Ngô Thu Trang, sinh viên khoa Luật (trường ĐHQG Hà Nội) là cái tên không còn xa lạ với những sinh viên theo ngành luật.
Cô nàng không chỉ sở hữu nhiều thành tích "khủng" trong học tập, là thủ khoa đầu ra của khoa Luật mà còn rất năng nổ trong công tác Đoàn.
Trang là sinh viên 5 tốt cấp Trung ương, từng vinh dự được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ tịch.
Cùng nghe Thu Trang chia sẻ bí quyết học tập và những đam mê của bản thân:
Chào Trang! Chắc hẳn Trang đã rất vui khi trở thành thủ khoa đầu ra của khoa Luật, trường ĐH Quốc gia Hà Nội?
Đúng là mình rất vui và hạnh phúc. Nhưng mình cũng thấy khá áp lực bởi trở thành thủ khoa đầu ra của Khoa Luật – ĐHQGHN phải học tập và làm việc sao cho xứng đáng với danh hiệu này.
Đặc biệt, thời gian tới đây, khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học bắt đầu quá trình lập thân, lập nghiệp và nhìn nhận sự đánh giá trực tiếp từ xã hội, mình thấy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Bạn đã từng tham gia chương trình giao lưu văn hóa JENESYS 2.0 do Bộ ngoại giao Nhật tổ chức năm 2013. Bạn có thể chia sẻ đôi điều về chương trình này? Bạn ấn tượng gì về con người Nhật Bản?
Chương trình JENESYS 2.0 do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức cho sinh viên một số nước thực sự rất bổ ích, mang lại nhiều trải nghiệm mới.
Đó là cơ hội trải nghiệm văn hoá truyền thống của nước Nhật, mình được tham quan các khu du lịch và giao lưu với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu.
Kỷ niệm mình không thể quên trong những ngày tham gia chương trình là được trải nghiệm cuộc sống Homestay (là một loại hình du lịch đặc biệt của Nhật Bản, trong đó khách sống và sinh hoạt chung cùng người dân địa phương - PV), được sinh hoạt, nấu ăn, đi chơi và tâm sự cùng họ.
Đây thực sự là hoạt động bổ ích, giúp hình hiểu hơn về con người và văn hóa Nhật Bản.
Người Nhật Bản rất thân thiện, hòa đồng và có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, giáo dục con cái và bảo vệ trật tự chung của xã hội.
Trang được biết đến với những thành tích học tập “khủng” và là sinh viên “tiêu biểu” trong công tác Đoàn, bạn có bí quyết gì để cân bằng giữa học tập và hoạt động Đoàn?
Thực ra, việc cân đối giữa học và công tác Đoàn là bài toán khó mà mỗi sinh viên “tham lam” như mình cần giải quyết.
Để đảm nhiệm tốt vị trí lãnh đạo Đoàn của khoa hay của câu lạc bộ cũng như đảm bảo việc học của của bản thân thì “công thức” duy nhất của mình là: trách nhiệm + đam mê + nhiệt huyết.
Dù công việc của Đoàn có bận rộn đến mấy thì mình vẫn sắp xếp, dành ra 4 giờ/ngày tự học và đọc sách. Mình nghĩ, tự học rất quan trọng, nếu học trên lớp quyết định 30% thì học bài ở nhà quyết định đến 70% thành công.
Ngoài ra, phương châm của mình khi học tập và làm việc là: ‘‘Học phải đi đôi với hành và mỗi sáng kiến, nghiên cứu phải được vận dụng vào cuộc sống, nhìn chúng dưới góc độ đa dạng trên nhiều lĩnh vực’’.
Được biết, Trang là quán quân cuộc thi “Tinh thần pháp luật” mùa đầu tiên. Theo bạn, am tường pháp luật và “cãi” giỏi có phải là phẩm chất để trở thành một luật gia?
Việc trở thành quán quân cuộc thi này là sự may mắn kèm theo chút kiến thức và kỹ năng mà mình tích góp được.
Theo mình, để trở thành một luật gia thì việc am hiểu pháp luật và ‘‘cãi’’ giỏi không phải là yếu tố quyết định. Chưa chắc một luật gia giỏi đã có kỹ năng hùng biện, nói năng lưu loát, sắc sảo và không hẳn là am tường mọi vấn đề pháp luật.
Tuy nhiên, nếu có tài thuyết trình, phản biện hay có một tư duy luật linh hoạt, vững chắc thì chắc chắn sẽ có lợi thế hơn khi tìm hiểu pháp luật.
Có một danh nhân từng nói: ‘‘Không phải bạn đang giỏi hay xuất sắc mà là phẩm chất của bạn đang được xã hội cần’’. Do vậy, mình nghĩ phẩm chất quan trọng nhất của một luật gia là đạo đức, bản lĩnh vững vàng và tư duy tốt.
Gần đây, phương tiện truyền thông nói khá nhiều về việc sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi vẫn trượt công chức tại Hà Nội. Trang nghĩ gì về điều này?
Mình không bất ngờ về thông tin thủ khoa trượt kì thi sát hạch công chức tại Hà Nội. Thật sự, nếu đứng từ góc độ người ngoài cuộc và chỉ biết thông tin một chiều thì không thể đánh giá hết vấn đề.
Theo mình, có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự việc này. Đa phần, thủ khoa khi ra trường là các cử nhân chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực mình theo học.
Do đó, nếu nhà nước đã có chính sách đặc cách cho thủ khoa xuất sắc không thi các môn thi công chức thì tại sao không để các thủ khoa vào thẳng các cơ quan có nhu cầu.
Sau đó, chính các cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp để kiểm tra trình độ và nhận thức của mỗi thủ khoa thay vì việc tổ chức thêm một kỳ thi sát hạch cho toàn bộ các lĩnh vực. Điều này cũng tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước đáng kể.
Học luật có nhiều cơ hội phát triển. Vậy, bạn muốn học lấy thẻ Luật sư hay công tác tại một cơ quan nhà nước?
Mình có nguyện vọng được công tác trong một cơ quan Nhà nước. Đây là niềm mong mỏi của gia đình và cũng là ước mong của bản thân mình.
Cảm ơn Trang, chúc bạn thành công trên con đường đã chọn!
Thành tích của Trang trong học tập và công tác Đoàn:
Giải Nhì nghiên cứu khoa học Khoa Luật năm 2012 - 2013 với đề tài: ‘‘Quyền hôn nhân của người LGBT và việc sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình năm 2010’’.
Giải Nhì cuộc thi Sáng kiến pháp lý – Inno Law năm 2013.
Giải Nhất cuộc thi Tinh thần pháp luật – Spirit of law năm 2014.
Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013.
Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014.
Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp TW năm 2014, diện kiến Chủ tịch nước tại Phủ chủ tịch và được tuyên dương trong lễ ‘‘Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên năm 2015’’.