Kích động, khiêu khích và phép thử
Sau khi 4 tàu chở dầu bị phá hoại ở ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cách đây 1 tháng, vừa mới đây lại có 2 tàu chở dầu bị tương tự ở vịnh Oman.
Sau rất nhiều năm rồi mới lại thấy xảy ra chuyện tàu chở dầu bị tấn công, phá hoại hay hư hại bởi mìn hay thuỷ lôi của ai đó tại khu vực xung quanh eo biển Hormuz.
Vụ việc lập tức trở nên nghiêm trọng và khiến cả thế giới không thể không lo ngại sâu sắc bởi chúng xảy ra khi Mỹ và Iran đã xô đẩy nhau vào tình trạng rất có thể dễ dàng xảy ra đụng độ vũ trang hay chiến tranh với nhau.
Chưa khi nào kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, Mỹ không chỉ gia tăng căng thẳng và đối địch với Iran mà còn chuẩn bị sẵn sàng chiến tranh với Iran như hiện tại.
Ở đây phải công bằng và khách quan để xác thực rằng tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt quá trình dẫn đến tình hình chính trị an ninh và cục diện quan hệ hiện tại ở vùng Vịnh.
Ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, không chỉ áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran như lúc trước khi có thoả thuận kia mà còn gia tăng mức độ và mở rộng phạm vi trừng phạt Iran.
Hình ảnh 1 trong 2 tàu chở dầu bốc cháy khi bị tấn công. Ảnh: AFP/ISNA
Ông Trump đã thành lập hẳn một liên minh nhiều bên ở khu vực để cùng chống Iran. Ông Trump chủ trương dùng chiến lược "gia tăng áp lực tối đa" nhằm mục tiêu buộc Iran phải nhượng bộ Mỹ hoặc nếu không sẽ bị khó khăn đến mức sụp đổ cả về chính trị lẫn kinh tế.
Ông Trump lật ngược thoả thuận đã đạt được kia để làm găng và o ép Iran buộc nước này phải đàm phán lại với Mỹ về vấn đề chương trình hạt nhân, phải đàm phán với Mỹ cả về vấn đề chương trình tên lửa, đồng thời lại còn phải đáp ứng điều kiện của Mỹ là thay đổi cơ bản chính sách đối ngoại và an ninh liên quan đến các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Có thể thấy được ngay ở đây là Iran sẽ không bao giờ chấp nhận những điều kiện tiên quyết này cũng như cách hành xử này của Mỹ. Không có gì là khó hiểu khi Mỹ nói sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Iran trong khi Iran lại chỉ có thể đàm phán có điều kiện với Mỹ nếu thật sự sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Mỹ tiền hậu bất nhất như thế thì làm sao Iran có thể tin được Mỹ nữa.
Một kịch bản khác
Quan hệ giữa Mỹ và Iran căng thẳng lên vì thế. Ông Trump còn làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi quyết định điều binh khiển tướng và triển khai thêm lực lượng quân đội hùng hậu đến vùng Vịnh, bố trận thủ thế ở ngay trước của ngõ của Iran.
Chính vì thế, câu hỏi đầu tiên được đặt ra ở đây là nếu không tồn tại tình trạng đối đầu thù địch như hiện tại giữa Mỹ và Iran - mà do Mỹ gây ra - trực tiếp ở khu vực này thì liệu có xảy ra những vụ tấn công hay phá hoại tàu chở dầu hay không.
Xưa nay, đúng là Iran thường doạ sẽ phong toả eo biển Hormuz nhưng mới chỉ thực hiện có một lần ở thời còn cuộc chiến tranh giữa Iraq (được Mỹ hậu thuẫn) và Iran trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Nếu có phong toả eo biển này hay gây nguy cơ mất an ninh ở đây, Iran cũng bị tổn hại lớn. Chính vì Mỹ đã dàn trận chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột vũ trang với Iran như thế nên mới xảy ra chuyện tàu chở dầu bị hư hại.
Nguyên do ở chỗ có kẻ hoặc phe nào đấy ở phía Mỹ hay phía Iran hoặc bên thứ ba muốn đẩy Mỹ và Iran vào đụng độ quân sự hoặc thậm chí chiến tranh với nhau bởi chỉ kích động và khiêu khích như thế thì hai bên mới xung đột vũ trang với nhau.
