Tổng điểm 28,5 của ba môn (Văn: 9.25, Sử: 9.5, Địa: 9.75) là số điểm "không tưởng" Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1997, Lạng Sơn) đạt được trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Với điểm số "ngất ngưởng" này, Kim Ngân đã đạt danh hiệu thủ khoa khối C cả nước.
Cô thủ khoa không từ bỏ ước mơ trở thành nữ cảnh sát
Khi nhận được tin thủ khoa khối C, Ngân rất bất ngờ vì khi thi xong, Ngân chỉ nghĩ mình làm bài khá tốt chứ nhưng không nghĩ điểm lại cao như vậy.
"Cứ như mơ ý chị ạ... Em chỉ là đứa biết cố gắng hết sức có thể thôi chứ chưa bao giờ lấy mục tiêu thủ khoa làm đích đến cả." Ngân bộc bạch.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 là lần thứ 2 Kim Ngân "vượt vũ môn". Nước ngoái, với số điểm khá cao - 28 điểm nhưng Ngân vẫn chưa thể chạm được vào ngôi trường cô mơ ước – Học viện An ninh.
Kim Ngân từng thi vào Học viện An Ninh vào năm ngoái nhưng không thành công.
Lúc ấy, Ngân vô cùng thất vọng. Nhiều người cảm thấy đáng tiếc cho cô bởi vì với số điểm cao như thế, Ngân đã có thể có nhiều sự lựa chọn tốt hơn. Nhưng nếu được chọn lại, Ngân vẫn giữ nguyên ý kiến cũ.
"Em đã mạnh dạn theo đuổi những gì em thích và đã cố hết sức mình. Em nhận ra rằng kết quả tuy rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là mình đã cố gắng hết sức.
Em không hề cảm thấy nuối tiếc. Lúc đó, em cảm thấy thất vọng vì uổng công kì vọng của gia đình và thầy cô thôi."
Sau đó, Ngân quyết định chuyển sang nguyện vọng 2 vào Cao đẳng du lịch Hà Nội vì muốn thử trải nghiệm môi trường học tập giống như thần tượng - dì của Ngân, là một hướng dẫn viên du lịch. Cô thấy thích thú cuộc sống được đi nhiều, hiểu biết nhiều của một hướng dẫn viên.
Nhưng khi học được một học kỳ ở Cao đẳng du lịch, Ngân nhận ra rằng ước mơ được trở thành một nữ cảnh sát không ngừng cháy trong cô. Vì thế, cô gái trẻ đã mạnh dạn xin bảo lưu kết quả và quyết tâm thi lại vào Học viện An Ninh.
Ngân chia sẻ, bí quyết để đạt điểm cao chính là... không có bí quyết gì; tất cả chỉ đơn thuần là kết quả của sự cố gắng và nỗ lực không ngừng mà thôi.
Cô tâm niệm rằng, chỉ cần trong đầu nghĩ rằng: "Mình có thể làm được" thì kiểu gì cũng có cách để biến điều mình mong muốn thành sự thật.
Theo Ngân, học nhiều không quan trọng bằng học đúng cách. Lần rớt Đại học năm ngoái đã cho cô một sự nhìn nhận mới và khiến cô thay đổi lại cách học của mình.
Đối với môn Văn, Ngân không đọc sách tham khảo để nhiễm cách viết. Ngân thường lên lớp nghe cô giáo giảng bài để có được định hướng đúng về cách hiểu các tác phẩm. Còn sau đó, Ngân tự đào sâu các tác phẩm bằng cách đặt mình vào câu chuyện và tự trải nghiệm.
Ngân cho rằng: "Học nhiều không quan trọng bằng học đúng cách."
"Về phương pháp làm bài, em đọc kĩ đề và gạch chân những ý quan trọng rồi viết nhanh ra nháp. Như thế, vừa không sợ quên lại vừa có thể sắp xếp các ý cho khoa học.
