Người ta thường nói: Nhìn con cái thấy cha mẹ. Thực tế, cha mẹ có giáo dục con cái tốt hay không có thể nhìn ra từ lời nói và hành động của trẻ.
Đã lâu rồi, kể từ khi tốt nghiệp đại học, chị Hoàng Lý (Trung Quốc) không gặp lại bạn cũ và cũng hiếm tham gia những buổi tiệc tùng. Lý do bởi chị quá bận rộn cho công việc, gia đình và chăm con. Mãi cho tới gần đây, các bạn đại học đã tìm được nhau trên MXH, lên kế hoạch gặp gỡ sau nhiều năm ra trường. Lúc này, con trai cũng đã 7 tuổi, chị cho rằng đây là cơ hội tốt gặp lại mọi người, cho con được trải nghiệm ở thế giới bên ngoài.
Hoàng Lý đưa con đi dự tiệc vào cuối tuần. Trong bữa tiệc, bọn trẻ tự chơi trong khi bà mẹ và một nhóm bạn cũ đang trò chuyện. Rồi một sự cố đã xảy ra, đó là một đứa trẻ vô tình làm vỡ chiếc bình sứ của chủ nhà. Khi đó, Hoàng Lý không để ý lắm vì không nghĩ người gây ra chuyện là con trai mình.
Sau buổi họp lớp, chị về nhà, định tìm vài bức ảnh tập thể trong nhóm chat thì phát hiện mình đã bị xóa khỏi nhóm nên vội hỏi một người bạn. Người này gửi 1 đoạn camera khiến chị bàng hoàng.
Hóa ra trong bữa tiệc, con trai chị đã làm đổ chiếc bình trong nhà chủ nhà. Không ngờ, để trốn tránh trách nhiệm, cậu bé lại đổ tội cho người khác, khiến đứa trẻ kia bị mẹ đánh oan. Mọi chuyện tưởng như xong thì sau khi khách ra về, chủ nhà xem lại camera mới biết thủ phạm chính là người khác. Anh này trích xuất đoạn camera gửi vào nhóm lớp chung. Ai nấy chê trách đứa trẻ nhỏ tuổi đã học cách gian dối, đồng thời cho rằng Hoàng Lý không biết dạy con.
Khi đó chị Lý mới nhận ra vấn đề của con trai và bắt đầu xem lại cách dạy con.
Trẻ thiếu trung thực, phải làm sao?
Trẻ nhỏ làm sai hay nghịch ngợm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nhiều khi để dỗ trẻ, phụ huynh lại có xu hướng tìm cách chuyển trách nhiệm sang những người xung quanh. Khi trẻ làm sai hay làm hỏng một việc gì đó, cách ứng xử tốt nhất là cha mẹ tránh trừng phạt hoặc giận dữ với con.
Tuy nhiên, người lớn cũng nên từ từ phân tích cho con trẻ hiểu nguyên nhân và mức độ của sự việc. Bởi nếu chỉ để dỗ trẻ mà nói không đúng sự việc sẽ khiến trẻ tự huyễn hoặc bản thân, hoặc để tránh bị phạt hay mắng mỏ trẻ tìm cách nói dối hay đổ lỗi cho người khác.
Khi trẻ làm sai hay làm hỏng một việc gì đó, cha mẹ có thể nói: “Mẹ chắc con không cố tình làm điều này. Hai mẹ con mình cùng lau sạch chỗ này nhé”. Nó thể hiện rằng, bạn biết lỗi này là do bé nhưng cũng thông cảm với lỗi của bé. Điều quan trọng là hướng bé đến việc khắc phục vấn đề một cách tự giác.
Hay với những bé cố tìm cách đổ lỗi cho người khác, bạn nên yêu cầu bé không chỉ giải quyết hậu quả (chẳng hạn, dọn đống bề bộn hoặc lau vết bẩn trên tường) mà bé còn phải xin lỗi người bé đã buộc tội. Bởi vì, anh, chị hay bạn bè của bé sẽ rất buồn vì bị bé đổ lỗi. Và để trẻ biết tự nhận lỗi về mình, người lớn có thể ôn luyện cho trẻ những quy tắc về sự trung thực thông qua trò chơi đúng - sai để trẻ hiểu ra rằng mình cần phải trung thực với mọi việc xảy ra xung quanh mình.
Trẻ con là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển và hình thành tư duy. Vậy nên, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ hãy có những cách hành xử đúng đắn ví dụ như không đổ thừa nhau: “Tại anh…”, “Tại em…” vì khi cha mẹ có hành vi như vậy, trẻ sẽ học ngay cách chối bỏ trách nhiệm như thế.