Sau khi nhận lời cố vấn từ các nhà lập pháp, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết đã hoãn dự luật và vòng thảo luận lần 2 trong tháng tới cũng bị hủy bỏ. Bà Lâm nói hiện không có kế hoạch và thời điểm tiếp tục thảo luận về dự luật này và ít nhất trong năm nay sẽ không thông qua luật dẫn độ tới Trung Quốc như đã dự định trước đó.
"Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để thu hẹp các khác biệt và loại bỏ sự nghi ngờ. Tuần qua, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối. Các cuộc mâu thuẫn nghiêm trọng đã xảy ra... dẫn tới hàng loạt sĩ quan cảnh sát, nhân viên truyền thông và những công dân khác của Hong Kong bị thương tích. Tôi rất buồn về việc này".
Cũng theo bà Lâm, thông qua việc hoãn dự luật, bà hi vọng chính quyền sẽ "đem lại sự bình tĩnh cho người dân" và nếu không làm như vậy thì "sẽ có một đòn đánh nghiêm trọng khác vào xã hội Hong Kong".
Người biểu tình Hong Kong đã thể hiện thái độ phản đối gay gắt đối với dự luật
Thông điệp của bà Lâm đã được đưa ra sau khi các cuộc đụng độ đầy bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình không có dấu hiệu dừng lại. Hàng chục nghìn người tiếp tục vây kín khu hành chính, khiến những nhân viên chính phủ không thể tới thảo luận về dự luật.
Ngày 9/6, hơn 1 triệu người Hong Kong đã đổ xuống đường để biểu tình chống lại dự luật dẫn độ. Con số này được ước tính là khoảng 1/7 dân số Hong Kong.
Một cuộc biểu tình quy mô tương tự đã có nguy cơ xảy ra vào ngày hôm nay (15/6) trong trường hợp bà Lâm không hoãn dự luật.
Tuy nhiên, theo thông tin CNN ghi nhận được, có khả năng vẫn sẽ có một cuộc biểu tình lớn vào 2h30 chiều giờ địa phương vào ngày 16/6 tại công viên Victoria. Những người biểu tình sẽ mặc đồ đen, yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn dự luật và thậm chí đòi bà Lâm từ chức.
"Hối hận sâu sắc"
Trả lời trên truyền thông, bà Lâm nhận trách nhiệm vì đã thất bại trong việc giao tiếp với người dân. Bà cho biết động lực ban đầu cho dự luật này là một vụ giết người xảy ra ở Đài Loan. Hung thủ của vụ án đã tìm cách trốn chạy về Hong Kong nhưng tòa án ở Hong Kong không thể xét xử cũng như dẫn độ tên hung thủ tới nơi khác. Bà Lâm cho rằng đây là lỗ hổng trong luật pháp hiện hành của thành phố này.
"Chính quyền phải có trách nhiệm. Chúng tôi cần phải tìm giải pháp để giải quyết vụ án mạng và đem lại công bằng cho gia đình người bị hại," bà Lâm nói.
"Đối với tôi, mục đích nguyên bản của dự luật này rất đúng đắn. Nhưng chính quyền Hong Kong và người dân chưa thực sự hiểu nhau.
Tôi cảm thấy rất buồn và hối hận vì sự thiếu sót của bản thân. Điều này đã gây ra sự bất mãn sâu sắc và những mâu thuẫn lớn trong xã hội. Chính quyền Hong Kong sẽ cố gắng chân thành và khiêm tốn hơn trong tương lai".
Việc hoãn dự luật cũng đặt ra câu hỏi lớn đối với tương lai của bà Lâm. Trước khi trở thành Đặc khu trưởng Hong Kong vào năm 2017, bà Lâm nói bà sẽ từ chức "nếu công chúng cho rằng bà không còn phù hợp với chức vụ này nữa".
Quan ngại về pháp lý
Tuy Hong Kong là một phần thuộc Trung Quốc nhưng khu vực này có hệ thống pháp luật riêng. Đây là mô hình "một quốc gia, hai chế độ" đã được áp dụng từ lâu tại Hong Kong.
Các chuyên gia cho rằng dự luật là mối đe dọa đối với nhân quyền ở Hong Kong, bao gồm quyền tự do ngôn luận.