70.000 USD mỗi phút.
4 triệu USD mỗi giờ.
100 triệu USD mỗi ngày.
Đó là những con số không tưởng cho thấy khối tài sản của Waltons, gia tộc đứng sau Walmart Inc., đã và đang tăng với tốc độ kinh khủng ra sao kể từ sau khi Bloomberg công bố bảng xếp hạng các gia tộc giàu có nhất thế giới vào năm ngoái.
Với tốc độ đó, tài sản của họ đã tăng thêm 23.000 USD kể từ khi bạn bắt đầu đọc bài viết này. Trong khoảng thời gian đó, một nhân viên mới của Walmart đã kiếm được khoảng 6 cent trong khoản lương tối thiểu 11 USD/giờ của họ.
Ngay cả trong thời đại của những người siêu giàu và của sự bất bình đẳng đến tàn bạo, thì sự tương phản đó vẫn khiến chúng ta rợn người. Những người thừa kế của Sam Walton, nhà sáng lập nổi tiếng tằn tiện của Walmart, đang tích lũy tài sản ở một quy mô gần như chưa từng có tiền lệ - và họ không hề đơn độc.
Tài sản của gia tộc Waltons đã tăng thêm 39 tỷ USD, đạt mức 191 tỷ USD, kể từ khi họ chiếm lấy vị trí đầu bảng xếp hạng các gia tộc giàu nhất thế giới vào tháng 6/2018.
Từ trái sang: Alice Walton, Jim Walton và Rob Walton, những người con của nhà sáng lập Walmart, Sam Walton.
Các "đế chế" Mỹ khác cũng không chịu thua kém gia tộc Waltons khi xét về khối tài sản họ đang tích lũy. Gia tộc Mars, đứng sau hãng bánh kẹo Mars danh tiếng, trong năm qua đã kiếm được 37 tỷ USD, nâng tổng giá trị tài sản lên 127 tỷ USD. Gia tộc Kochs thì kiếm được 26 tỷ USD, hiện có khối tài sản 125 tỷ USD.
Còn trên toàn cầu thì sao?
Những người giàu có nhất nước Mỹ, chiếm 0,1% dân số nước này, hiện kiểm soát khối tài sản có giá trị lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử kể từ năm 1929, nhưng các đại gia châu Á và châu Âu nào đâu ngồi yên. Trên toàn thế giới, 25 gia tộc giàu có nhất hiện nắm trong tay gần 1,4 nghìn tỷ USD, tăng 24% so với năm ngoái.
Bất bình đẳng đang trở thành một vấn đề chính trị lớn, bùng nổ ở khắp nơi, từ Paris, đến Seattle, đến Hong Kong. Nhưng làm thế nào để thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa giàu và nghèo?
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, thậm chí một số tỷ phú cũng bắt đầu ủng hộ các giải pháp như đánh thuế tài sản.
"Nếu chúng ta không làm điều gì đó như thế này, thì chúng ta sẽ làm gì, cứ tích trữ tài sản vào một quốc gia đang chia rẽ trước những xung đột?" - Liesel Pritzker Simmons, thành viên gia tộc đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng của Bloomberg, nói hồi tháng 6. "Đây không phải là nước Mỹ chúng ta muốn sống".
Đừng quên nhắc đến một gia tộc mới xuất hiện trong "bảng vàng" năm nay: Hoàng tộc Ả-rập Saudi.
Hoàng tộc Saudi có giá trị 100 tỷ USD, được tính dựa trên các khoản tiền tích lũy mà các thành viên hoàng tộc ước tính đã nhận được trong vòng 50 năm qua từ Royal Diwan, văn phòng điều hành của nhà Vua.
Đó là một con số thấp đáng ngờ. Suy cho cùng, gã khổng lồ dầu lửa Saudi Aramco, trụ cột của nền kinh tế Saudi, là công ty sinh lời nhất thế giới. Vương quốc này đang kỳ vọng sẽ đưa công ty lên sàn chứng khoán với giá trị ước tính 2 nghìn tỷ USD.
Saudi Aramco
Trên thực tế, việc tính toán tài sản của các đại gia tộc công nghiệp cũng chỉ mang tính tương đối. Tài sản của họ được tích lũy qua nhiều thập kỷ, đôi lúc là nhiều thế kỷ, dưới nhiều hình thức khác nhau, và các khoản cổ tức có thể khiến con số tài sản thực tế mà một gia tộc nắm trong tay thay đổi.
Ví dụ, giá trị ròng của gia tộc Rothschilds hay Rockefellers quá phức tạp và phân tán, không thể đánh giá được. Các gia tộc mà tài sản không thể được kiểm chứng cũng vắng mặt trong bảng xếp hạng.
Nhưng trong số các gia tộc hiện diện, hầu hết họ đều làm giàu nhờ lợi dụng tỷ suất lợi nhuận siêu thấp, các khoản cắt giảm thuế, các quá trình phi điều tiết hóa, và những cải tiến. Ví dụ, Koch Industries có một công ty đầu tư mạo hiểm. Thế hệ hiện nay của gia tộc Waltons thì đang thiết lập các tập đoàn của riêng họ.
Các gia tộc làm ăn phát đạt khác bao gồm chủ sở hữu của nhãn hiệu thời trang Chanel và gia tộc Ferrero ở Ý, vốn sở hữu các nhãn hiệu bơ Nutella và bạc hà Tic Tac. Tại Ấn Độ, tài sản của gia tộc Ambani tăng thêm 7 tỷ USD, đạt mức 50 tỷ USD.
So với năm ngoái, 25 gia tộc giàu nhất hành tinh đã kiếm được tổng cộng hơn 250 tỷ USD.
Và không phải mọi gia tộc giàu có đều giàu thêm như nhau. Gia tộc Quandt rớt 8 bậc sau một năm khó khăn của Bayerische Motoren Werke AG (BMW), khi vừa phải đối phó với tình hình căng thẳng thương mại và sự chững lại của thị trường toàn cầu, vừa phải đầu tư vào thị trường phương tiện chạy điện tự hành. Các gia tộc Dassault, Duncan, Lee và Hearst đều gặp tình trạng tương tự.
Và những điều này, theo nhiều cách, cho thấy tình hình đã đạt đỉnh điểm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và cả thế giới đang lo lắng về một đợt suy thoái toàn cầu.
"Sẽ rất khó khăn để duy trì sự giàu có lâu dài" - Rebecca Gooch, giám đốc nghiên cứu tại Campden Wealth cho biết. "Các công ty thuộc sở hữu gia đình có thể đi từ bùng nổ sang suy thoái, danh mục đầu tư của một gia đình có thể không đủ đa dạng hóa, và có thể có những vấn đề với sự chuyển dịch thế hệ".