Mỹ tuy đã có lực lượng quân đội và vũ khí hùng hậu đến vậy ở khu vực nhưng không phải để gây chiến với Iran.
Bản thân ông Trump không muốn gây chiến tranh và phía Mỹ thừa biết là để xảy ra chiến tranh thì Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng nề như chưa từng bị ở bên ngoài nước Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Phía Iran cũng không muốn chiến tranh với Mỹ. Cả hai bên đều thực nghĩ như vậy và nói ra như vậy.
Đi tìm thủ phạm thực sự
Ở cả hai lần tàu chở dầu bị phá hoại, Mỹ đều đổ trách nhiệm cho Iran.
Ở lần vừa rồi, Mỹ thể hiện quan điểm ấy rất nhanh, thậm chí còn công bố một video clip làm bằng chứng. Tuy nhiên, thiên hạ lại hoài nghi, bởi 2 lý do.
Thứ nhất, bằng chứng Mỹ đưa ra là những hình ảnh mờ nhoà chứ không rõ ràng và Mỹ chủ ý võ đoán nhiều hơn là có được nhận thức từ xác minh. Ngay cả đến chủ sở hữu con tàu ấy cũng bác bỏ lập luận và kết luận của Mỹ.
Thứ hai, xưa nay Mỹ vốn rất thành thạo với việc nguỵ tạo chứng cớ để kiếm cớ hành động. Sự kiện Vịnh Bắc bộ năm 1964, chiến tranh Iraq năm 2003, chất độc hoá học ở Syria năm 2017. Một sự đã bất tín thì vạn sự bất tin.
Ở Mỹ và một số nước Phương Tây hiện ngự trị nhìn nhận cho rằng Iran gây ra những vụ tấn công tàu chở dầu vừa rồi để cảnh báo Mỹ là nếu cứ tiếp tục chiến lược "gia tăng áp lực tối đa" đối với Iran thì sẽ không còn có an ninh và ổn định nữa ở Vịnh Ba tư, eo biển Hormuz và vịnh Oman cũng như để thúc ép các nước gây áp lực với Mỹ buộc Mỹ chấm dứt trừng phạt Iran.
Đánh giá như thế thật khiên cưỡng và không xác thực. Iran cũng cần xuất khẩu dầu lửa và cần tranh thủ các đối tác khác, phân hoá họ với Mỹ chứ không phải gây khó và nguy hiểm cho họ. Phong toả eo biển Hormuz chỉ là phương cách bất đắc dĩ của Iran và có tác động tâm lý nhiều hơn là thực tế.
Ở Mỹ và Iran đều có sự phân phe thành phái chủ găng và ôn hoà, nhưng dẫu phe nào hành động thì cũng đều không thể manh động mà đều theo quyết định của lãnh đạo cấp cao nhất mà hiện tại có thể nhận thấy ông Trump cũng như lãnh đạo Iran không có chủ trương khiêu khích lẫn nhau để rồi có cớ đụng độ quân sự hay chiến tranh với nhau.
Bản thân ông Trump vừa rồi tuy đổ trách nhiệm cho Iran, nhưng cũng không tỏ ra gay gắt hơn mà thật ra vẫn rất kiềm chế.
Cho nên những vụ việc vừa rồi nhiều khả năng nhất là sản phẩm của bên thứ ba nào đó muốn tìm cách kích động Mỹ và Iran xung khắc quân sự với nhau. Những kẻ này được lợi nhiều nhất từ chiến tranh hay đụng độ quân sự giữa Mỹ và Iran. Cho nên họ sẽ không dừng lại ở việc phá hoại hai con tàu chở dầu vừa rồi.
Cũng vì thế mà tình hình ở khu vực này vẫn rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho hoà bình, an ninh và ổn định. Mỹ và Iran càng cần phải tỉnh táo và kiềm chế. Việc điều tra sự thật như kiến nghị của TTK LHQ Antonio Gutteres càng thêm cần thiết. Nếu không thì lần thứ ba sẽ không để chờ đợi lâu và khi ấy khu vực này cũng như cả thế giới cách thảm hoạ không còn mấy xa.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại