Vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, giảm thuế để ghìm cương giá xăng?

Thuỳ An |

Từ 15h00 chiều nay (23/5), giá xăng trong nước đã thiết lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít.

Chiều nay (23/5) là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong kỳ điều chỉnh lần này, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh tăng 674 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 669 đồng/lít.

Như vậy giá xăng trong nước đã kỳ chiều chỉnh tăng lần thứ 4 liên tiếp, đồng thời thiết lập kỷ lục mới. Tính chung sau kỳ điều chỉnh này, tính từ đầu năm, giá xăng trong nước đã có 10 kỳ điều chỉnh tăng, trong khi chỉ có 3 lần điều chỉnh giảm.

Trong chiều ngược lại, tại kỳ điều chỉnh này, giá dầu được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu diesel 0,05S giảm 1.097 đồng/lít; dầu hoả giảm 763 đồng/lit; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 962 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, giá xăng dầu trong nước từ 15h00 chiều nay (23/5) là:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 29.633 đồng/lít

- Xăng RON95-III: không cao hơn 30.657 đồng/lít

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 25.553 đồng/lít

- Dầu hỏa: không cao hơn 24.405 đồng/lít

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.598 đồng/kg

Vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, giảm thuế để ghìm cương giá xăng? - Ảnh 2.

Giá xăng lập kỷ lục mới từ chiều nay (23/5)

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, vừa qua, giá xăng tăng do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân do có xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

Theo đại biểu Vân, nguồn cung xăng dầu bản chất không phải khan hiếm nhưng do bị đứt gãy cho nên trong một giai đoạn nhất định hàng hoá không chuyển tiếp tới người tiêu dùng. Vì vậy, giá xăng dầu bị đẩy lên cao. Giá xăng dầu đẩy lên cao dẫn tới tác động đầu vào của hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đại biểu Vân phân tích, liên quan tới việc kiểm soát giá xăng dầu, chúng ta đã sử dụng những công cụ như giảm tới 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel và sử dụng quỹ bình ổn. Những công cụ dự trữ về dư địa chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu giảm không đáng kể. Bởi việc giảm không bù đắp lại tỉ lệ phần trăm tăng giá.

Theo ông Vân, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng điều này có thể dẫn tới những lo ngại về lạm phát. Mặc dù báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh kinh tế hơn 4 tháng qua có triển vọng rất tốt. Hầu hết các lĩnh vực đều có tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến của chỉ số này có thể còn diễn biến phức tạp bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh khác.

“Tính bền vững trong tăng trưởng hết sức lưu ý. Khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% là khó theo mục tiêu đặt ra. Do vậy chúng ta phải tính tới các kịch bản điều chỉnh các chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu lạm phát” - ông Vân nói.

Cần hành động ngay?

Cũng liên quan đến nội dung lạm phát và giá xăng dầu, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhắc lại thời điểm giai đoạn năm 2008, lúc đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm cao làm lạm phát tăng rất nhanh.

“Khi đó lạm phát tăng tại Việt Nam lên tới 23%, chi phí giá cả hàng hoá tăng cao khiến đời sống người dân và doanh nghiệp vô cùng khó khăn”, ông Ngân cho biết.

Theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, “liều thuốc” thường được chọn đó là tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khoá…

“Năm 2008 lãi suất thị trường có thời điểm lên tới trên 20%, điều này tác động tiêu cực lớn đến tăng trưởng kinh tế. Như năm 2011 - 2012, tốc độ tăng trưởng chỉ hơn 5%. Cho nên với thời điểm đó chúng ta phải ban hành Nghị quyết 11 của chính phủ và Kết luận 02 của Bộ Chính trị, tại đây chúng ta chấp nhận không quan tâm đến tăng trưởng kinh tế mà ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội”, ông Ngân cho biết.

Vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, giảm thuế để ghìm cương giá xăng? - Ảnh 3.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần sớm có những giải pháp ghìm cương giá xăng dầu để kiểm soát lạm phát

Theo ông Ngân, hiện lạm phát của chúng ta đang ở mức thấp nhưng thời gian tới có thể sẽ tăng cao. Tại Mỹ, lạm phát đã lên đến 8,5% (cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu), Châu Âu thì lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.

“Trong kỳ họp này tôi sẽ có ý kiến, đề nghị quốc hội, chính phủ xem xét việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Hôm trước chúng ta mới chỉ giảm 50%. Bên cạnh đó là xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để kìm hãm giá. Chúng ta phải hành động gấp để ngăn lạm phát, nếu bệnh nặng phải dùng thuốc sẽ rất nặng ”, ông Ngân cho biết.

Bên cạnh xăng dầu, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần kiểm soát giá những loại giá cả “tát nước theo mưa” để đảm bảo an sinh xã hội bằng cách kiểm tra, kiểm soát yếu tố về chi phí, yếu tố về đầu vào để đảm báo minh bạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại