Vừa chớm có ổ dịch cộng đồng sau 3 tuần, người TQ đổ xô đi làm điều này

Nguyễn Thái |

Sau nhiều ngày tạm yên ổn, Trung Quốc bất ngờ ghi nhận ổ dịch Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ở 2 tỉnh sau 3 tuần.

Người dân chen chúc xếp hàng để được tiêm vắc-xin Covid-19 tại điểm tiêm chủng đại trà ở huyện Linquan, tỉnh An Huy, hôm 13/5. Ảnh: AP

Người dân chen chúc xếp hàng để được tiêm vắc-xin Covid-19 tại điểm tiêm chủng đại trà ở huyện Linquan, tỉnh An Huy, hôm 13/5. Ảnh: AP

Theo SCMP, Dinh Khẩu, thành phố cảng ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, đã ghi nhận 5 ca nhiễm có triệu chứng và 8 ca không triệu chứng từ ngày 13 - 15/5. Thành phố Lục An và Hợp Phì, thuộc tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, ghi nhận 7 ca nhiễm có triệu chứng và 7 ca không có triệu chứng, từ ngày 13 - 16/5.

Thành phố Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, cũng ghi nhận một ca nhiễm hôm 16/5.

Wu Zunyou, chuyên gia dịch tễ học cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), đêm 15/5, nhận định Dinh Khẩu nhiều khả năng là nguồn gốc của đợt bùng phát mới dù Lục An là nơi đầu tiên phát hiện ca nhiễm hôm 13/5.

Năm 2020, Dinh Khẩu ghi nhận một số vụ lây nhiễm cộng đồng liên quan tới các ca nhập cảnh và ông Wu không loại trừ khả năng ổ dịch lần này là trường hợp tương tự.

"Các đợt bùng phát mới ở Trung Quốc trong quá khứ liên quan tới các trường hợp nhập cảnh, có thể là người hoặc hàng hóa", chuyên gia của CDCC nói.

Li Yan, Phó giám đốc CDC Dinh Khẩu, cho biết, số ca nhiễm mới trong thành phố là những người chưa được tiêm phòng vắc-xin. Quan chức thành phố đang cố gắng truy vết F0.

Vừa chớm có ổ dịch cộng đồng sau 3 tuần, người TQ đổ xô đi làm điều này - Ảnh 1.

Một điểm tiêm chủng ở tỉnh An Huy. Ảnh: VCG

Vừa chớm có ổ dịch cộng đồng sau 3 tuần, người TQ đổ xô đi làm điều này - Ảnh 2.

Khu tiêm chủng vắc-xin ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc, cũng có rất đông người tới tiêm sau khi ổ dịch mới bùng phát tại 2 tỉnh Liêu Ninh và An Huy. Ảnh: CNS

Các ổ dịch mới đã khiến người dân ở nhiều nơi đổ xô đi tiêm phòng vắc-xin. Quan chức thành phố Hợp Phì cho biết, số người dân đi tiêm phòng trong thành phố lên mức kỷ lục.

Fan Feng, một bà mẹ sống ở Hợp Phì cho biết, ban đầu không muốn đi tiêm phòng vì chưa có ca nhiễm trong thành phố nhưng các ca mới xuất hiện đã thay đổi suy nghĩ của người phụ nữ này.

"Việc tiêm vắc-xin lúc này đã khó khăn hơn trước rất nhiều. Chúng tôi có thể sẽ phải chờ vài ngày. Sáng 15/5, dòng người xếp hàng dài khi mới 7h30 và vẫn còn rất dài dù trời đổ mưa lớn cả ngày hôm đó", bà Fan chia sẻ.

Teresa Xu, một giáo viên tiếng Anh 32 tuổi tại thành phố Hợp Phì, cho biết, hiện tại rất muốn đi tiêm chủng. Cô giáo 32 tuổi cho biết thêm rằng đang trong chuyến công tác tại thành phố Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Xu được cảnh sát liên lạc và yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm vì tới từ nơi có ca nhiễm.

"Nếu không tiêm phòng, tôi gần như chắc chắn sẽ bị yêu cầu đưa ra giấy xét nghiệm axit nucleic khi tới những nơi khác. Điều đó thật phiền phức", Xu nói.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tiêm vắc-xin Covid-19 cho 40% dân số với hạn chót là tháng 7 tới nhưng hiện tại vẫn chưa có dữ liệu thống kê chính thức về số liệu tiêm chủng của nước này.

"Nhiều người vẫn chưa sẵn sàng tiêm vắc-xin. Đó là một vấn đề. Nhưng chúng ta nên rút ra bài học từ đợt bùng phát mới này, rằng virus vẫn ở rất gần chúng ta", Zhao Wei, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Y tế phương Nam (Trung Quốc), nhận định.

Ông Zhao nhấn mạnh rằng, đại dịch vẫn là một mối lo ngại nghiêm trọng và Trung Quốc không thể lơ là, mất cảnh giác.

Ông Zhong Nanshan, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc, kêu gọi người dân tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại