng thân thiện rằng họ sẽ không cho phép xây dựng đường ống”, một nhà thầu giấu tên cho biết.
Theo nhà thầu này, nếu Hoa Kỳ ban hành luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt, các doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện dự án Nga-Đức cũng như các ngân hàng của họ có thể mất quyền tiếp cận vào thị trường Mỹ. Đồng thời, nhân viên của các công ty này có thể bị cấm vào nước Mỹ.
“Đây là một sự vi phạm rõ ràng về chủ quyền kinh tế của châu Âu”, đại diện một công ty cho biết. Các doanh nghiệp khác chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào. Bộ Ngoại giao Đức xác nhận họ biết việc người Mỹ đang đàm phán với các công ty Đức và đang liên lạc với các doanh nghiệp này để thảo luận.
“Quan hệ giữa Washington và Berlin đang ở trong một “tình trạng đáng buồn” vì Hoa Kỳ đe dọa trực tiếp các công ty Đức bằng các biện pháp trừng phạt mà không có sự tham khảo ý kiến nào với chính quyền Đức”, Giám đốc Ủy ban kinh tế Đức về Quan hệ kinh tế Đông Âu Michael Harms cho biết.
“Nếu chúng tôi cho phép các nước khác can thiệp vào chính sách năng lượng của chúng tôi, điều này sẽ trở thành một tiền lệ nguy hiểm. Một ngày nào đó, điều tương tự có thể xảy ra đối với Trung Quốc”, ông Harms nhấn mạnh.
“Liên minh châu Âu (EU) cần phải hoạt động hiệu quả hơn để chống lại điều này. Cần phải tránh các quốc gia khác nảy ra ý tưởng tương tự”, ông Harms lưu ý.
Theo ông Harms, những lời khẳng định của người Mỹ bằng cách nói việc mua khí đốt của Nga là Đức đang tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga là “không công bằng” và “sai lầm”.
Vì vậy, nếu Washington muốn làm suy yếu và giảm doanh thu của Nga, họ có rất nhiều cơ hội cho việc này. Thay vào đó, người Mỹ đang thông qua luật trừng phạt sẽ chỉ ảnh hưởng đến người châu Âu.
Cũng theo ông Markus Pieper, thành viên Đức tại Nghị viện châu Âu, các mối đe dọa của Mỹ là “sự vi phạm rõ ràng tất cả các quy tắc có thể có của luật thương mại”. Ông Pieper không hài lòng với thực tế rằng “các công ty Đức bị đánh đồng với Iran”. “Không có thời gian cho những trò đùa”, chính trị gia người Đức phàn nàn.
Mới đây, Duma quốc gia Nga gia đã đánh giá việc mở rộng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với “Dòng chảy phương Bắc-2”. Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Duma quốc gia Nga Pavel Zavalny tự tin rằng Nga vẫn sẽ hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream-2, bất chấp các biện pháp trừng phạt tăng cường của Mỹ.
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Dự án trị giá 11 tỉ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.