Rồi dựa vào cách tiếp cận mà cô giáo đã định hướng thì em viết ra theo giọng văn riêng - cảm nhận riêng của em về tác phẩm văn học đó.
Còn với môn Sử, em nghĩ nó không quá khó. Vì lịch sử là những câu chuyện của quá khứ nên để học tốt nó, việc của em chỉ là tái hiện lại lịch sử lên trang giấy - đứng ở góc nhìn của hiện tại, góc nhìn của người học để phân tích, chứng minh, bình luận.
Quan trọng là nhớ được các mốc thời gian bằng cách chia nhỏ các giai đoạn, cắm mốc đúng vào sự kiện. Khi chia đủ nhỏ và học từng phần một thì em sẽ tự nhớ được sự kiện này diễn ra lúc nào."
Cô thủ khoa khối C đặc biệt không học vào lúc buồn ngủ hoặc ức chế. Khi cảm thấy buồn ngủ thì cô sẽ đi ngủ, mệt mỏi thì nghỉ ngơi. Thời gian học không nhiều, nhưng lúc nào vào bàn ngồi học thì Ngân lại đòi hỏi phải thật tập trung thật cao độ.
"Lúc học; em không nghe nhạc, không facbook, không suy nghĩ linh tinh. Em cũng thử tự giao bài cho mình, kiểu như 3 ngày để học thuộc giai đoạn Lịch sử tử năm 1930-1945 chẳng hạn." Ngân chia sẻ.
Và cách sống đẹp khiến nhiều người nể phục...
Để có thêm chi phí cho kì thi Đại học lần hai, Ngân đã xin rửa bát và dọn dẹp tại một quán ăn gần nhà. Ngân thường làm vào buổi sáng từ 5h sáng đến 11h trưa; với mức lương là 70 nghìn/ngày.
Tuy hoàn cảnh gia đình không dư dả gì nhưng bố mẹ Ngân chưa để Ngân thiếu thốn cái gì; vậy mà Ngân vẫn đi làm việc tay chân để phụ giúp gia đình.
Bố mẹ Ngân từng bắt con gái nghỉ làm để cô đỡ vất vả và được tập trung ôn thi, nhưng cô không nỡ ngồi học an nhàn trong khi bố mẹ làm lụng khổ cực; số tiền để trả cho tiền học thêm của Ngân cũng không phải ít.
Vì thế Ngân vẫn tiếp tục công việc, cho đến tháng cuối trước khi thi cô mới tạm nghỉ làm để tập trung toàn lực cho việc ôn tập.
Ngân bộc bạch: "Em đi làm, một phần là muốn giúp đỡ gia đình, phần nữa em cũng tập cho mình cách sống tự lập.
Đặc biệt; khi làm việc là ở những nhà hàng, quán ăn quán cà phê... sẽ cho em cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, có được nhiều trải nghiệm lẫn vốn sống phong phú.
Hơn nữa, làm việc khiến em hiểu thêm nỗi vất vả của những người lao động tay chân và giúp em trân trọng điều đó hơn."
Để trang trải cho cuộc sống cá nhân và muốn có thêm kinh nghiệm sống, cô gái trẻ đã xin đi rửa bát thuê.
Hiện tại, sau khi thi xong, Ngân vẫn đang miệt mài làm việc tại các quán ăn để kiếm thêm chi phí cho lần nhập học tới.
Những ngày này, Ngân bận rộn đến mức không có thời gian để nghỉ ngơi nhưng niềm háo hức dành cho ngôi trường mới luôn khiến cô bạn háo hức, phấn khích.
Ngân ước mơ được trở thành nữ Công an từ lâu vì ấn tượng mãi với hình ảnh những anh chị ở Học viện An Ninh dạy võ cho các em ở trại mồ côi trên một chương trình TV.
Với cô, đây là hành động tuy nhỏ nhưng lại mang đến ý nghĩa rất lớn; nó tiếp thêm cho các em ở trại mồ côi thêm động lực để vượt qua những thiệt thòi và sống có ý nghĩa hơn.