Trạng Hổ tên thật là Nghiêm Viên, tên thường gọi là Nghiêm Hoãn, người làng Bồng Lai, xã Bồng Chi, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc làng Bồng Lai, huyện Quế Võ, Bắc Ninh); đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn (1496) đời Lê Thánh Tông.
Khoa thi năm đó, triều đình lấy đỗ 43 người, sau đó vua đích thân xem dung mạo xét định, chọn lấy 30 người cho đỗ Tiến sĩ, đứng đầu là Nghiêm Viên.
Tương truyền trước ngày diễn ra khoa thi Đình, vua Lê Thánh Tông nằm mộng thấy một con hổ ăn đầu người nên rất lo lắng, sau khi có kết quả thi, vua cho gọi tất cả những người đỗ vào thề trước điện.
Khi thấy một tân khoa dáng người cao lớn vạm vỡ, tướng mạo dữ tợn, râu tóc mặt mũi giống hổ nên Lê Thánh Tông truyền đến hỏi thì người đó xưng tên là Nghiêm Viên đến từ trấn Kinh Bắc.
Vua hỏi năm sinh thì thí sinh đó trả lời cho biết mình sinh vào năm Dần. Nghe đến đó, chợt nhớ tới giấc mơ đêm trước, Lê Thánh Tông nghĩ ngợi thoáng chốc.
Theo Hán tự thì chữ Viên (con khỉ) và chữ Hổ có nét gần giống nhau, Nghiêm Viên lại tuổi Dần (hổ) nên vua cho rằng đó là điềm trời báo trước, sau đó truyền đổi tên Nghiêm Viên thành Nghiêm Hoãn để tránh điềm gở trong giấc mơ và gả công chúa cho.
Cũng vì cho rằng ông sinh vào năm Dần tuổi cầm tinh con hổ nên khi đỗ Trạng, dân gian mới gọi ông là Trạng Hổ.
Vừa đoạt học vị Trạng nguyên cao quý, nay lại được lấy công chúa, trở thành phò mã của hoàng gia, tưởng chừng thiên hạ không mấy người có được sự may mắn ấy, không ngờ đó lại chính là mầm họa của Nghiêm Viên.
Trước khi đỗ Trạng và được gả công chúa, Nghiêm Viên đã có một người vợ ở quê, bà này có tính ghen ghê gớm, nay nghe tin chồng đỗ Trạng bà vừa mừng nhưng lại "sôi máu" khi biết ông còn được vua kén làm phò mã, lấy được nàng công chúa trẻ trung xinh đẹp.
Thật đúng là:
"Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai".
Tức giận vì chồng mình có thêm vợ mới, nhưng chẳng dám làm gì động đến con vua, "cả giận mất khôn" đâm nghĩ quẩn, thế là bà vợ cả đã bỏ thuốc độc vào thức ăn trong bữa tiệc mừng của chồng.
Thế là Trạng nguyên Nghiêm Viên trúng độc chết, chưa kịp làm quan để đem tài năng của mình ra giúp dân, giúp nước còn nàng công chúa bất hạnh kia chưa kịp hưởng hạnh phúc gia đình đã trở thành người góa bụa khi tuổi xuân còn mơn mởn.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Triều Nguyễn biên soạn khi viết về khoa thi năm Bính Thìn (1496) cũng có lời chú rằng: "Nghiêm Viên, người làng Bồng Lai, huyện Quế Dương, sau khi đỗ, lấy công chúa, đến lúc về nhà, bị vợ đánh thuốc độc chết".
Không có ghi chép về việc nàng công chúa kém may mắn kia là ai trong số bốn nàng công chúa có mỹ hiệu là Gia Thụy, Ý Đức, Dược Vân và Phúc Bảo, con gái vua Lê Thánh Tông?
Nhưng câu chuyện buồn đó đã khiến Nghiêm Viên trở thành Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử bị đầu độc, quốc gia mất đi một nhân tài kiệt liệt không được thỏa chí bình sinh của mình và nàng công chúa kia có lẽ cũng là nàng công chúa có cuộc hôn nhân ngắn ngủi bất hạnh nhất trong lịch sử.
Đối với người vợ ghen tuông gây ra tội ác tày đình đó, sử sách cũng không ghi chép việc bà bị xử trí thế nào nhưng có thể đoán chắc chắn rằng kẻ thủ ác khó mà tránh khỏi tội chết.
Theo pháp luật đương thời là bộ Quốc triều hình luật (còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức), người vợ của Trạng nguyên Nghiêm Viên đã phạm vào điều 2 quy định về Thập ác (tức là 10 tội ác nhất).
Cụ thể là phạm vào tội ác nghịch giết chồng không thể dung tha, không được ân xá mà phải chịu một trong 3 mức tử hình là giảo (thắt cổ), xử trảm (chém đầu) và lăng trì (cắt, xẻo thịt cho chết dần).
Trường hợp này có thể áp dụng mức hình phạt quy định tại Điều 421 Bộ luật Hồng Đức: "Kẻ dùng thuốc độc hại người hay bán thuốc độc đều phải tội giảo".
Trong Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức, một văn bản pháp luật khác cũng có quy định: "Vợ giết chồng bị xử tội chết".
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Truyện hay trong lịch sử Việt Nam", trang 112-115, NXB Hồng Đức.
Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.