‘Vườn địa đàng’ giữa khu phong tỏa ở Trung Quốc

Minh Thu |

Những 'vườn địa đàng' ngay khu ban công đang giúp nhiều người dân Trung Quốc vượt qua giai đoạn phong tỏa một cách nhẹ nhàng hơn.

Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được thi hành ở Trung Quốc trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều người nhận ra thực tế vấn đề an ninh lương thực hiện không được đảm bảo.

Nhưng một nhóm người dân ở Trung Quốc lại có cách thích ứng và vượt qua tình cảnh phong tỏa một cách dễ dàng hơn khi biến ban công nhà thành khu vườn đầy trái ngọt và rau tươi. Mục tiêu của họ là vươn tới mục tiêu “tự do về rau củ quả”, đồng thời cải thiện sức khỏe tâm thần của bản thân. Những khu vườn này được ví như "vườn địa đàng" đầy hoa thơm và trái ngọt.

‘Vườn địa đàng’ giữa khu phong tỏa ở Trung Quốc - Ảnh 1.

"Vườn địa đàng" ngay khu ban công của nhà cô Zhong. (Ảnh: Zhong Liu)


Hành trình biến ban công thành vườn trồng rau của cô Shi bắt đầu vào năm 2019. Vào thời điểm đó, cô Shi chỉ thả hạt cà chua từ trong quả cà chua tươi vào trong một chiếc chậu mà không nghĩ gì nhiều. Nhưng sau đó, hạt nảy mầm và phát triển thành cây con. Tới lúc này, cô Shi không khỏi ngạc nhiên và bắt tay vào nghiên cứu cách trồng cây.Cô Shi Huanglei (39 tuổi), một nhân viên y tế tại Thượng Hải đang sống cùng chồng và con gái 11 tuổi, cho hay khu vườn nhà đã giúp cả gia đình được ăn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng như cà chua, rau diếp và dâu tây. Ngoài ra, cô Shi còn trồng cả rau mùi và húng quế để làm gia vị chế biến các món ăn yêu thích.

Cô con gái Wenwen cũng giúp cô Shi trồng rau bằng cách tìm hiểu các bí kíp và lời khuyên từ chuyên gia hoặc kiến thức trong sách vở.

“Trước đây, con gái tôi không biết gì về trồng rau củ quả, nhưng bây giờ con bé có thể viết bài tiểu luận nộp cho nhà trường về kinh nghiệm trồng rau”, cô Shi tự hào nói.

Khi thành phố Thượng Hải đối mặt với làn sóng Covid-19 lây lan nhanh chóng do biến chủng Omicron hoành hành, cô Shi được tuyển vào lực lượng chống dịch tuyến đầu và làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày từ ngày 28/3.

Dù lịch làm việc dày đặc, nhưng cô Shi vẫn bớt chút thời gian chăm vườn rau ở ban công nhà. Theo cô, đây là khoảng thời gian quan trọng giúp cô cân bằng tâm lý giữa lúc dịch bệnh bùng phát mạnh.

“Nhìn những cái cây lớn lên khiến tâm hồn tôi thanh thản và yên bình. Dù số rau củ này không đủ dùng cho cả nhà, nhưng chúng giúp tôi phần nào an tâm về nguồn rau”, cô Shi cho hay.

‘Vườn địa đàng’ giữa khu phong tỏa ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Trái cây tươi ngon trong khu vườn nhà. (Ảnh: Shi Huanglei)


Tại thành phố Thâm Quyến, cô Zhong Liu (32 tuổi) tự tay chăm sóc khu vườn trên khu ban công rộng 5,9 m2 đồng tình với ý kiến của cô Shi.

Vào thời điểm thành phố Thâm Quyến tiến hành phong tỏa vào ngày 14/3, cô Zhong vội kiểm tra các ứng dụng đặt hàng và phát hiện toàn bộ rau xanh đã bị bán hết. Nhưng khác với nhiều người, cô Zhong lại không ùa ra đường và lục tung khắp thành phố để tích trữ thực phẩm.

“Ra đường để mua rau chỉ đúng về mặt hình thức với tôi giữa lúc thành phố bị phong tỏa. Tôi không còn phải lo lắng thiếu rau, do ban công nhà toàn các loại rau ăn được”, cô Zhong tâm sự.

Được biết khu ban công của nhà cô Zhong hiện có mặt rất nhiều loại cây ăn quả và rau xanh như đào, mận, lạc tiên và nho.

Cô Zhong bắt tay vào trồng rau củ ở ban công đúng dịp Tết Nguyên đán 2020, thời điểm dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.

“Khu nhà của tôi bị phong tỏa vì một số người trốn khỏi Vũ Hán tới Thâm Quyến và được phát hiện mắc Covid-19”, cô Zhong nhớ lại.

Lúc đó, mối quan tâm hàng đầu của cô Zhong là chuyện thiếu rau xanh. Để tránh rơi vào cảnh không có rau ăn và sự nhàm chán khi phải ở trong nhà trong lúc bị phong tỏa, cô Zhong bắt đầu trồng rau ở ban công mà ban đầu là cải bó xôi và hành được mua từ chợ.

“Tôi nhận ra rằng trồng rau thực sự hữu dụng và rất dễ. Tự trồng rau khiến tôi có cảm giác an toàn”, cô Zhong cho hay nửa năm qua, cô còn trồng thêm hoa để giúp khu vườn trở nên sinh động hơn.

Giống như phần lớn những người làm vườn, cô Zhong đã phải trải qua nhiều bài học đau thương khi tìm cách đối phó với dịch bệnh và sâu bọ hại cây.

Tới khi chuyển vào căn hộ mới hồi tháng 3/2021, cô Zhong đã cho lắp đặt hệ thống cửa kính để ngăn sâu bọ tấn công vườn rau ở ban công. Cô còn mua phân bón hữu cơ để tăng dinh dưỡng cho đất trồng.

‘Vườn địa đàng’ giữa khu phong tỏa ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Khu vườn có cả cây ăn quả, rau xanh, hoa và chim chóc. (Ảnh: Zhong Liu)


Cầu kỳ hơn, chồng cô Zhong đã cho lắp đặt 4 hệ thống đèn chiếu hoạt động 9 tiếng/ngày để bù đắp lượng ánh sáng mặt trời thiếu hụt cho cây trồng ở ban công phía bắc. Anh này còn tạo ra “hệ thống cộng sinh giữa bể cá và vườn rau”. Nói cách khác, nước sẽ được luân chuyển tự động từ bể cá để tưới cho vườn rau.

“Chúng tôi không cần bón phân cho cây trồng, bởi chất thải của cá và thức ăn thừa còn lưu lại trong nước bể cá sẽ cung cấp dưỡng chất cho cây. Trong khi đó, bể cá cần được thay nước sạch mỗi ngày để đảm bảo nguồn oxy dồi dào cho cá”, cô Zhong giải thích.

Sống cùng bà ở ngôi làng nhỏ từ bé, cô Zhong cho biết mùi vị rau quả tự trồng giúp cô nhớ lại những ngày tháng bé thơ.

Giống như cô Shi, cô Zhong thừa nhận vườn cây ở ban công là vô cùng đáng quý bởi chúng giúp cô được xả stress, giảm lo lắng và tận hưởng thú điền viên.

“Vào mùa hè, tôi có thể mang ghế ra nằm ở ban công và ngủ trưa. Cảm giác thật tuyệt vời khi tận hưởng những cơn gió thổi từ hướng cửa sổ của khu vườn. Điều đầu tiên tôi ngắm nhìn mỗi khi thức giấc là khu ban công tuyệt đẹp của mình”, cô Zhong nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại