Phong tục tuẫn táng ra đời từ xã hội theo chế độ nô lệ. Vào thời nhà Thương, mọi người đều cho rằng con người sau khi chết có linh hồn, mộ phần chính là ngôi nhà của người đã mất ở thế giới bên kia, các quý tộc trong chế độ nô lệ bấy giờ rất thịnh hành cách dùng người sống tuẫn táng với bản thân, để họ theo cùng, sau này chết qua thế giới bên kia sẽ có người hầu hạ.
Nô lệ không có quyền con người, cũng không thể làm chủ chính mình, khiến người ta vừa sợ hãi lại vừa thương cảm.
Từ xã hội nô lệ kéo dài đến xã hội phong kiến, những ghi chép về việc nhà Tần dùng người sống tuẫn táng vào thời Tần Vũ Công, trong "Sử ký – Tần Bản ký" có ghi rằng: "Vũ Công chết, táng tại Ung Châu. Lấy người sống chôn cùng, người chôn theo có đến 66 người. Đến thời Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế nghìn năm có một lại không dùng người sống để tuẫn táng, khiến tất cả đều thấy kì lạ."
Tháng 3 năm 1974, một số nông dân ở thôn Tây Dương, thị trấn Ly Sơn huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) khi đang đào giếng ở khu vực cách Lăng Đông 1500m thì phát hiện một số tượng vỡ được làm bằng đất có kích thước to nhỏ khác nhau, được làm giống y người thật.
Sau khi được đội khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây khảo sát và thăm dò, kỳ quan thứ tám của thế giới đã được khai quật. Những pho tượng binh lính được khai quật sống động như thật, có chiều cao khác nhau, biểu cảm khuôn mặt bất đồng, nghiêm túc đoan trang giống như người thật, mang đến cảm giác áp bức tiêu điều nhưng căng thẳng, khiến người xem như ngừng thở, sinh ra cảm giác sợ sệt trước những bức tượng binh lính có tuổi đời cả ngàn năm.
Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến trình độ tinh xảo, mang giá trị không thể đo lường được như thế lại chỉ là đồ bồi táng của một người.
Tượng binh mã trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Lấy tượng để tuẫn táng thay người sống là sự cải cách trong xã hội thời Xuân Thu, tượng ở đây chính là tượng hình người, sự xuất hiện của những bức tượng người này đã cho thấy sự tiến bộ trong xã hội, cho thấy con người khi đó đã có sự trân trọng hơn đối với mạng sống của con người.
Dùng tượng binh mã thay người để giảm bớt tội lỗi, tích thêm phúc đức
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, đã bắt đầu bóc lột sức lao động của nhân dân, tiến hành tu sửa xây dựng nhiều cung điện xa hoa. Trong tác phẩm "A Phòng Cung Phú" có viết: "Tần ái phân xa, nhân diệc niệm kỳ gia; nại hà thủ tri tận truy thù, dụng chi như nê sa?" (Dịch thơ: Người Tần thích xa hoa, thì người ta cũng nhớ đến nhà; Sao lấy thì thu nhặt từng chút mà dùng thì coi rẻ như đất bùn.)
Câu thơ đã nói lên phong cách chuyên quyền độc đoán, xa xỉ của Tần vương.
Không chỉ như thế, Doanh Chính còn rất thích phát động chiến tranh, phía Bắc chinh phạt Hung Nô, phía Nam đánh Bách Việt, khiến bách tính nhân dân rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng, nhiều gia đình vợ chồng con cái ly tán.
Cũng chính bởi những việc làm này đã khiến Doanh Chính mang tiếng là bạo quân, khắp nơi vang tiếng oán than, mà việc tu sửa xây dựng lăng mộ cũng đã làm chết rất nhiều người.
Cũng có thể vì để tích chút đức cho bản thân mình nên Tần vương đã nghe theo lời khuyên của Thừa tướng Lí Tư, không dùng người sống tuẫn táng mà thay vào đó sử dụng các tượng đất thay người.
Nhưng thực tế vì để bảo đảm tính bí mật của việc tu sửa lăng mộ nên hầu như những người tham gia tu sửa cũng đã vĩnh viễn nằm lại trong lăng mộ ấy, việc này đã khiến rất nhiều người chết.
Doanh Chính trời sinh đa nghi, lại là người tin vào thuyết hữu thần, trong thời đại mà mê tín là niềm tin tín ngưỡng của con người, với những việc mà khoa học bấy giờ chưa giải thích được thì con người sẽ coi đó là sự hiện thân của thần thánh.
Chân dung Tần Thủy Hoàng.
Là người tin tưởng vào sự tồn tại của thần linh, Doanh Chính dĩ nhiên sẽ tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia, có Âm phủ, Diêm vương… Ông ta biết rằng bản thân cả đời tội nghiệt đầy mình, linh hồn đã dính máu của người khác, sợ khi đến Âm tào địa phủ, nếu chỉ có một mình sẽ không thắng nổi kẻ thù, cho nên đã cho xây dựng một đội quân hùng mạnh để bảo vệ chính mình.
Tuy rằng không dùng người sống để tuẫn táng cùng nhưng những tượng binh mã này được những thợ thủ công có tay nghề cao dựa theo hình dáng binh lính nhà Tần làm y như thật, có thể coi như hiệu quả tương đương.
Chuyện Tần Thủy Hoàng theo đuổi thuật trường sinh bất lão chắc hẳn mọi người đều từng nghe qua.
Bấy giờ có một người tên là Từ Phúc đã nói với Tần vương rằng ở vịnh Bột Hải có ba ngọn núi tiên là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, trên mỗi ngọn núi tiên lại có một vị tiên nhân trường sinh bất lão, chỉ cần tìm được họ, luyện được đan dược chắc chắn sẽ trở nên bất tử.
Không có ai có thể cưỡng lại được ham muốn được trường sinh bất lão, nghe lời dụ dỗ của Từ Phúc, Tần Thủy Hoàng đã bị dao động, bắt đầu tìm kiếm bí mật về trường sinh bất lão.
Trong xã hội coi trọng khoa học như ngày nay, con người sẽ không tin vào những lời mê muội như thế, nhưng Tần Thủy Hoàng anh minh cả đời lại tin vào điều đó, còn đáp ứng điều kiện của Từ Phúc, cho hơn một nghìn đồng nam đồng nữ theo Từ Phúc ra biển, đi tìm ba vị tiên nhân trên núi, nhưng tìm đâu cho thấy?
Từ Phúc cùng đoàn thuyền lênh đênh trên biển rất lâu, sau cùng vì sợ hãi nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ hứng chịu cơn giận của Tần vương nên đã dẫn đoàn người đi sang Nhật Bản.
Mặc dù Từ Phúc một đi không trở lại, nhưng việc trường sinh bất lão này vẫn khiến Tần Thủy Hoàng trăn trở. Tần Thủy Hoàng về sau dốc hết sức đi tìm phương thuốc trường sinh, nghe nói rằng phương thuốc này tên gọi là Thái Tuế, ngày nay được nhà khoa học gọi là Thái Tuế Nhục Linh Chi, song Tần Thủy Hoàng phí hết cả đời vẫn không tìm ra được.
Tượng binh mã trên một góc độ nào đó cũng chính là biểu tượng để Tần Thủy Hoàng phô trương địa vị và quyền lực của bản thân.
Nếu đã không thể trường sinh bất lão, vậy thì cũng phải xưng đế ở Âm phủ kia, cho nên ông đã cho xây dựng một lăng mộ như một đội quân, để sang thế giới bên kia có thể thay mình đi xưng bá bốn phương.
Tượng binh mã trên một góc độ nào đó cũng chính là biểu tượng để Tần Thủy Hoàng phô trương địa vị và quyền lực của bản thân
Đội hình quân sự với số lượng lớn tượng binh lính và ngựa chiến chính là những ghi chép lại về sức mạnh quân sự hùng hậu của nhà Tần dưới thời Tần Thủy Hoàng thống trị. Từ xưa đến nay chưa có lăng mộ hoàng đế nào có thể đạt đến quy mô vĩ đại như vậy, cũng chưa khi nào việc khai quật các vật phẩm bồi táng lại khiến mọi người kinh ngạc đến như thế.
Nguyên nhân thực sự Tần Thủy Hoàng cho xây dựng lăng mộ tượng binh mã đã không còn cách nào để nghiệm chứng, những lí do kể trên đều là sự suy đoán của thế hệ sau dựa trên các tài liệu sử sách, và sự kiện lịch sử ghi chép lại.
Lăng mộ tượng binh mã giúp chúng ta có cái nhìn và hiểu được thêm về kỹ thuật thủ công, lịch sử, văn hóa… dưới thời nhà Tần, là báu vật lịch sử vô giá với nền văn minh của Trung Hoa.