Theo Cục Hàng không Việt Nam, cả nước có 22 sân bay dân dụng, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Xét trong phạm vi các vùng kinh tế, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện có số sân bay nhiều nhất cả nước. Cụ thể, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 4 sân bay quốc tế và 5 sân bay nội địa.
4 sân bay quốc tế tại Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nằm ở các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Cùng với đó, 5 sân bay nội địa tại Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nằm ở các tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Nghệ An.
Theo Quyết định số 804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục 34 cảng biển tại Việt Nam, trong 34 cảng biển có 2 cảng biển loại đặc biệt, 11 cảng biển loại 1, 7 cảng biển loại 2 và 14 cảng biển loại 3. Trong đó, 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
Xét trong phạm vi các vùng kinh tế, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện có số cảng biển nhiều nhất cả nước. Cụ thể, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 14 cảng biển. Theo đó, tất cả các tỉnh, thành tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đều có cảng biển.
Như vậy, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện là vùng có vừa có số lượng sân bay vừa có số lượng cảng biển nhiều nhất cả nước.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260 km), và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Lý Sơn, Cù Lao Chàm...
Trong vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú: chiếm 100% trữ lượng Cromit, 60% trữ lượng thiếc, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi xi măng của cả nước, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến.
Ngoài ra, còn có titan ở Phú Bài (Thừa Thiên Huế), măng gan, than ở Khe Bố (Nghệ An), đá quý ở Quỳ Hợp, Quế Phong (Nghệ An); đất sét trắng (Quảng Bình), cát thủy tinh ở ven biển; dầu khí ở ngoài khơi và nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ, hải sản, năng lượng gió, năng lượng mặt trời,...
Đó là những điều kiện thuận lợi để vùng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhất là kinh tế biển và phát triển đồng bộ cả 3 lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ…
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn.
Cùng với đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển quốc gia.
Hiện nay, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế; một số địa phương trong vùng đã vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng. Khoảng cách phát triển của vùng so với mức trung bình của cả nước đang dần dần được thu hẹp.
Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được quan tâm phát triển với một số ứng dụng trong thực tế. Chất lượng khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo từng bước được nâng cao.