Đầu tháng 1, khi dịch Covid-19 còn chưa hoành hành, nhà sáng lập EM+ là chị Hương Ly đã khai trương gần như cùng lúc 10 kiosk bán đồ ăn tại Hà Nội, một nửa trong số đó đặt tại mặt tiền các quán trà sữa DingTea.
Theo nhà sáng lập, đây là một mô hình cộng sinh, chủ nhượng quyền các quán trà sữa hay bất kỳ cửa hàng nào cũng có thể nhận nhượng quyền thêm thương hiệu ẩm thực này để tận dụng khoảng trống mặt bằng đã thuê, tăng doanh thu. Chị Ly từng tự tin chia sẻ kế hoạch nhân rộng mô hình lên 500 điểm bán trên cả nước trong năm nay.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều thương hiệu ẩm thực, chuỗi F&B lớn nhỏ lao đao. Với tân binh mới này thì sao? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà sáng lập để hiểu rõ hơn về tình hình của doanh nghiệp.
* Chào chị, chị tự tin rằng EM+ có điểm khác biệt gì nổi bật so với những chuỗi ẩm thực và F&B khác là gì?
Đây là mô hình có khả năng cộng sinh nhưng không làm thay đổi mô hình gốc, mặt khác có thể giúp các chuỗi, nhà hàng tận dụng mặt bằng, nhân sự dư thừa để gia tăng doanh thu và giá trị.
Menu của EM+ cũng là những món ăn rất quen thuộc, đa dạng, có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, bản thân những mô hình gốc như các quán trà sữa,… đã có lợi thế vị trí đẹp từ trước, nhu cầu của khách hàng ở địa điểm đó lại rất cao nên dễ được mọi người đón nhận.
Thứ hai, chúng tôi có khả năng nhân bản chuỗi cung ứng bằng việc sử dụng công nghệ trong quản trị, nghiên cứu thị trường và cả chăm sóc khách hàng.
Hiện nay, nhiều người đã triển khai mô hình ẩm thực đường phố nhưng họ thường làm riêng lẻ, thiếu quản trị nên chỉ tiếp cận được một phần rất nhỏ trong toàn bộ miếng bánh thị phần, món ăn dù ngon nhưng khi nhân bản lại thất bại.
Mô hình kiosk hay xe đẩy không còn mới nhưng tôi tin với việc sử dụng công nghệ để quản trị, đưa ra các quy trình chuyên nghiệp thì EM+ sẽ dễ dàng nhận rộng thêm nhiều điểm.
Thứ ba, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch marketing thương hiệu bài bản, mục tiêu tạo nên một văn hóa ẩm thực đường phố, tương tự như văn hóa Starbucks hay CGV.
* Lệnh giãn cách xã hội trong 3 tuần đã ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch và hoạt động kinh doanh của EM+?
Dịch bệnh khiến các trường đại học đóng cửa, trong khi nhân viên của chúng tôi hầu hết là sinh viên làm bán thời gian, đang tạm nghỉ ở quê, gây nên tình trạng thiếu nhân sự. Đó là khó khăn đầu tiên.
Hoạt động bán hàng tại điểm bán cũng gần như chết đứng. Giai đoạn đầu, do doanh số trực tiếp tốt nên chúng tôi chủ quan, chưa dồn lực vào mảng online. Sau khi hoàn toàn chuyển dịch, tập trung cho online thì hiện đã đóng gói được quy trình rồi.
Mặc dù nhu cầu thị trường giai đoạn vừa qua rất thấp nhưng doanh thu mảng online tại mỗi điểm bán đã tăng trưởng ngang với doanh số trực tiếp giai đoạn trước đó.
Rồi kế hoạch mở chuỗi vì Covid mà bị chậm lại một chút. Ngay trong tháng 3, nhiều nhà đầu tư đang sở hữu các chuỗi truyền thống đã đến tìm hiểu, trao đổi để nhận nhượng quyền, mỗi người đều đề xuất hợp tác phát triển 3-4 điểm.
Tuy nhiên, giai đoạn giãn cách xã hội, chúng tôi cũng đồng lòng tuân theo quyết định của Chính phủ nên tạm gác việc nhân điểm, tập trung chia sẻ và đào tạo online. Nếu không có Covid, tôi tin đến tháng 4, EM+ đã mở được hàng trăm điểm rồi.
* Doanh thu của mảng online hiện ra sao?
Một đơn hàng hiện có giá trị trung bình khoảng 50-60 nghìn đồng, cũng có những đơn đến hàng trăm nghìn. Doanh thu mảng online đã ổn định, thấp thì 1,5 triệu đồng/ngày, cao thì 3 triệu đồng/ngày cho mỗi điểm. Chúng tôi có mở thêm được một kiot mới ở trong ngõ từ ngày 1/4, hiện doanh thu khoảng 2,6 triệu/ngày.
Nhà sáng lập EM+, chị Hương Ly.
* Được biết trong giai đoạn giãn cách xã hội, một số điểm bán của chị đã phải tạm đóng cửa. Việc này liệu có ảnh hưởng đến tâm lý của các chủ nhận nhượng quyền?
Suốt 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi chỉ có 3 điểm bán còn hoạt động, tính cả kiot mới mở. Và các chủ nhận nhượng quyền tại đó cũng chính là những người quyết tâm nhất. Ngay từ đầu, tôi đã thuyết phục nhà đầu tư rằng cần tiếp tục hoạt động, xác định tư tưởng phải sống chung với dịch, vì không thể dập dịch trong một sớm một chiều.
Với các kiosk đóng cửa là do nhà đầu tư đang muốn quan sát thêm tình hình, nên tôi đồng ý để họ tạm nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, sau khi nhận thấy khả năng vận hành và ổn định doanh thu từ 3 điểm bán còn hoạt động thì họ đều rất hào hứng và có niềm tin vào sự phát triển của mô hình trong tương lai. Không có lời trấn an nào thuyết phục bằng những con số và kết quả thực tế.
* Lệnh giãn cách xã hội đã được nới lỏng, những điểm bán “ngủ đông” đã thức dậy hết chưa, thưa chị?
Ngay sau ngày 22/4, chúng tôi đã dần khởi động lại tất cả các điểm bán của EM+ rồi.
* Người dân đã bắt đầu quen và chấp nhận việc sẽ phải sống chung với dịch, ít nhất là trong vài tháng tới. Với startup của mình, chị có kế hoạch gì để thích ứng với một “cuộc sống bình thường mới”?
Ngay từ đầu, tôi luôn tư duy rằng người dân vẫn phải ăn và làm việc, chính phủ sẽ không đóng cửa mãi, các chuỗi F&B cũng vậy.
Mô hình của tôi tinh gọn và linh hoạt, hệ thống, quy trình bán online đã được chuẩn hóa, mỗi địa điểm chỉ cần có diện tích đủ cho một bếp mini là có khả năng vận hành rồi. Do đó, EM+ vẫn có thể tồn tại và nhân điểm.
Tôi sẽ tiếp tục với chiến lược hiện tại, đó là kết hợp với các đối tác để mở rộng quy mô và thúc đẩy online trên các ứng dụng giao đồ ăn và cả mạng xã hội. Tuy nhiên, luôn linh hoạt để phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ.
* Chị đã tính đến trường hợp một lệnh giãn cách xã hội mới có thể được ban hành bất cứ lúc nào?
Tôi nhận thấy người dân ngày càng nhận thức được tình hình, Chính phủ cũng có kinh nghiệm và sự chuẩn bị rồi, nên nếu có thêm một đợt giãn cách xã hội mới, chắc chắn sẽ không giống với lần đầu tiên. Ít nhất là với EM+.
Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc hoạt động online tại tất cả các kiot. Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Chị có giữ nguyên mục tiêu nhượng quyền 500 điểm bán trên cả nước trong năm nay?
Cho dù dịch Covid-19 có xảy ra hay không thì xu hướng của các mô hình tinh gọn, theo tôi nghĩ vẫn sẽ lên ngôi. Giai đoạn này, nhu cầu của người tiêu dùng đã giảm sút rất nhiều nhưng EM+ vẫn tồn tại được nên tôi tin tưởng rằng, khi kinh tế dần được phục hồi, hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn.
Hiện tại chưa thể nói trước điều gì quá xa nhưng vẫn phải có mục tiêu. EM+ đang thực hiện tốt những bước đầu tiên nên tôi sẽ vẫn giữ mục tiêu nhân rộng được 500 điểm bán trên toàn quốc, nhưng thời gian có thể phải kéo dài hơn. Kỳ vọng phát triển ra Đông Nam Á thì cần xem xét thêm những diễn tiến của dịch trong khu vực.
Trước mắt, tôi muốn tập trung vào kế hoạch phát triển 100 điểm bán tại Hà Nội trong 6 tháng tới.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!