Những ruộng ngô xanh mơn mởn giờ đã vàng ruộm, đến kỳ thu hoạch, nhà nhà phơi ngô, tẽ hạt. Ăn, ngủ sinh hoạt với đồng bào tại đây, chúng tôi càng hiểu thêm nỗi trăn trở, vất vả của lực lượng Công an đang phối hợp với chính quyền tìm phương án thích hợp để vận động 39 đối tượng truy nã (trong đó có 17 đối tượng truy nã tại hai bản Lũng Xá, Tà Dê) ra đầu thú, hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Bài 1: Tết Độc lập sum vầy
Những cơn mưa liên tục khiến con đường vào 2 bản Lũng Xá, Tà Dê nhiều đoạn nứt toác, đi lại khó khăn. Trên những sườn núi, nhiều nương ngô đã được thu hoạch, bà con dân bản giữ một phần làm rượu ngô, còn đâu đem bán để kịp đón Tết Độc lập 2-9.
Những ngày này, các chàng trai, cô gái Mông sẽ đi chơi thâu đêm… Còn với các cô giáo vùng cao, sau ngày nghỉ lễ tất bật, mọi người chung tay hoàn thiện nốt phần còn lại cho Lễ khai giảng năm học mới của gần 200 học sinh tiểu học nơi đây.
Bữa cơm ở bản Tà Dê
Mưa lũ kéo dài đã gây sạt lở đoạn đường từ Công an huyện Vân Hồ (trên quốc lộ 6) đi vào Lũng Xá, Tà Dê. Chúng tôi đi cùng với Thượng úy Lý Văn Hạnh, cán bộ an ninh Công an huyện Vân Hồ và Trung úy Sồng A Bề, Trưởng Công an xã Lóng Luông, theo đường từ xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vào bản Tà Dê, Lũng Xá.
Ngồi trên xe ô tô, Trung úy Bề (con trai của nguyên Trưởng Công an xã Lóng Luông Sồng A Thào đã nghỉ hưu) đề nghị: “Khi bà con dân bản mời cơm, uống rượu là phải ăn và uống nhiệt tình, không được từ chối. Nếu không, họ quay mặt là mình không làm việc được đâu”.
Đi vào đầu xã, Trung úy Bề xuống xe tạt vào quán mua 1kg thịt lợn, 10 quả trứng gà và mớ rau muống để vào nhà Công an viên người trong bản nấu cơm. Sức tàn phá của cơn mưa rừng thật khủng khiếp, khiến nhiều đoạn đường sát vách núi và ruộng nương nứt toác, những tảng đá lớn nằm la liệt giữa đường. Bác tài xế điều khiển xe đi thật chậm, luồn lách qua đủ chủng loại chướng ngại vật.
Anh Giàng A Gư (bản Tà Dê) trao đổi với phóng viên.
Ngồi trên xe, chúng tôi có thể nghe tiếng những viên đá nhỏ sát sạt kêu rắc rắc dưới gầm xe ôtô. Đi khoảng 15km, xe ôtô dừng tại nhà của Nguyễn Văn Thuận. Lúc này, Trưởng bản Tà Dê Sồng A Tồng và Công an viên Giàng A Lau đã chờ sẵn, dẫn chúng tôi đi bộ qua ruộng ngô chờ thu hoạch để vào cổng nhà Thuận. Mái nhà của đối tượng đã bị tháo dỡ nhưng tường nhà vẫn giữ nguyên.
Bỗng Trung úy Sồng A Bề phát hiện bên trong góc nhà có kim tiêm và một số dụng cụ sử dụng ma túy nên cho biết sẽ đề nghị chính quyền cho tháo dỡ, nếu không sẽ trở thành nơi tụ tập của các đối tượng nghiện.
Khoảng 20 phút sau, chúng tôi di chuyển về nhà cũ của Nguyễn Thanh Tuân, giờ chỉ còn khoảng đất trống, căn hầm chưa bị đập và lộ rõ ra ngoài với các khung sắt từng được Tuân sử dụng làm phòng hát karaoke, nước ngập lênh láng…
11h trưa, chúng tôi vào nhà Công an viên Giàng A Lau. Ngôi nhà đặc trưng của người Mông với 3 gian 2 trái, nền nhà lát gạch, chung quanh trông sạch sẽ. Tôi phụ giúp rửa rau và được vợ Lau, chị Tráng Thị Mau, hướng dẫn rửa tiết kiệm nước vì ở đây đa số dùng nước mưa, nước máy rất hiếm. Mùa hè, người dân phải đi mua từng thùng nước về sử dụng.
Bữa cơm nhanh chóng được dọn dưới sự trổ tài của Trưởng Công an xã Sồng A Bề. Rượu ngô nấu của vợ chồng Lau liên tục được bê ra mời khách. Một lúc sau, anh trai của Lau về, sau chén rượu giới thiệu, tôi nhìn thấy chị Tráng Thị Mau vào buồng cầm ra 2 chén rượu màu xanh uống theo vòng.
