Sáng thứ hai 19/6, một nhóm tù nhân gồm 4 người, cầm đầu là Shaun Davidson, 33 tuổi mang quốc tịch Australia đã có một màn tẩu thoát ngoạn mục khỏi nhà tù Kerobokan ở Bali, Indonesia khiến dư luận nước này xôn xao.
Tại hiện trường vụ vượt ngục, cảnh sát đã phát hiện ra một cái hố kích thước 50x75 cm vừa đủ cho một người chui lọt đi từ phía sau bệnh xá ở bên trong nhà tù, xuyên qua bên dưới một bức tường rồi thông với lối ra nằm ở ngay chân tường bên ngoài nhà tù cạnh một con đường vắng.
Shaun Davidson, 33 tuổi cầm đầu một nhóm tù nhân vượt ngục ở nhà tù Kerobokan hôm 19/6.
Tony Nainggolan – giám thị nhà tù Kerobokan cho biết: "Đường hầm này dài khoảng 12m và nhóm tù nhân này phải mất ít nhất 1 tuần mới có thể đào được một đường hầm như thế.
Chúng tôi hiện đang tiến hành điều tra xác minh liệu những tên tù nhân này có nhận được sự giúp đỡ của lính canh cũng như tù nhân khác từ bên trong nhà tù hay không?"
Rudi Setyawan - Phó giám đốc Sở cảnh sát Bali về Tội phạm Đặc biệt lại cho biết rất có khả năng ai đó ở bên ngoài đã giúp đỡ cho những tù nhân này.
Ông nói: "Chúng tôi sẽ điều tra xem có ai ở bên ngoài đã giúp đỡ cho những tên này hay không. Chắc chắn quần áo của chúng đều dính đầy bùn đất sau cuộc tẩu thoát. Vì vậy, nếu nhìn thấy ai đó khả nghi với quần áo lấm lem bùn đất, xin hãy lập tức liên hệ với cảnh sát."
Đường hầm với kích thước 50x75 cm, dài 12m là con đường tẩu thoát của nhóm tù nhân.
Được biết, Davidson bị đưa đến nhà tù Kerobokan hồi tháng 8 năm ngoái với bản án 1 năm tù giam về tội sử dụng hộ chiếu của người khác. Davidson vượt ngục khi chỉ còn 2 tháng nữa là được mãn hạn tù.
Ở quê nhà, thành phố Perth của Australia, Davidson cũng đang bị truy nã với 4 tội danh bao gồm việc tàng trữ, cung cấp và buôn bán ma túy cùng các chất kích thích khác.
Davidson đã không tham dự phiên tòa xét xử tại Perth hồi tháng 1/2015 và bay đến Bali ngay sau khi lệnh bắt giữ được ban bố.
Cảnh sát đã tìm thấy một chiếc xẻng nhỏ được cho là dụng cụ được dùng để đào đường hầm.
Ở Bali, Davidson đã dành nhiều tháng để ăn chơi trước khi bị cảnh sát sờ gáy vì sử dụng hộ chiếu giả khi làm thủ tục thuê phòng tại một khách sạn ở Bali.
Theo đó, tên này đã sử dụng quyển hộ chiếu mang tên John Bayman nhưng hình ảnh bên trong lại không khớp với người thật.
Khi bị chất vấn, Davidsion lí luận rằng hình ảnh bên trong hộ chiếu được chụp khi đang tăng cân. Không đồng tình với cách lí giải trên, nhân viên khách sạn ngay sau đó đã lập tức báo cảnh sát bắt giữ Davidson.
Ba tù nhân còn lại cùng trốn ngục với Davidson lần lượt là Dimitar Nikolov Iliev, Sayed Mohammed Said và Tee Kok King. Theo ghi nhận, Dimitar Nikolov Iliev – 43 tuổi đến từ Bulgaria ngồi tù vì tội rửa tiền với bản án 7 năm tù giam.
Sayed Mohammed Said – 31 tuổi đến từ Ấn Độ bị tuyên án 14 năm tù vì tội buôn ma túy và đã thi hành được một nửa bản án. Tee Kok King – 50 tuổi với bản án 7 năm 6 tháng tù giam về tội buôn ma túy.
Hiện những tù nhân vẫn đang trên đường trốn chạy và cảnh sát Bali đã cho đăng tải hình ảnh của 4 tù nhân này trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như phát lệnh truy nã trên toàn quốc, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ từ chính quyền và người dân ở các địa phương khác.
Lệnh truy nã 4 tù nhân vượt ngục đã được chính quyền Bali ban bố trên phạm vi toàn quốc.
Kerobokan – "thiên đường" của tội phạm và ma túy
Theo ghi nhận, từ lâu nhà tù Kerobokan – nơi từng được ví như một nhà chứa hay "thiên đường" của ma túy đã bị quá tải nghiêm trọng.
Theo lời của Davidson khi chưa vượt ngục cho biết trong tuần đầu tiên sau khi bị tòa Denpasar tuyên án hồi tháng 9 năm ngoái, hắn ta đã phải chen chúc cùng 20 người khác trong một buồng giam nhỏ của nhà tà Kerobokan.
"Nó được xây dựng để giam giữ khoảng 300 tù nhân, nhưng ở đây có đến 1200 người, mọi người chen chúc nhau từng tấc đất. Khi nhà tù không có ngân sách, chúng tôi không có cái gì để ăn. Họ không cho chúng tôi bất kì thứ gì, kể cả thức ăn hay giường để ngủ", Davidson nói.
Nhà tù Kerobokan hiện đang bị quá tải nghiêm trọng.
Paul Conibeer một tù nhân đến từ New Zealand đã có 10 tháng sống bên trong nhà tù này cho biết có 2 điều nổi tiếng ở Kerobokan, một là tình trạng quá tải, hai là tội phạm và ma túy.
"Bạn có thể bị tuyên án tử hình nếu phạm tội buôn ma túy nhưng chính nhà tù này lại là một động chứa ma túy trong suốt 10 năm trời", Conibeer tức giận nói.
Chưa dừng lại ở đó, trong quyển sách "Tôi sống sót ở Kerobakan" của mình, Conibeer còn cho biết những lính canh của nhà tù luôn sẵn sàng nhận tiền hối lộ để làm việc cho tù nhân, từ việc giao pizza cho đến việc chăn dắt gái điếm đưa đến tận phòng giam cho tù nhân.
Nhà tù này còn thường xuyên xảy ra bạo loạn. Trong ảnh là hiện trường sau một vụ cháy - kết quả của một cuộc bạo loạn.
Nhà tù Kerobokan đã từng là nơi giam giữ những trùm buôn ma túy khét tiếng nhất của Úc như Schapelle Corby, Andrew Chan hay Myuran Sukumaran. Corby đã có 9 năm ở tại Kerobakan sau khi bị kết án về tội buôn lậu 4,1 kg ma túy năm 2005.
Chan và Sukumaran là người đứng đầu một nhóm buôn lậu ma túy gồm 9 người đều mang quốc tịch Úc. Chúng bị bắt khi cố buôn lậu 8 kg hê-rô-in ra khỏi Indonesia. Năm 2015, những tên trùm này đều đồng loạt bị xử tử sau gần một thập kỉ bị giam giữ tại Kerobokan.
Nhà tù Kerobokan là nơi giam giữ những trùm buôn ma túy khét tiếng của Úc.
Được biết, vượt ngục ở Indonesia không phải là một điều hiếm. Tuần rồi, 76 tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù Jambi ở Sumantra sau khi một cơn lũ lớn đánh sập bức tường của nhà tù.
Trong tháng 5 vừa qua, 442 tù nhân thuộc nhà tù Pekanbaru cũng nằm ở Sumantra đã bỏ trốn sau khi đưa ra lời cáo buộc lính canh của nhà tù đã tống tiền tù nhân để cung cấp chỗ ở cho họ vì nhà tù thường xuyên bị quá tải.
Tháng 1/2013, một tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù Kerobokan thông qua hệ thống cống rãnh vào lúc rạng sáng và đã bị bắt lại vào tối ngày hôm đó tại nhà vợ của anh ta.