Theo Trưởng Công an xã, đây là chén rượu theo phong tục của người Mông, chỉ sử dụng khi gia đình có việc và khi đón khách quý. Mỗi người phải uống một chén rồi trao chén cho người bên cạnh tự rót rượu vào, chỉ đến khi 2 chén rượu chập vào một người thì vòng rượu kết thúc…
Trưởng bản Tà Dê Sồng A Tồng cho biết: “Ở bản hiện có 101 hộ với 576 nhân khẩu. Trong đó, hộ khá giả chiếm 30%, hộ nghèo chỉ có 23 hộ. Với địa thế hiểm trở, nhiều năm nay những đối tượng nghiện và đối tượng bị truy nã trốn tới đây để tránh lực lượng Công an truy bắt. Sau khi Công an tiêu diệt hai đối tượng Tuân và Thuận, mình không còn nhận bất cứ tin nhắn đe dọa nào, người dân có thể đi lại qua hai bản dễ dàng, không còn e sợ nữa. Tết Độc lập năm nay chắc chắn sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với mọi năm…”.
Xây nhà cho gia đình có người đi thụ án
Chúng tôi chia tay gia đình Công an viên Giàng A Lau, cùng các đồng chí Công an và 2 Trưởng bản Tà Dê, Lũng Xá đến gia đình rất nghèo được các cấp chính quyền và Công an tỉnh Sơn La hỗ trợ làm nhà… Điều đặc biệt, người mẹ 78 tuổi ở với con trai là Giàng A Di nhưng anh này nhận án chung thân vì vận chuyển trái phép chất ma túy, ngoài ra vợ cũng liên quan đến ma túy và đang thụ án.
Do mẹ già yếu nên Giàng A Gư, em trai của Di, về ở cùng. Hiện, hai vợ chồng anh Gư đang nuôi 6 đứa trẻ (trong đó có 3 đứa con của anh trai). Ngôi nhà lợp mái proximăng khá vững chắc, bên trong chỉ có bộ bàn ghế và chiếc giường kê ở góc, nơi mấy đứa nhỏ đang chơi đùa.
Giàng A Gư nghe có thể hiểu nhưng phát âm tiếng Kinh không được nhiều, qua phiên dịch của Trưởng bàn Sồng A Tồng, anh cho hay, nhận được nhà 1 năm nay, giờ không còn sợ mưa gió nữa. Anh cũng đã lên thăm anh trai, chị dâu và hai người này rất mừng khi chính quyền địa phương tạo điều kiện xây nhà cho mẹ. Họ cũng hứa cố gắng chấp hành để sớm về đoàn tụ gia đình.
Những phụ nữ và trẻ con ở Tà Dê chăm chú khi nhìn thấy người lạ tới bản. |
Những đứa trẻ thấy chúng tôi đưa kẹo, bánh cảm ơn rối rít rồi tụ vào một góc chia phần. Anh Gư chia sẻ sẽ cố gắng để nuôi dạy con, cháu, động viên chúng đi học và tránh xa ma túy.
Tại điểm Trường Tiểu học Lũng Xá, Tà Dê, từ cuối tháng 8, các thầy cô giáo đã mở cổng trường, quét dọn sạch sẽ để ổn định lớp, đón học sinh lớp 1 nhập trường. Với gần 200 học sinh chia làm 9 lớp, các thầy cô giáo nơi đây vẫn ngày ngày đem con chữ để giảng dạy cho các em. Năm nào cũng vậy, hòa nhịp chung với các học sinh trong cả nước, ngày 5-9, bố mẹ sẽ đưa các em học sinh từ hai bản ra Trưởng Tiểu học xã Lóng Luông để tập trung khai giảng năm học mới tại đây.
Cô Vũ Thị Mận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Luông tâm sự: “Các thầy cô ở điểm Trường Tiểu học Lũng Xá, Tà Dê đa số đều phải học một số từ tiếng Mông cơ bản mới dạy được các em vì nhiều cháu khi mới nhập trường, câu trước câu sau đã nói tiếng Mông. Rồi có cháu bố đi thụ án ma túy, mẹ bỏ đi nơi khác, ở với họ hàng không được quan tâm nên thường xuyên bỏ học. Các thầy cô sau giờ học lại phải đi đến gia đình học sinh để vận động, khuyên nhủ các em đi học trở lại”.
Chia tay cô và trò Trường Tiểu học Lóng Luông, chúng tôi đi bộ quanh bản Tà Dê để cảm nhận sự thay đổi nơi đây khi bóng chiều đã chạng vạng. Nhiều nhà trước cửa treo cờ đỏ sao vàng, những chàng trai, cô gái mặc váy áo Mông sặc sỡ đi xe máy ra thị trấn Mộc Châu chơi Tết Độc lập...
Chắc chắn, với sự cố gắng, nỗ lực, hăng say lao động sản xuất của chính người dân; sự kiên trì bám bản của lực lượng Công an sẽ giúp bà con ổn định, phát triển sản xuất. Còn việc tuyên truyền, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú là cả một quá trình, cần sự nỗ lực phối hợp của chính quyền địa phương và Công an tỉnh Sơn La trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại nơi từng gọi là “thánh địa ma túy”.